Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo - Ảnh: REUTERS
"Việt Nam đã bật đèn xanh cho tập đoàn AES (trụ sở tại Virginia) để tiến hành dự án", ông Pompeo nói tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPBF 2020) ngày 28-10.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết thỏa thuận này sẽ mở ra cánh cửa nhập khẩu LNG trị giá hàng tỉ USD từ Mỹ vào Việt Nam mỗi năm, đồng thời miêu tả đây là điều "đôi bên cùng có lợi".
IPBF 2020 đã khai mạc vào sáng ngày 28-10 tại Hà Nội. Do dịch COVID-19 nên nhiều phái đoàn tham dự từ xa và phát biểu qua hình thức trực tuyến, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ Pompeo.
Diễn đàn có sự tham gia của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, diễn ra trong bối cảnh Mỹ tăng cường chống lại ảnh hưởng của các công ty nhà nước Trung Quốc trong khu vực.
Việt Nam đang xây dựng nhiều nhà máy điện dùng LNG và nhà máy đầu tiên sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023. Reuters nhận định đây là động thái đầy tham vọng, có thể đưa LNG trở thành nguồn năng lượng chính cho nền kinh tế đang phát triển nhanh của Việt Nam.
Phần lớn LNG cho các nhà máy điện ở Việt Nam đó sẽ được nhập khẩu từ Mỹ - quốc gia đang muốn thu hẹp thâm hụt thương mại với Việt Nam, vốn đã tăng lên 44,3 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm 2020 so với mức 33,96 tỉ USD của cùng kỳ năm ngoái.
Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết cũng trong khuôn khổ diễn đàn, ba tập đoàn Bechtel, General Electric và McDermott đã ký thỏa thuận trị giá 3 tỉ USD được công bố trước đó để phát triển nhà máy điện LNG công suất 3,2 gigawatt tại tỉnh Bạc Liêu.
Mỹ và PV Gas ký thỏa thuận hợp tác kho cảng LNG Sơn Mỹ trị giá 1,4 tỉ USD
Thông tin được đưa ra trong khuôn khổ Diễn đàn Thương mại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thường niên lần thứ ba (IPBF), đại diện của Tập đoàn AES và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) đã ký kết các Điều khoản chính của Hợp đồng Liên doanh trong dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ, tại tỉnh Bình Thuận.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ có tổng công suất kho cảng lên đến 450 TBtu với tổng vốn đầu tư 1,4 tỉ USD, dự kiến sẽ hoàn tất các thủ tục tài chính vào năm 2022 và bắt đầu vận hành thương mại vào năm 2025.
Đây là dự án kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ nằm trong chuỗi dự án điện khí LNG tại tỉnh Bình Thuận, với công suất kho cảng là 3 triệu tấn/năm cho giai đoạn 1 và lên đến 6 triệu tấn/năm vào giai đoạn tiếp theo.
Dự án này sẽ tiếp nhận, xử lý và cung cấp khí LNG tái hóa làm nhiên liệu cho 2 nhà máy điện Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2 từ năm 2024, bổ sung nguồn khí thiếu hụt tại miền Nam Việt Nam, đặt biệt là sau 2023, khi các nguồn khí nội địa bắt đầu suy giảm.
Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ bổ sung cho kế hoạch đầu tư của AES vào cơ sở hạ tầng khí đốt trong nước, cùng với Nhà máy điện tua bin khí chu trình hỗn hợp (CCGT) có công suất 2,2GW và tổng vốn đầu tư dự án khoảng 1,8 tỉ USD đã được công bố trước đó.
Trong khuôn khổ lễ ký kết, đại diện AES cũng đã nhận được Thư bày tỏ quan tâm từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ và Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Hoa Kỳ (DFC) về khoản vay trị giá 3,2 tỉ USD cho dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ và Nhà máy điện khí Sơn Mỹ 2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận