Tạp chí JABES đã có hơn 30 năm hình thành và phát triển với nhiều thành tựu, quy tụ 162 tác giả đến từ hơn 30 quốc gia trên khắp thế giới - Ảnh: UEH
Sáng 8-3, TS Bùi Quang Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết tạp chí JABES của trường chính thức ghi tên vào danh sách các tạp chí thuộc danh mục SCOPUS, trở thành tạp chí khối ngành khoa học xã hội và nhân văn đầu tiên của Việt Nam được công nhận vào chỉ mục khoa học uy tín này.
"Với hơn 30 năm nỗ lực cùng với sự chuẩn bị của nhà trường, tập thể JABES và cộng sự, cùng với sự hỗ trợ từ Bộ Giáo dục và đào tạo, JABES đã rà soát các tiêu chuẩn, thực hiện cải tiến liên tục với mục tiêu được công nhận vào danh mục SCOPUS trong thời gian sớm nhất", ông Hùng nói.
Quá trình đăng ký xét duyệt trên hệ thống chính thức bắt đầu từ ngày 5-11-2021, sau khi hoàn tất các hồ sơ theo yêu cầu. Trải qua hơn 4 tháng, đến nay JABES đã nhận được thư thông báo chính thức về việc được công nhận vào danh sách các tạp chí thuộc danh mục SCOPUS.
Tạp chí JABES có tiền thân là tạp chí Phát triển kinh tế với ấn phẩm tiếng Việt đầu tiên xuất bản năm 1990; ấn phẩm tiếng Anh đầu tiên xuất bản năm 1994 với tên gọi Economic Development Review, sau đó đổi thành Journal of Economic Development từ năm 2012. Kể từ tháng 1-2018, tạp chí chính thức đổi tên thành tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và kinh doanh châu Á (Journal of Asian Business and Economic Studies - JABES).
Trước đó (tháng 6-2021), JABES-E - phiên bản tiếng Anh của tạp chí JABES cũng đã được công nhận vào danh mục trích dẫn các nguồn mới nổi ESCI, thuộc hệ thống Web of Science.
SCOPUS được xây dựng từ tháng 11-2004 và thuộc sở hữu của nhà xuất bản quốc tế uy tín Elsevier (Hà Lan).
Để được liệt kê vào danh sách SCOPUS, các tạp chí đều phải vượt qua vòng đánh giá, lựa chọn nghiêm ngặt từ hội đồng thẩm định chuyên môn liên quan đến các nội dung quan trọng như: tính đa dạng quốc tế ban biên tập và tác giả, chất lượng bài viết, hệ số trích dẫn, chính sách công khai của tạp chí...
Cách đánh giá chất lượng các tạp chí của SCOPUS cũng dựa vào chỉ số ảnh hưởng (Impact factor), ngoài ra nội dung trên website của SCOPUS (http://www.scopus.com ) rất tiện ích khi sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, từ tra cứu tài liệu đến đánh giá tình hình nghiên cứu khoa học của các cá nhân và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận