- Dưỡng sinh là một phương pháp tự luyện tập gồm ba phần lớn: luyện tập, ăn uống và thái độ trong cuộc sống. Phương pháp này được bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, nguyên bộ trưởng Bộ Y tế VN, xây dựng dựa trên nền tảng là thuyết tinh - khí - thần. Mục đích của dưỡng sinh là để bồi dưỡng sức khỏe, phòng bệnh, từng bước chữa các bệnh mãn tính và tiến tới sống lâu, sống có ích.
Lợi ích của dưỡng sinh
Bí quyết để luyện tập có kết quả trong phương pháp dưỡng sinh chính là luyện thở. Kỹ thuật thở đúng “mở thanh quản ở thời giữ hơi, sau khi hít vào gắng sức” thì không thể bị tai biến được. Cách luyện thở có thể là hai thời, ba thời hoặc bốn thời tùy theo thể trạng và bệnh tật của mỗi người, nhưng theo phương pháp dưỡng sinh của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng thì chú trọng nhất ở phép thở bốn thời: hít vào, giữ hơi, thở ra và nghỉ.
Lợi ích của thở sâu
- Trên hệ hô hấp: thở sâu có tác dụng đưa dưỡng khí vào tận đáy phổi và đỉnh phổi, duy trì sức thở không bị giảm đi theo tuổi tác.
- Trên hệ tuần hoàn: khi thở sâu, khí huyết sẽ lưu thông tốt hơn và quá trình trao đổi khí biến máu đen thành máu đỏ được nhiều hơn.
- Trên hệ thần kinh: khí huyết lưu thông sẽ giúp tế bào thần kinh được nuôi dưỡng tốt hơn.
- Trên hệ tiêu hóa: khí huyết lưu thông nhờ đó mà bộ máy tiêu hóa hoạt động tốt hơn, giúp ăn ngon, ngủ yên, tăng cường sinh lực.
- Trên hệ miễn dịch: tăng cường oxy đến các tế bào của lục phủ ngũ tạng giúp tăng sức đề kháng của cơ thể, chống bệnh tật, chống lão hóa tế bào, nhờ đó mà trẻ lâu, khỏe mạnh, yêu đời.
Ngoài phương pháp thở còn có các động tác tập vận động cột sống ở tư thế nằm, ngồi, đứng, giúp phòng chống bệnh tật, cải thiện và tăng cường sức khỏe.
Đối tượng nào cần luyện tập?
- Người có sức khỏe yếu, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính. Tuy nhiên khi tập cần có sự hướng dẫn và theo dõi của các bác sĩ chuyên môn, nếu tập không đúng cách hoặc quá sức sẽ có hại.
- Người trẻ khỏe cần duy trì tập luyện để khỏe hơn.
- Cần kết hợp ăn uống đầy đủ chất, uống nước nhiều, sống điều độ và tránh xa các chất kích thích có hại cho cơ thể.
- Tại TP.HCM, có thể đến tập tại Viện Y học dân tộc, Bệnh viện Đại học Y dược (cơ sở 3, khoa y học cổ truyền).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận