Ông Phạm Gia Khiêm - nguyên phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Ngoại giao (thứ hai từ trái sang) - trao đổi với các học giả trong giờ giải lao - Ảnh: TRUNG TÂN |
Theo nhóm các nhà nghiên cứu trẻ gồm tám người đến từ bảy quốc gia trong Chương trình các nhà lãnh đạo trẻ (YLP), một trong những khó khăn trong việc giải quyết xung đột Biển Đông là sự “mất niềm tin” giữa các quốc gia khi xử lý các yêu sách, tranh chấp.
Thúc đẩy lòng tin giữa các quốc gia
Trong bối cảnh đó, các nhà nghiên cứu trẻ lựa chọn phương án tăng cường niềm tin bằng cách đối thoại “người với người”, không phân biệt quốc gia. Tại các diễn đàn như vậy, mọi người sẽ cùng đưa ra các ý tưởng để thảo luận, đề xuất với chính phủ các nước.
Chị Aletheia Valenciano - trợ lý nghiên cứu Viện Nghiên cứu chiến lược và phát triển (Philippines), một trong tám nhà nghiên cứu trẻ - cho biết là một người dân Philippines, một đất nước có quyền lợi trực tiếp ở Biển Đông, chị rất vui mừng sau phán quyết của Tòa trọng tài, đó là một thắng lợi lớn.
Theo chị Aletheia Valenciano, chính sách đối ngoại của Tổng thống Philippines Duterte là tạm gác lại phán quyết của tòa để có những giải pháp hòa bình và có lợi cho người dân và đất nước.
“Chúng tôi đang nỗ lực để đem những tiếng nói của mình đến cộng đồng quốc tế và tiếp nhận các ý kiến đóng góp từ các chuyên gia quốc tế. Qua đó, chúng tôi nỗ lực thúc đẩy hợp tác hòa bình, phát triển cho đất nước và tạo niềm tin toàn khu vực” - chị Aletheia Valenciano nói.
Chia sẻ với các đề xuất của nhóm nghiên cứu trẻ, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng - giám đốc Học viện Ngoại giao, trưởng ban tổ chức hội thảo - nhấn mạnh: “ASEAN cần có thời gian trong việc quản lý, xử lý xung đột, xây dựng niềm tin trong khu vực, tránh những xung đột và giúp khu vực Biển Đông được hòa bình, thịnh vượng”.
Tôn trọng và nhượng bộ lẫn nhau
Ông Azhari Abdul Aziz - nguyên đô đốc Hải quân hoàng gia Malaysia, cố vấn an ninh và chính trị Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Geneva - cho rằng các tranh chấp trên Biển Đông đã có từ lâu, việc quản lý tranh chấp ngày càng khó khăn hơn do nhiều nguyên nhân.
Hiện có nhiều cơ chế và sáng kiến mới được thúc đẩy để đảm bảo tranh chấp không leo thang và trở thành xung đột lớn trên biển như Quy chế phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển (COLREG), Bộ quy tắc ứng xử tình huống bất ngờ chạm trán trên biển và Thỏa thuận về sự cố va chạm trên biển.
Còn PGS.TS Đỗ Minh Thái - chuẩn đô đốc, phó tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam - đề xuất trong khi chưa thể giải quyết các tranh chấp cơ bản, đang trong quá trình chờ phân định, giải quyết tranh chấp..., các bên liên quan có thể hợp tác ngay trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
“Việc này nhằm khôi phục các thềm, rạn san hô bị hủy hoại trong quá trình tôn tạo các đảo nhân tạo, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Hướng tới khả năng khai thác tiềm năng bền vững ở Biển Đông, dựa trên việc khai thác hợp lý các nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch sinh thái” - PGS.TS Đỗ Minh Thái nói.
Cũng theo chuẩn đô đốc, một trong các nhóm giải pháp để giải quyết các vấn đề an ninh trên biển là phải “có cơ chế đối với các vụ đụng độ trên biển và trên không, tuần tra hải quân chung ở vùng biển chồng lấn và liên lạc đường dây nóng”.
“Các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế về giải quyết tranh chấp, bất đồng thông qua thương lượng hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực nhằm xây dựng Biển Đông thành khu vực hòa bình, hợp tác và ổn định” - ông Thái nhấn mạnh.
Nhân tố Trung Quốc PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, giám đốc Học viện Ngoại giao, cho biết “nhân tố Trung Quốc” - nhân tố quyết định sự hợp tác, ổn định vẫn là điều đáng lo ngại. “Các học giả Trung Quốc đến hội thảo rất ít, nếu đến cũng không tranh luận gì nên cơ hội để thông tin của cộng đồng học giả chuyển tải đến các giới tinh hoa chính trị của nước này cũng rất thấp. Dĩ nhiên, tiến trình hợp tác, thúc đẩy hòa bình ở Biển Đông không thể giải quyết trong ngày một ngày hai” - ông Tùng nhận định. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận