Vấn đề nhiều đại biểu quan tâm thảo luận nhất là giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khi làm các dự án.
Cắt giảm thời gian làm thủ tục gần 300 ngày
Sửa đổi lần này về Luật Đầu tư đáng chú ý là đề xuất "luồng xanh" cho dự án đầu tư cần ưu tiên, thu hút "đại bàng" cũng như "luồng ưu tiên" cho dự án đầu tư chiến lược.
Đồng thời bổ sung cơ chế đặc biệt thu hút các dự án chiến lược, giúp tăng cạnh tranh thu hút đầu tư.
Theo đó, dự luật bổ sung quy định thủ tục đầu tư đặc biệt theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm đơn giản hóa thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian làm dự án để tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Thủ tục áp dụng với dự án đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn và các lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo quy trình đăng ký đầu tư tại các ban quản lý để cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày.
Nhà đầu tư không phải làm một số thủ tục về xây dựng, bảo vệ môi trường và phòng cháy chữa cháy để được cấp phép, chấp thuận hoặc phê duyệt.
Dự kiến nếu áp dụng quy định này có thể cắt giảm thời gian làm thủ tục hành chính đến 260 ngày. Hiện nay, để làm hết các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy mất khoảng 250 - 350 ngày nhưng thực tế có thể kéo dài hơn do độ trễ vì phải hoàn thiện các hồ sơ và tài liệu có liên quan.
Mỗi thủ tục lại có yêu cầu riêng về hồ sơ, trình tự và thời gian; một số thủ tục lại quy định nhiều bước thực hiện, trong đó một số thủ tục phải làm tuần tự, kết quả của thủ tục này là đầu vào của thủ tục khác.
Về Luật Quy hoạch, một trong điểm mới điều chỉnh quy hoạch có thể thực hiện theo quy trình, thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh quy hoạch trong những trường hợp cấp bách.
Quy định này sẽ khắc phục bất cập khi phải mất 2-3 năm để làm đầy đủ thủ tục về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch mới bao gồm lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập điều chỉnh quy hoạch; lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch... như hiện nay.
Trong khi thực tế phát sinh nhiều tình huống cần điều chỉnh ngay quy hoạch như khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã; thực hiện các dự án quan trọng quốc gia hoặc khi thực hiện quy hoạch phát hiện mâu thuẫn...
Thủ tục đầu tư "trong một nốt nhạc"
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dẫn chứng hàng loạt ví dụ từ sự "thần tốc" thủ tục như Trung Quốc xây dựng một nhà máy ô tô hàng tỉ USD chỉ mất 11 tháng, làm một trung tâm thương mại hàng trăm triệu USD mất 68 ngày; Dubai xây dựng một thành phố 600ha có 500 tòa nhà với 20 tỉ USD trong đúng 5 năm... Ông Dũng đặt câu hỏi: "Tại sao người ta lại làm được cả một dự án lớn không sai một ngày?".
Ông đúc kết là do thủ tục phê duyệt dự án ở các nước trên đơn giản, Nhà nước đưa ra hết quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn..., doanh nghiệp "cứ thế mà làm", không cần xin phép hay bàn bạc nhiều. Đó chính là hậu kiểm, chính là ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn để thực hiện và không cần phải xin phép trước.
Theo ông Dũng, quy định "luồng xanh", chương trình đặc biệt sẽ theo tinh thần Nhà nước ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn, sau đó để các nhà đầu tư tự do làm. Từ đó sẽ rút ngắn được thời gian và hấp dẫn được đầu tư.
"Đăng ký làm và cứ sai thì chịu trách nhiệm. Nhà thầu bị sập, làm đổ về kết cấu như thế nào thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm, đi tù, phá sản.
Tất cả mọi thứ đã rạch ròi giữa Nhà nước quản lý và sự tự chủ của nhà đầu tư, rất thông thoáng, thuận lợi và hấp dẫn, thu hút được rất nhiều nhà đầu tư đến", ông Dũng diễn giải thêm.
Chuyện nhỏ cũng đấu thầu, mất thêm nhiều chi phí
Một số đại biểu cho rằng không nhất thiết quy định "cứng" mọi việc phải đấu thầu sẽ rất khó cho các đơn vị khi thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Hữu Hậu (Tây Ninh) cho biết với quy định hiện hành, việc mua sắm, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng sử dụng kinh phí chi thường xuyên có giá trị trên 100 triệu thuộc loại sẽ phải đấu thầu. Quy định này có lâu nay và không còn phù hợp.
"Với sự trượt giá của vật tư, nguyên liệu, chi phí nhân công... những công việc đơn giản như lợp lại mái nhà, trám mấy bức tường nứt rồi sơn lại, thay gạch lót nền bị bong tróc... có tổng giá trị trên 100 triệu phải làm thủ tục đấu thầu.
Có những khoản mua sắm hằng năm mua giống nhau nhưng năm nào cũng phải đấu thầu lại vừa không thực tế, mất thời gian, công sức mà kinh phí tăng thêm trên chục triệu, rất xót xa", ông Hậu dẫn chứng.
Ông Hậu phân tích thêm với những công việc đơn giản, chi phí vài trăm triệu thì những mục tiêu quan trọng của đấu thầu như chọn được nhà thầu có năng lực, tiết kiệm chi phí... không mấy ý nghĩa.
Trái lại phải mất thêm những chi phí không đáng có, nhất là mất thời gian, công sức khá lớn của nhiều người, nhiều đơn vị liên quan. Hơn thế nữa, có thể còn phát sinh tiêu cực và trong không ít trường hợp đấu thầu chỉ là hình thức, được làm chỉ để cho đúng thủ tục.
Ông Hậu đề xuất sửa đổi quy định nâng mức phải tổ chức đấu thầu với các công việc sử dụng chi thường xuyên lên bằng với đầu tư công. Theo đó gói thầu tư vấn có giá trị trên 500 triệu và gói thầu mua sắm, xây lắp, dịch vụ phi tư vấn phải trên 1 tỉ đồng.
Thuốc men nhiều biến động, không dễ đấu thầu
Các đại biểu y tế kiến nghị để cơ sở khám chữa bệnh được tự quyết định việc mua thuốc, thiết bị y tế... cho các nhà thuốc trong bệnh viện thay vì đấu thầu.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho hay nhà thuốc bệnh viện bán thuốc theo nhu cầu của người bệnh, không dự trù trước được về danh mục, số lượng, mô hình bệnh tật cũng liên tục thay đổi, do đó rất khó để xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Từ đó xảy ra thực trạng hiện nay các nhà thuốc bệnh viện đang thiếu rất nhiều loại thuốc, thiết bị y tế để phục vụ nhu cầu của bệnh nhân.
Bà Hà đề nghị để cho các cơ sở khám chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm vắc xin tiêm chủng theo hình thức dịch vụ; mua thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng hóa thiết yếu khác tại nhà thuốc ở bệnh viện công lập mà không phải áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) đặt vấn đề: "Bao giờ thay đổi được quan điểm đấu thầu là con đường duy nhất, việc gì cũng phải qua đấu thầu?".
Theo bà Lan, quy định hiện hành đã buộc tất cả nhà thuốc ở bệnh viện phải chịu quản lý nguồn đầu vào, giá thành...
Nếu thêm vụ đấu thầu sẽ rất khó cho các nhà thuốc. Bà đề nghị bỏ ra dự thảo quy định buộc nhà thuốc bệnh viện phải mua sắm trực tiếp bởi phải đấu thầu mới có mua sắm trực tiếp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết ông đồng ý với các đại biểu phải nghiên cứu, mở rộng đối tượng được chỉ định thầu. Cùng với đó phải nâng cao các hạn mức.
Riêng về đấu thầu thuốc, ông cơ bản đồng tình việc nên để cho các nhà thuốc tự chủ, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm. Nếu họ có hành vi sai trái, thông đồng hay đẩy giá thì đã có pháp luật khác xử lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận