Công tố viên liên bang Breon Peace trong cuộc họp báo ngày 18-10 thông báo vi phạm của Lafarge và việc tập đoàn này nhận sai, chấp nhận đóng phạt - Ảnh: REUTERS
Trong cuộc họp báo ngày 18-10, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Lafarge và công ty con ở Syria đã tích cực tìm kiếm sự giúp đỡ của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh khi lực lượng cực đoan này kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria và Iraq các năm 2013-2014.
Đổi lại, Lafarge sẽ thực hiện một "thỏa thuận chia sẻ doanh thu" với IS và một nhóm tương tự là Mặt trận Al-Nusrah.
Theo phía Mỹ, từ năm 2013 đến năm 2104, Lafarge đã trả cho IS và Al-Nusrah khoảng 5,9 triệu USD cho nguyên liệu thô, "hoa hồng" dựa trên khối lượng xi măng bán ra và một số chỉ đơn giản là "quyên góp" hằng tháng.
Lafarge cũng trả thêm 1,1 triệu USD cho những người trung gian, đồng thời bắt tay với IS để khiến các nhà cung cấp xi măng Thổ Nhĩ Kỳ, vốn có giá rẻ hơn, không thể bán hàng trong khu vực IS kiểm soát.
Một giám đốc điều hành của công ty con Lafarge mô tả đây là việc "cùng chia miếng bánh". Ước tính Lafarge kiếm được khoảng 70 triệu USD trong giai đoạn còn chia chác lợi nhuận với IS.
"Giữa cuộc nội chiến Syria, Lafarge đã đưa ra lựa chọn không thể tưởng tượng được là đưa tiền vào tay IS, một trong những tổ chức khủng bố man rợ nhất thế giới, để công ty này có thể tiếp tục bán xi măng", công tố viên liên bang Breon Peace nói với báo giới ngày 18-10.
"Lafarge đã thỏa thuận với ma quỷ", vị công tố viên tiếp tục và mô tả hành vi này của một công ty phương Tây là "kinh khủng, không có tiền lệ và không thể biện minh".
Trong một tuyên bố ngày 18-10, Lafarge cho biết công ty và công ty con không còn tồn tại là Lafarge Cement Syria "nhận trách nhiệm về các hành động của cá nhân giám đốc điều hành".
"Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc vì hành vi này đã xảy ra và đã làm việc với Bộ Tư pháp Mỹ để giải quyết vấn đề", thông cáo của Lafarge thừa nhận. Theo thỏa thuận, Lafarge chấp nhận đóng phạt 778 triệu USD ở Mỹ.
Tập đoàn Holcim của Thụy Sĩ, công ty mua và sáp nhập Lafarge vào năm 2015, đã không biết gì về các giao dịch kinh doanh ở Syria, theo Chính phủ Mỹ.
Rắc rối pháp lý của Lafarge không chỉ ở Mỹ mà còn trên chính đất Pháp. Nhà sản xuất xi măng gần 200 năm tuổi này đang đối mặt với cáo buộc đồng lõa trong tội ác chống lại loài người.
Hồi tháng 5 rồi, một tòa phúc thẩm của Pháp đã chấp nhận cáo buộc, mở một phiên tòa xét xử công khai với Lafarge và tám giám đốc hoặc cựu giám đốc công ty.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận