Phóng to |
Ngôi nhà của bạn tôi được xây theo kiểu cách của một xưởng vẽ. Từ bên ngoài nhìn vào là một gian phòng sâu rộng với những bức tranh dang dở được chia cắt bởi một vách cửa có bố cục gồm nhiều ô vuông trống. Không gian tiếp nối với các công trình phụ là một khoảng sân lộ thiên vừa đủ cho vài nhành dây leo đem đến màu xanh tươi mát bên cạnh những sắc màu rực rỡ trong tranh. Vậy thôi. Không có phòng ngủ. Không có phòng ăn. Không có chỗ để tivi, tủ lạnh..., bởi đơn giản đây là nơi để làm một việc duy nhất: vẽ tranh.
Dù vậy, bên cạnh các khung vải, các ống sơn màu ngổn ngang, chúng tôi vẫn có một bộ bàn tròn để rót những ly rượu và chậm rãi nhìn ra buổi chiều bên ngoài. Ngay trong tầm nhìn đã là một ngã ba. Một tốp trẻ con chạy nhảy trên hè phố. Thỉnh thoảng vài chiếc xe qua lại, vào ra ở các ngõ. Có thể trong những ngôi nhà khang trang làm nên cái quần thể kiến trúc mới mẻ ấy là những người dân tái định cư, cũng có thể họ từ một nơi xa lạ nào vừa đến, nhưng chung qui họ đã làm cho không gian trở nên sống động hơn bởi những khát vọng mới, sự sinh tồn mới.
Tôi hỏi người bạn: “Tại sao anh bảo phố này giống Pleiku?”. Anh trả lời: “Chắc là nó giống Pleiku ở chỗ đi dăm bước đã về chốn cũ...”. Nghe người bạn trả lời điều ấy, tôi chợt nhớ đến một góc phố Đà Lạt mà tôi đã trọ học thời niên thiếu. Từ cửa sổ ngôi nhà tôi ở trọ nhìn xuôi đến con dốc đối diện là một ngôi nhà thường xuyên đóng kín bằng những cánh cửa gương trong suốt.
Xuyên qua lớp gương có thể nhìn thấy hàng loạt bức tranh rực rỡ treo ngăn nắp dọc các bờ tường; trên bàn khách sang trọng luôn trưng bày một lọ hoa tươi thắm. Tôi nghĩ chủ nhân ngôi nhà ấy phải là một họa sĩ, tôi thường mường tượng sẽ có lần nhìn thấy ông ta mở cửa bước vào ngôi nhà với một cô người mẫu xinh đẹp. Nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy chủ nhân cũng như những điều tôi mường tượng. Tôi kể với người bạn chính cái góc phố ấy là cái góc phố ấn tượng nhất trong đời tôi.
Ngôi nhà người bạn tôi đã hình thành hoàn chỉnh, anh đã bắt đầu có mối quan hệ vui vui với xóm giềng. Một ông nhạc sĩ nghiệp dư nào đó sẵn sàng ôm đàn ghita hát không biết mệt những điệp khúc mới ca ngợi Bà Nà. Một cô bé học trò cấp I thường xuất hiện sẵn sàng tự nguyện đi mua giúp chai bia, ly cà phê...
Cứ như thế, năm tháng trôi qua. Những ngôi nhà mới, những con đường mới đan xen cùng những buồn vui trong cuộc sống... làm cho con người gần kề, gắn bó với cái góc phố mà mình đang sống. Phải chăng đấy chính là hồn phố, cái sợi dây dẫn đến những tình cảm lớn hơn, thiết tha hơn với thành phố, với quê hương đất nước?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận