20/03/2013 08:40 GMT+7

Tạo điều kiện cho báo chí phát triển

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Ngày 19-3, Ban Tuyên giáo trung ương phối hợp với Bộ Thông tin - truyền thông, Hội Nhà báo VN tổ chức hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2013.

4FcbNnWw.jpgPhóng to
Ông Đinh Thế Huynh - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương (bìa trái) - trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Lê Hồng Anh - ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng - nêu rõ năm 2013 là năm bản lề thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch năm năm 2011-2015. Các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo cần nhận thức rõ bối cảnh, tình hình để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Ông Lê Hồng Anh đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị tập trung làm tốt một số công việc, trong đó có việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nghị quyết Đại hội Đảng; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, nhất là tuyên truyền về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; nghị quyết trung ương 4 (khóa XI) “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, các hiện tượng tiêu cực trong xã hội; thực hiện tốt chức năng phản biện trên tinh thần khoa học, xây dựng...

Khó khăn

Hội nghị đã nghe Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Đỗ Quý Doãn trình bày báo cáo công tác báo chí năm 2012, một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2013. Theo đó, tính đến tháng 2-2013 cả nước có 812 cơ quan báo chí in với 1.084 ấn phẩm; 74 báo, tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử tổng hợp và 67 đài phát thanh - truyền hình.

Dự thảo báo cáo tổng hợp chung của ba cơ quan Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Thông tin - truyền thông, Hội Nhà báo VN tại hội nghị cũng cho hay về hoạt động kinh tế báo chí đang gặp nhiều khó khăn. Khá nhiều doanh nghiệp làm ăn sa sút, hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động ảnh hưởng lớn đến nguồn thu quảng cáo của các cơ quan báo chí.

Cụ thể, theo thống kê bước đầu, tổng doanh thu quảng cáo trên báo chí năm 2012 ước đạt 18.600 tỉ đồng (gần 900 triệu USD), tăng gần 30% so với năm 2011, tuy nhiên tăng chủ yếu từ khối các đài truyền hình, phát thanh - truyền hình và một số ít cơ quan báo chí có khả năng chi phối thông tin và thị trường quảng cáo từ nhiều năm nay. Đáng chú ý là quảng cáo trên báo điện tử và các đài phát thanh vẫn chưa có bước chuyển đáng kể. Khó khăn về tài chính, về nguồn thu quảng cáo khiến nhiều cơ quan báo chí phải giảm kỳ xuất bản, giảm số lượng phát hành...

Liên quan đến hoạt động kinh tế báo chí, tại hội nghị nhiều đại biểu đề cập đến việc dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cần có nội dung bổ sung quy định ưu đãi về thuế suất đối với thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo). Ông Nguyễn Quang Thông (tổng biên tập báo Thanh Niên) nói: “Khi chúng ta đang tiến hành hội nghị ở đây thì phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đang cho ý kiến về dự thảo luật, sắp tới sẽ trình Quốc hội. Dự thảo luật có điều khoản rất mới và rất phấn khởi cho khối báo in. Đó là đề xuất về thuế suất đối với thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo) thay vì ở mức 25% được đề nghị giảm xuống 10%”. Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho biết đề nghị này cũng là kết quả của văn bản do Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Thông tin - truyền thông và Hội Nhà báo VN chính thức gửi các cơ quan chức năng.

Ngăn chặn hiện tượng “đạo báo”

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng đề cập tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm, đề nghị các cơ quan chức năng cần xử lý theo đúng quy định pháp luật. Ông Phạm Huy Hoàn (tổng biên tập báo điện tử Dân Trí) khẳng định: “Mỗi tác phẩm báo chí đều có bản quyền và được pháp luật bảo vệ”. Thế nhưng nhiều năm qua, một số báo điện tử và trang tin điện tử của các công ty truyền thông không có chức năng hoạt động báo chí đã ngang nhiên sao chép “cắt - dán” thông tin báo chí từ các báo chính thống lên trang tin của mình để kinh doanh quảng cáo. Việc “đạo báo” ngày càng lan rộng đến mức công khai, coi như chuyện đương nhiên họ được phép sống trên mồ hôi của hàng trăm nhà báo miệt mài công sức cho từng tác phẩm báo chí của mình. “Đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, thanh tra Bộ Thông tin - truyền thông cần tăng cường công tác kiểm tra ngay những sai phạm để ngăn chặn tình trạng gia tăng hiện tượng đạo báo tùy tiện của một số báo điện tử và nhiều trang tin điện tử” - ông Hoàn nói.

Từ thực tế hoạt động báo chí trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Văn Đua (phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM) cho biết hoạt động của các cơ quan báo chí TP trong năm 2012 có những tiến bộ tích cực, trong đó có việc tổ chức những sự kiện và hoạt động xã hội sau mặt báo, hướng các hoạt động xã hội sát với đối tượng của cơ quan chủ quản báo chí như Góp đá xây Trường Sa, Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1, Tấm lưới nghĩa tình cho ngư dân, Nghĩa tình Trường Sơn... Tại hội nghị, ban tổ chức đã trao bằng khen của bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông cho báo Tuổi Trẻ TP.HCM, báo Thanh Niên, báo Tiền Phong, báo Dân Trí vì có thành tích tuyên truyền tích cực và hiệu quả các hoạt động xã hội năm 2012.

Kết luận hội nghị, ông Đinh Thế Huynh - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương - đề nghị làm rõ thêm một số nội dung cần quan tâm, nhất là những giải pháp cơ bản triển khai nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí trong năm 2013; những vấn đề về cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho báo chí hoạt động, phát triển, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Giảm thuế suất cho báo in là cần thiết

MYkwYsac.jpgPhóng to
Ông Hà Minh Huệ - Ảnh: NG.KHÁNH
Bên lề hội nghị, báo Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Hà Minh Huệ, phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN, xung quanh việc bổ sung quy định ưu đãi về thuế suất đối với thu nhập từ hoạt động báo in. Ông Huệ nói:

- Về vấn đề này, Hội Nhà báo đã có tiếng nói trên nhiều diễn đàn, trong đó có diễn đàn Quốc hội, rồi tổ chức hội thảo, có công văn trực tiếp đến các cơ quan chức năng, đề đạt nguyện vọng Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định giảm mức thuế suất từ 25% xuống 10%. Đây là điều cần thiết vì báo chí nước ta thực hiện nhiệm vụ chính trị, hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, Đảng và Nhà nước cần quan tâm. Việc giảm thuế suất sẽ giúp các cơ quan báo chí có thêm nguồn lực thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

* Có ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn băn khoăn “báo chí là ngành nghề có thu nhập cao”, ông nghĩ sao?

- Tôi nghĩ rằng chúng ta cần hiểu rõ hơn về hoạt động báo chí hiện nay. Trên thế giới báo in đang suy giảm, có những tờ báo lâu năm cũng phải đình bản vì không phát hành được. Còn với báo chí trong nước, tất nhiên dù khó khăn đến mấy vẫn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, đội ngũ báo chí không bỏ rơi trận địa, nhưng sự am hiểu và chia sẻ với hoạt động báo chí là điều cần thiết.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp