15/01/2017 11:30 GMT+7

Tập huấn ở Mỹ:Chuyện không đơn giản

KHươNG XUâN
KHươNG XUâN

Nếu sang Mỹ tập huấn mà VĐV không thạo tiếng Anh, không có HLV “ruột” đi theo kèm cặp thì điều kiện lý tưởng tại Mỹ chưa chắc giúp VĐV phát triển thành tích.

Lan và Lịch (thứ 2 và thứ 3 từ phải sang) trong thời gian tập huấn tại Học viện IMG, Florida, Mỹ. Ảnh: NVCC
Lan và Lịch (thứ 2 và thứ 3 từ phải sang) trong thời gian tập huấn tại Học viện IMG, Florida, Mỹ. Ảnh: NVCC

 

Lần đầu tiên điền kinh VN đã chi đến 2 tỉ đồng cho hai VĐV và cũng là hai anh em ruột Quách Công Lịch, Quách Thị Lan sang Mỹ tập huấn hơn 1 năm (từ tháng 4-2015 đến tháng 8-2016. Dù “đi một ngày đàng học một sàng khôn” nhưng thành tích của Lan và Lịch vẫn chưa cho thấy sự tiến bộ như mong muốn.

Thầy tại Hà Nội phiên dịch cho VĐV ở... Florida

Là hai VĐV được đầu tư trọng điểm chuẩn bị cho Asiad 2018, Olympic 2020 nên Tổng cục TDTT và Sở VH-TT&DL Thanh Hóa đã cùng chi tiền đưa Lịch và Lan sang Mỹ tập huấn. Và khó khăn đã ập đến khi hai anh em sang tập huấn ở Học viện Thể thao IMG, Florida (Mỹ).

Do vốn tiếng Anh hạn chế, lại không có HLV trong nước đi kèm vì thiếu kinh phí nên Lan và Lịch gặp khó trong việc trao đổi với chuyên gia người Mỹ Loren Seagrave. Cả hai cho biết hầu hết chỉ hiểu được các nội dung thông thường sau khi được HLV thị phạm. Để bàn về các bài tập chuyên sâu, muốn nói cho HLV Mỹ hiểu hết mong muốn của mình là không thể. Vì thế muốn trao đổi gì, Lan và Lịch lại điện thoại, email về VN cho ông Dương Đức Thủy - trưởng bộ môn điền kinh - để ông Thủy truyền đạt lại với chuyên gia Mỹ.

Để cải thiện tiếng Anh, Lan và Lịch tham gia lớp tiếng Anh giao tiếp do Học viện IMG tổ chức cho các VĐV nước ngoài tập huấn tại đây. Tuy nhiên chỉ học được 1-2 tháng cả hai phải bỏ dở vì tập luyện nặng nhọc nên không có thời gian và sức khỏe theo lớp. Lịch chia sẻ: “Dậy lúc 8h sáng, sau đó chúng tôi bắt đầu bữa ăn sáng tại phòng riêng. Tiếp đó, hai anh em đi bộ đến sân tập cách nơi ở khoảng 2km. Buổi tập diễn ra lúc 11h-13h, sau đó đi ăn trưa. Buổi tập chiều của chúng tôi bắt đầu lúc 15h-17h, buổi này có thể tập chuyên môn hoặc thể lực với các bài tạ, bơi. Buổi tối hai anh em tự nấu ăn tại phòng, ăn xong thì nghỉ ngơi vì cũng đã rất mệt mỏi. Dù sang Mỹ một năm nhưng chúng tôi không quen được với thời gian tập luyện giữa trưa ở đây nên khá vất vả bởi ở VN chúng tôi tập từ 8h-10h sáng sau đó nghỉ, chiều tập từ 15h-17h”.

Lan và Lịch cho biết trung bình 3-4 tuần, VĐV do HLV Loren Seagrave huấn luyện được đưa đi thi đấu kiểm tra một lần. Do địa điểm thi đấu khá xa, phải di chuyển bằng xe nhiều giờ nên đi đến nơi là bước vào thi đấu. Do đó thành tích trong các cuộc thi kiểm tra của Lan, Lịch trong suốt một năm không tốt. Cụ thể, Lan không đạt mục tiêu đạt chuẩn tham dự Olympic Rio 2016.

Điều kiện lý tưởng nhưng... không chạy được

Hơn một năm ở Mỹ, Lan và Lịch đều tham dự rất nhiều giải đấu nhưng thành tích thậm chí thấp hơn khi ở VN. Lan giải thích: “Ở Mỹ, điều kiện tập luyện như cơ sở vật chất, HLV, dinh dưỡng rất lý tưởng. Tuy nhiên trong cái lý tưởng đó lại phát sinh khó khăn vì chúng tôi không trao đổi được với HLV Mỹ về nhiều vấn đề. HLV Loren Seagrave rất giỏi khi đào tạo cả VĐV giành huy chương Olympic. Ông cho chúng tôi nhiều bài tập tăng cường sức mạnh, phát triển toàn diện cơ thể, bài tập kỹ thuật cơ bản nên sức bền, sức mạnh của hai anh em được nâng lên nhiều.

Tuy nhiên, HLV VN mới là người hiểu chúng tôi rõ nhất. HLV VN biết rõ thời điểm nào tập bài gì để nâng thành tích lên, điều chỉnh lượng vận động hợp với chúng tôi. Sang Mỹ do thực phẩm phong phú, đồ ăn ngon nên hai anh em cũng tăng cân. Tôi cao 1,75m, bình thường nặng 56kg nhưng ở Mỹ tôi lên đến 60kg. Tập luyện tốt, điều kiện tốt, dinh dưỡng tốt nhưng khi thi lại không chạy được do tăng cân”.

Dù vậy, Lịch vẫn mong được sang Mỹ tập huấn. Lịch chia sẻ nếu được sang Mỹ lần tới, anh mong muốn có HLV người Việt đi cùng để tận dụng tối đa điều kiện tập luyện ở Mỹ, nâng cao thành tích. “Ngoài các bữa trưa ăn ở IMG, tôi và Lan tự nấu ăn bữa sáng, tối. Thực phẩm ở đây rất ngon, vì được phát bao nhiêu tiền hai anh em cố gắng dùng để mua đồ ăn bồi bổ sức khỏe chứ không tiết kiệm tiền mang về nên cứ cái gì thấy tốt cho sức khỏe thì ăn. Vì không có bác sĩ tư vấn nên ăn cái gì, hạn chế cái gì nên trong cái thuận lợi lại nảy sinh bất lợi là tăng cân” - Lịch nói.

Điều khá ngạc nhiên là dù tập ở Mỹ thi đấu không tốt nhưng vừa về VN được hơn hai tháng, tháng 11-2016, Lịch và Lan đều thể hiện phong độ ấn tượng ở Giải điền kinh vô địch quốc gia khi cả hai anh em giành trọn cả 4 HCV cá nhân ở cự ly 400m, 400m rào nam, nữ với thành tích tốt nhất tính từ đầu năm 2016. Theo Lan và Lịch, điều này là do sự điều chỉnh bài tập của HLV sau khi về nước khi cả hai đã có thời gian tích lũy thể lực, sức mạnh tại Mỹ.

Ông Hoàng Mạnh Cường, tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh VN, cho rằng sang Mỹ tập huấn là lựa chọn rất tốt. Tuy nhiên, phương pháp huấn luyện của HLV Mỹ và VN có sự khác biệt rất lớn, chẳng hạn trong khi HLV Mỹ thường lên kế hoạch dài hơi, huấn luyện bài bản vài năm cho một VĐV thì VĐV VN chỉ sang vài tháng hoặc một năm đã phải về nước. Việc không có HLV người Việt đi cùng cũng là bất cập khi để VĐV sang Mỹ một mình. Tất cả những điều này sẽ được nghiên cứu và điều chỉnh để những chuyến đi tập huấn sau thành công hơn.

KHươNG XUâN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp