24/06/2015 11:03 GMT+7

Tạo thói quen dân chủ trực tiếp

V.V.THÀNH thực hiện
V.V.THÀNH thực hiện

TT - Tuổi Trẻ đã phỏng vấn các đại biểu Quốc hội và nguyên đại biểu Quốc hội về việc xây dựng Luật trưng cầu ý dân.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc - Ảnh: Việt Dũng
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc - Ảnh: Việt Dũng

Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC nói:

- Hiến pháp năm 1946 của nước ta đã quy định “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia”. Quyền phúc quyết ở đây chính là thực hiện trưng cầu ý dân. Cho đến nay, trưng cầu ý dân đã trở nên rất phổ biến và là một sinh hoạt bình thường ở nhiều nước trên thế giới với tư cách là một quyền dân chủ trực tiếp của người dân.

Đây không phải là vấn đề dân trí như có ai tưởng. Vấn đề là làm sao để đưa trưng cầu ý dân trở thành một tập quán, một thói quen để thể hiện quyền công dân. Trong một xã hội truyền thống chuyển sang hiện đại, bao giờ cũng có quá trình chuyển tiếp từ xã hội thần dân (với sự tuân phục là chính) sang xã hội công dân, nơi người dân thể hiện quyền của mình, có thể thông qua bộ máy nhà nước được ủy quyền quản trị xã hội hoặc thông qua quyền dân chủ trực tiếp trong đó có việc trưng cầu ý dân.

Để thực hiện được quyền dân chủ trực tiếp cần nhiều yếu tố, một trong những điều hết sức quan trọng là ở người dân, cũng như công cuộc đổi mới ta hay nhìn nhận đổi mới là của nhà nước (trong việc tạo ra chính sách, luật pháp) nhưng quan trọng cuối cùng chính là người dân. Nhà nước đóng vai trò tạo ra “hành lang” và “hành lang” đó phải được thiết kế theo lợi ích và yêu cầu của người dân.

* Vì sao ông cho rằng điều quan trọng là phải đưa trưng cầu ý dân trở thành một tập quán trong đời sống xã hội?

- Chúng ta biết rằng Thụy Sĩ là quốc gia mà việc trưng cầu ý dân được thực hiện rất phổ biến, với cách thức tổ chức rất đơn giản. Tôi có sang đó thì được biết có những cuộc trưng cầu ý dân mà họ không quy định phải có bao nhiêu phần trăm dân số tham gia thì mới có giá trị, nghĩa là bao nhiêu người tham gia cũng được, miễn đa số trong số những người tham gia đồng ý thì cuộc trưng cầu ý dân đó có giá trị áp dụng trên toàn quốc.

Vì sao như vậy? Bởi vì họ quan niệm đây là môi trường để rèn luyện tính công dân, và một trong những điều quan trọng nhất của tính công dân là nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình. Ví dụ họ đưa ra một vấn đề để trưng cầu ý dân, chỉ một thiểu số tham gia nhưng kết quả được thực hiện cho số đông.

Người không tham gia trưng cầu ý dân thấy kết quả có lợi cho mình thì không sao. Nhưng những người bị ảnh hưởng bởi cuộc trưng cầu ý dân đó họ sẽ thấy mình không đi bỏ phiếu trưng cầu, không tham gia thể hiện chính kiến của mình nên đã bị thiệt thòi quyền lợi. Chính cách đặt vấn đề nêu trên làm cho công dân phải quan tâm hơn đến những vấn đề chung của đất nước.

Có một câu chuyện đã diễn ra là một thành phố lớn quyết định không cho máy bay hoạt động từ sau 5g chiều đến 5g sáng, vì ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt ban đêm của người dân. Theo đó, người dân muốn đi máy bay đêm thì phải đi qua biên giới sang sân bay nước khác ở gần thành phố mình. Nhưng với sự phát triển của hàng không thì mọi người thấy rằng đi máy bay rất tiện lợi, bay đêm mang lại nhiều lợi ích kinh tế và hiệu quả hơn. Trong khi đó chính việc cứ phải qua lại biên giới phiền phức, cho nên người dân thông qua một cuộc trưng cầu ý dân đã điều chỉnh lại quy định nêu trên.

* Như vậy, ông cho rằng đã đến lúc Quốc hội cần ban hành một đạo luật về trưng cầu ý dân để góp phần tạo ra thói quen này ở nước ta?

- Chúng ta đã và đang nói nhiều đến bộ máy mang tính hành chính, trong chừng mực nào đó là quan liêu, rồi là mối quan hệ xin - cho chi phối. Trong bối cảnh như vậy, chắc chắn bước đi đầu tiên để có trưng cầu ý dân là khó khăn, sẽ có nhiều rào cản về cơ chế, tâm lý và không loại trừ có những nghi ngờ về hiệu quả của nó. Nhưng tôi nghĩ chúng ta cứ làm, làm từ những vấn đề nhỏ đến vấn đề lớn.

* Vậy theo ông, đâu là những vấn đề cần được trưng cầu ý dân?

- Nói đến trưng cầu ý dân thì ta hay nghĩ đến chuyện lớn. Ví dụ như Scotland tổ chức trưng cầu ý dân về việc tách khỏi Liên hiệp Anh để trở thành một quốc gia độc lập, rồi nước Anh trước vấn đề ra đi hay ở lại EU? Trong quá trình soạn thảo Hiến pháp 2013, đã có những ý kiến đề xuất là có nên trưng cầu ý dân về việc trở lại tên nước như trước đây là Việt Nam dân chủ cộng hòa hay không?

Theo suy nghĩ của tôi, trong bối cảnh chúng ta chưa quen thì cứ đi từng bước phù hợp. Phải có thời gian để xã hội đưa việc này thành một tập quán. Tự người dân ý thức được lợi ích của trưng cầu ý dân và cuối cùng Nhà nước nhận ra rằng trưng cầu ý dân là phương thức có lợi nhất.

* Trưng cầu ý dân thì ý dân là quyết định cuối cùng, hay kết quả trưng cầu còn phải đưa ra Quốc hội xem xét, thưa ông?

- Quyết định cuối cùng trong cuộc trưng cầu ý dân phải thực hiện. Vấn đề là thủ tục phải phù hợp với cơ chế của từng quốc gia mới có tác động vào đời sống xã hội. Đã đến lúc cần có một đạo luật về trưng cầu ý dân, sau khi luật có hiệu lực thì 5 - 7 năm sau điều chỉnh dần. Nếu cứ lưỡng lự, chẳng biết bao giờ mới luật hóa được một quyền rất phổ quát của nhân loại.

Đại biểu Phạm Trường Dân - Ảnh: V.Dũng
Đại biểu Phạm Trường Dân - Ảnh: V.Dũng

* Đại biểu Quốc hội PHẠM TRƯỜNG DÂN (phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam):

Phải để người dân biết vấn đề nào được trưng cầu

Hiện nay dự thảo luật còn quy định chung chung về những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân. Dự thảo luật chỉ ghi đó là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Quy định như vậy thì không biết rõ những vấn đề quan trọng khác là những vấn đề nào. Rất khó cho người dân xác định.

Tôi đề nghị nêu cụ thể hơn. Không phải là liệt kê những vấn đề sẽ trưng cầu ý dân, nhưng phải xác định rõ những vấn đề quan trọng, không thể nói chung chung rồi sau này không biết vấn đề nào cả. Quy định cụ thể để người dân khi đọc vào luật biết ngay vấn đề này, vấn đề kia phải trưng cầu ý dân.

V.V.THÀNH ghi

Ông Nguyễn Đình Xuân - Ảnh: N.Hậu
Ông Nguyễn Đình Xuân - Ảnh: N.Hậu

* Nguyên đại biểu Quốc hội NGUYỄN ĐÌNH XUÂN (Tây Ninh):

Trưng cầu ý dân những vấn đề gì?

Từ năm 1946, với Hiến pháp đầu tiên, Bác Hồ đã cam kết sẽ đưa ra cho dân phúc quyết nhưng do hoàn cảnh chiến tranh đến nay chúng ta chưa làm được việc này. Hi vọng sau khi có Luật trưng cầu ý dân, chúng ta đưa Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua cho dân biểu quyết để tạo sự đồng tình cao trong nhân dân. Đây là hình thức khẳng định Hiến pháp là luật gốc, đạo luật của tất cả các luật có giá trị cao nhất của một quốc gia, một dân tộc.

Ngoài ra, người dân cũng được trưng cầu ý dân những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia như xác lập chủ quyền lãnh thổ, ngôn ngữ, chữ viết, sử dụng đồng tiền, gia nhập những tổ chức quốc tế... Ví dụ, chúng ta hình dung trong tương lai, ASEAN trở thành liên minh giống như châu Âu chẳng hạn sẽ đặt ra vấn đề sử dụng đồng tiền chung, đòi hỏi phải có sự đồng thuận chung của nhân dân. Đây là việc rất lớn, mất đồng tiền quốc gia, sử dụng đồng tiền chung, chúng ta phải xin ý kiến nhân dân. Hay là những vấn đề phát triển năng lượng hạt nhân, một số nước cũng đưa ra trưng cầu ý dân...

NGỌC HẬU ghi

V.V.THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp