Phòng thí nghiệm siêu cao tần trị giá 2 triệu USD tại Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), nơi xem xét chấp nhận du học sinh vào học - Ảnh: PHÚ QUANG
Tọa đàm này được tổ chức trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn hoành hành trên toàn cầu, du học sinh Việt Nam không thể ra nước ngoài học và đang có nhu cầu quay trở lại học tập trong nước, cũng như sinh viên quốc tế có nhu cầu đến Việt Nam học.
Phải đáp ứng yêu cầu đầu vào
Quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết Bộ GD-ĐT đang tạo điều kiện hết sức cho các trường ĐH đón du học sinh Việt Nam cũng như sinh viên quốc tế.
Tuy nhiên, dù du học sinh đã được tuyển đầu vào ĐH ở nước ngoài, nhưng khi về Việt Nam học vẫn phải đáp ứng yêu cầu đầu vào, không thấp hơn điều kiện trúng tuyển chương trình đào tạo tương ứng của trường xin chuyển đến.
Bên cạnh đó, các trường ĐH của Việt Nam cũng cần căn cứ vào chuẩn đầu ra, nội dung, yêu cầu của chương trình đào tạo tại trường và số tín chỉ, nội dung học tập, kết quả học tập mà người học đã tích lũy trong thời gian học ở cơ sở giáo dục nước ngoài để xem xét miễn giảm tín chỉ, học phần cho người học theo các quy định hiện hành...
Nhiều hình thức lựa chọn
Đại diện của ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương có mặt trong buổi tọa đàm cho biết hiện nay các trường có rất nhiều hình thức để các em lựa chọn. Du học sinh, sinh viên có thể chọn chương trình liên kết đào tạo công nhận tín chỉ lẫn nhau, sinh viên có cơ hội học chuyển tiếp sang các trường đối tác.
Có những chương trình học ngắn hạn từ một học kỳ đến một năm, sau đó sinh viên có thể quay trở lại trường ở nước ngoài học tiếp. Nhiều trường ký kết với các đối tác nổi tiếng, những sinh viên Việt Nam theo học các chương trình này ở nước ngoài có thể quay về học tại Việt Nam và lấy bằng tương đương.
PGS.TS Vũ Thị Hiền - trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội - cho biết: "Rất nhiều sinh viên Việt Nam chỉ học hai, ba năm ở Việt Nam rồi ra nước ngoài học tiếp vì nghĩ rằng học ở nước ngoài tốt hơn. Nhiều em không tìm hiểu kỹ lại chọn những trường ở nước ngoài có xếp hạng kém. Tôi hi vọng giai đoạn này, nhiều em sẽ nhận thấy chất lượng ĐH ở Việt Nam đã tốt hơn trước rất nhiều".
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội - khẳng định những năm gần đây nhiều trường ĐH ở Việt Nam đã lọt vào các bảng xếp hạng quan trọng của thế giới. Nhiều trường đã xây dựng các chương trình có chất lượng quốc tế. Nên sinh viên, du học sinh đợt COVID-19 ở tại quê nhà sẽ nhìn nhận lại về chất lượng giáo dục ĐH ở Việt Nam.
Học ĐH Mỹ tại Việt Nam
Trường ĐH VinUni vừa ký kết với Trường ĐH Cornell (Mỹ) chương trình "Study Away". Đây là chương trình đặc biệt dành riêng cho sinh viên quốc tế của Cornell gặp khó khăn trong việc quay trở lại cơ sở trường tại Mỹ.
Tham gia chương trình này, sinh viên quốc tế của Cornell sẽ được VinUni tiếp nhận, tiếp tục học chương trình của Cornell cùng với các giáo sư Cornell trên nền tảng trực tuyến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận