Kỳ 1:
Phóng to |
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã sắm sáu bộ máy lạnh mới để hỗ trợ thí sinh thực hành lắp ráp máy lạnh trong phần thi nghề điện lạnh - Ảnh: Q.L. |
Chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư phục vụ tối đa cho các thí sinh dự thi là điều mà mỗi đơn vị đăng cai phần thi thực hành đều nỗ lực tối đa. Cũng từ mối quan hệ sẵn có, nhiều trường đã mời gọi các doanh nghiệp cùng tham gia hội thi ngay từ khâu ra đề sao cho việc học gần nhất với hoạt động nghề nghiệp của thí sinh sau khi ra trường.
Khi doanh nghiệp chung sức
Đến xưởng thực hành gò hàn Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức từ rất sớm, anh Phạm Anh Tuấn - quản đốc Công ty TNHH kỹ thuật Thành Nghĩa (Khu công nghiệp Sóng Thần) - đi kiểm tra kỹ lưỡng các thiết bị phục vụ phần thi nghề hàn. Khi các thí sinh bắt đầu thi, anh Tuấn quan sát kỹ từng thao tác, kỹ năng của thí sinh: cầm máy, gắn que hàn, quá trình hàn. Hết buổi thi anh Tuấn chia sẻ: “Nhận lời mời làm giám khảo của trường, chúng tôi rất sẵn sàng vì ngoài nhiệm vụ giám khảo, qua hội thi chúng tôi sẽ có dịp tìm kiếm và phát hiện được những nhân tố phù hợp tuyển về cho doanh nghiệp mình sau đó”.
Ba năm Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Phú Lâm tổ chức thi nghề công nghệ ôtô cũng là chừng đó thời gian Công ty cổ phần kỹ nghệ Gamma đồng hành với trường trong khâu tổ chức. Hai năm trước còn có Toyota Biên Hòa trực tiếp tham gia ra đề, chấm thi nhưng do bận nhiều việc quá nên đơn vị này xin khất không tham gia hội thi năm nay. Tổng giám đốc Gamma Nguyễn Công Thành bày tỏ: “Những doanh nghiệp như chúng tôi đều rất quan tâm đến các hội thi thế này và mong muốn đưa các công nghệ, thiết bị mình đang có đến gần với người học hơn nữa, cũng là cách giúp các bạn làm quen trước để làm nghề sau này”.
Tương tự, Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh cũng mời hai doanh nghiệp làm giám khảo chấm thi nghề cơ điện tử. Thầy Nguyễn Hồng Phúc - trưởng khoa tự động hóa, công nghệ thông tin - cho biết việc tham gia của các doanh nghiệp sẽ giúp đề thi gần với thực tiễn, mô hình đang được sử dụng trong doanh nghiệp. Còn phó hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức Phạm Ngọc Tường chia sẻ: “Chúng tôi mời doanh nghiệp làm giám khảo để họ cùng chúng tôi đánh giá năng lực thật sự của người học. Dù thí sinh dự thi đều học khá giỏi nhưng dưới cái nhìn của doanh nghiệp, họ sẽ nhận ra đâu là điểm mạnh, điểm yếu của các em. Cũng qua đó nhà trường biết được doanh nghiệp đang cần gì để kịp thời điều chỉnh trong đào tạo”.
Các trường ra tay
Để phục vụ phần thi thực hành nghề điện lạnh, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã sắm luôn sáu bộ máy lạnh mới phục vụ thí sinh dự thi. Các giảng viên khoa công nghệ nhiệt lạnh được giao trách nhiệm chính từ việc ra đề cho đến chấm thi. Quan sát các thí sinh thực hành bài thi, hai thầy Vũ Đức Phương và Nguyễn Trung Kiên cẩn thận ghi chép từng lưu ý nhỏ nhất để có thể đánh giá chính xác nhất bài thi của thí sinh.
Dù số lượng thí sinh thi không quá đông song các giảng viên của khoa điện - điện lạnh và khoa điện tử - tin học (Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng) đã tập trung tối đa hỗ trợ thí sinh dự thi hai nghề điện công nghiệp và điện tử tại trường. Đề thi thực hành được các thầy soạn rồi gửi cho thí sinh chuẩn bị ôn luyện trước. Riêng với phần thi điện tử, các trường có thí sinh dự thi còn được phép yêu cầu đơn vị đăng cai cài sẵn các phần mềm chuyên dụng phù hợp để thí sinh trường mình làm bài thi.
Trưởng khoa điện - điện tử Trương Quang Trung cho biết dù được phép dự thi nhưng khoa đã thuyết phục lãnh đạo nhà trường không cho học sinh trường mình thi để đảm bảo tính khách quan và cũng tạo tâm lý ổn định nhất cho thí sinh các trường bạn đến dự thi. “Mình tổ chức, ra đề, chấm thi nên dù học sinh trường mình có giỏi thật, đạt kết quả cao thật cũng gây nghi ngại không hay, thôi thì hỗ trợ cho hội thi thành công nhất là vui rồi” - ông Trung nói.
Chín trường đăng cai phần thi thực hành đã chuẩn bị tốt nhất các điều kiện, cơ sở vật chất để phục vụ các thí sinh, bất kể là của trường nào tham gia hội thi năm nay. TS Đặng Trần Ngọc Thanh, phó trưởng khoa điều dưỡng - kỹ thuật y học (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), nói dù kế hoạch chuẩn bị tương đối gấp rút nhưng khoa đã huy động tối đa thầy cô tham gia hỗ trợ hội thi này. Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Phú Lâm Trương Văn Hùng khẳng định tất cả cơ sở vật chất có sẵn đều được dành cho hội thi, xưởng thực hành ôtô được mở cửa cho thí sinh các trường khác đến làm quen máy móc, luyện tập trước khi dự thi cả tuần.
Trưởng ban tổ chức hội thi Nguyễn Thanh Đoàn nói các trường đã hỗ trợ rất nhiều cho khâu tổ chức, đặc biệt là về chuyên môn và cả đóng góp kinh phí cho việc tổ chức hội thi. “Mỗi trường đều có phó hiệu trưởng phụ trách hội đồng chuyên môn, chăm chút khâu ra đề bằng việc lựa chọn các kiến thức gần với thực tế môi trường làm việc, nhất là phần thi thực hành. Chính nhờ mối quan hệ của các trường mà một số doanh nghiệp đã tham gia hội thi, giúp việc đào tạo học sinh nghề ngày càng sát với yêu cầu thực tiễn nghề nghiệp sau khi ra trường” - anh Đoàn cho biết.
Nâng tầm hội thi Nhiều trường dự thi đều cho rằng phải nghĩ xa hơn, tính chuyên nghiệp cao hơn cho sân chơi này trong những lần tổ chức sau. Thầy Nguyễn Hồng Phúc (Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh) đề nghị Thành đoàn nên tính đến việc đưa các bạn đoạt giải tham dự hội thi cấp cao hơn chứ không chỉ dừng lại ở hội thi này. Phó hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức Phạm Ngọc Tường cho rằng hội thi cần phải hướng đến quy chuẩn của khu vực ASEAN. “Trường nào đăng cai sẽ làm đề luôn có vẻ chưa khách quan lắm. Thành đoàn cần tạo ngân hàng đề thi và hướng đến chuẩn chung của khu vực ASEAN. Làm được vậy học sinh và giáo viên đều học hỏi được nhiều hơn” - bà Tường đề xuất. |
__________
Kỳ 3: Cùng chuẩn bị hành trang tự tin vào nghề
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận