29/07/2018 14:01 GMT+7

Tạo dựng hình ảnh 'quá khổ' cho con!

NGUYỄN QUẾ DIỆU
NGUYỄN QUẾ DIỆU

TTO - Khi quá kỳ vọng vào con cái, không ít bậc cha mẹ đã vô tình tạo dựng những hình ảnh “quá khổ” cho con, có thể tạo nên những áp lực nhất định đối với trẻ.

Tạo dựng hình ảnh  quá khổ cho con! - Ảnh 1.

Tiếc là không phải phụ huynh nào cũng nhận ra điều ấy.

Cường điệu thành tích của trẻ

Chúng tôi có dịp họp mặt trong dịp hè, khi vài người bạn lâu năm của tôi định cư ở nước ngoài nhiều năm trở về. Có mặt trong buổi gặp mặt, N. (bạn học phổ thông với tôi) được dịp khoe con mình. Nào là bé được nhiều thành tích, giỏi tiếng Anh và có thể giao tiếp lưu loát với người nước ngoài. 

Đây không phải lần đầu chúng tôi nghe N. khen con mình học giỏi bởi trên Facebook, Zalo, cô ấy thường đăng tải những điểm 9, điểm 10 tròn trĩnh hoặc giấy khen. Bạn bè tôi ai cũng vừa mừng cho mẹ con cô ấy vừa ao ước con mình được như vậy, thậm chí có người chỉ mong con mình "được một phần như vậy".

Nhân dịp tụ tập lần vừa rồi, N. rủ nhóm bạn chúng tôi đi cà phê để "khao" thành tích của con trong năm học, đồng thời cũng muốn các con giao tiếp tiếng Anh với mấy người bạn từ nước ngoài về.

Khi gặp nhau, hai bé có vẻ e ngại nhưng với sự động viên của mẹ, các bé miễn cưỡng giao tiếp bằng tiếng Anh với bạn tôi. Tuy nhiên, suốt quá trình trò chuyện, câu thì nghe được, trả lời được, câu thì không. Thậm chí những câu thông thường bạn tôi hỏi các bé không trả lời được, nên bạn tôi chỉ động viên các bé "cố gắng rèn thêm kỹ năng nghe và kỹ năng nói".

Có thể do sự ngại ngùng khiến các bé không muốn thể hiện mình, tuy nhiên nếu theo chiều hướng khác, ba mẹ chưa nắm rõ tường tận khả năng của con lại cố đẩy con ra chốn đông thể hiện mình.

Áp lực cho trẻ?

Thực tế cho thấy nhiều phụ huynh đã ngộ nhận năng lực của con mình qua những con điểm hay một vài công việc, hành động mà các bé đạt được.

Một chị rất thân với gia đình tôi đã khoe (kể cả trong các cuộc trò chuyện hay trên mạng xã hội) chuyện đứa con trai đang học cấp 3 của mình cầm chổi quét nhà hay đứa con gái học lớp 9 "hôm nay rửa chén cho mẹ", trong khi những việc này vốn dĩ rất bình thường với nhiều đứa trẻ ở các gia đình khác. 

Đối với người mẹ mà tôi biết này, do con họ hiếm khi làm việc nhà nên việc họ mừng là đương nhiên, nhưng việc đề cao nó quá, coi như "thế gian này chỉ có con mình làm được" là không nên. 

Không ít cha mẹ đã làm tương tự khi con mình làm được điều gì đó, hay đạt được một thành quả nào đó để rồi đánh giá theo kiểu đề cao con mình quá, mà lẽ ra cần phải có thời gian để khẳng định thêm.

Dù tiếp cận dưới góc độ nào, việc "khoác cho con mình tấm áo quá rộng" dễ tạo ra sự ảo tưởng về bản thân ở trẻ. Khi tâm lý "coi mình là nhất" xuất hiện ở trẻ có thể dẫn đến việc trẻ có biểu hiện "tự mãn", thiếu khiêm tốn hay giảm thiểu động lực phấn đấu vươn lên. Bên cạnh đó, việc "cường điệu hóa" thành tích của trẻ đôi khi lại trở thành áp lực cho các em.

Chẳng hạn, có em do cha mẹ luôn yêu cầu con phải giữ phong độ trong học tập, nếu điểm hôm sau thấp hơn hôm trước (hoặc tháng sau/học kỳ sau/năm sau thấp hơn tháng trước/học kỳ trước/năm học trước) sẽ bị phê bình, thậm chí la mắng và điều này có thể làm trẻ e sợ. 

Những đứa trẻ nằm trong trường hợp này khi không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ nhưng để phụ huynh yên tâm có thể che giấu các điểm thấp, chỉ cho cha mẹ biết những điểm cao. Lâu dần, hành động che giấu sự thật này thành thói quen sẽ rất khó sửa và dẫn đến tình trạng thiếu trung thực trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, khi trẻ càng lớn, yêu cầu về tầm rộng và độ khó của tri thức nên học sinh phải học nhiều môn học hơn. Do vậy, thành tích học tập của các em có thể kém hơn so với giai đoạn trước cũng là điều bình thường. Nếu cha mẹ hiểu và chia sẻ với con cái, điều này có thể tạo tiền đề tốt cho con trẻ. 

Ngược lại, nếu cha mẹ không hiểu và lấy thành tích trước đây để so sánh, gắn cho con mình "mác" như "lười", "học kém"... có thể sẽ là nguyên nhân dẫn đến xuất hiện tình trạng tự ti, tâm lý chán nản ở học sinh. Khoác cho con tấm áo quá cỡ chưa chắc đã tốt cho con.

Việc con trẻ đạt được những thành quả trong cuộc sống nói chung hay thành tích trong học tập nói riêng là điều đáng mừng.

Tuy nhiên là cha mẹ, khi con đạt được thành quả nào đó cũng không nên thờ ơ theo kiểu “ờ, biết rồi”, mà cần phải ghi nhận, khuyến khích con cố gắng hơn để đạt được kết quả cao hơn, nhưng cũng đừng vội khẳng định con mình “hơn người”, “vượt trội”.

NGUYỄN QUẾ DIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp