Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật lần 2 thành công - Ảnh: T. LŨY
Bệnh nhân là D.T.A. (25 tuổi, ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ hơn 2 tháng trước trong tình trạng không có hậu môn, đi tiêu qua đường niệu đạo rất khó khăn, vùng tầng sinh môn rỉ dịch phân lẫn nước tiểu.
Qua thăm khám, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị dị dạng hậu môn - trực tràng thể cao, không có ống hậu môn và bóng trực tràng; kèm theo tình trạng rò trực tràng, niệu đạo tiền liệt tuyến.
Theo gia đình kể, ngay từ lúc sinh ra A. đã không có hậu môn. Sau sinh, A. được các bác sĩ mổ đặt hậu môn nhưng không kết quả. Suốt từ đó đến nay, A. không thể đi vệ sinh như người bình thường. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có tiền phẫu thuật, A. cam chịu sống trong mặc cảm do tình trạng của mình.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật tạo hình hậu môn, giúp A. có được cuộc sống bình thường. Tuy nhiên việc phẫu thuật khá gian nan. Lần 1, ê kíp bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ với sự hỗ trợ của các bác sĩ khoa Ngoại Tổng quát Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ làm hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân. Lần 2, sau hơn 2 tháng, các bác sĩ tiếp tục phẫu thuật đóng hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân.
Ngày 14-10, sau 5 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã ăn uống được, cơ vòng hậu môn hoạt động tốt, đi vệ sinh được qua đường hậu môn mới tạo hình.
Được biết, cả 2 lần phẫu thuật và điều trị cho A. hết khoảng 40 triệu đồng, đã được các nhà hảo tâm hỗ trợ hoàn toàn.
Theo y văn, dị dạng hậu môn trực tràng là bệnh hiếm gặp (1/5.000 trẻ sinh ra). Đặc biệt thể dị dạng bất sản hậu môn - trực tràng là một loại dị dạng hậu môn trực tràng thể cao, bệnh nhân không có ống hậu môn và bóng trực tràng rất hiếm gặp và khó phẫu thuật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận