Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Chính phủ đi thăm gian hàng của các doanh nghiệp bên lề hội nghị đối thoại - Ảnh: Q.HIẾU
Doanh nhân Việt Nam có khát vọng, lòng tự tôn dân tộc là nền tảng để Việt Nam là quốc gia độc lập, tự cường theo cương lĩnh đã đưa ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Doanh nghiệp chủ động đổi mới, không được đưa hối lộ và chống tham nhũng vặt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo như vậy tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp 2019 với chủ đề "Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững" ngày 23-12.
Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp
Đây là lần thứ ba hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp được tổ chức kể từ năm 2016. Sự kiện năm nay có ý nghĩa quan trọng trong việc đề ra giải pháp đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Bởi sau hội nghị này, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì phối hợp các bộ ngành liên quan có nghị quyết về phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ hơn về số lượng và quy mô, làm tiền đề cho địa phương và cấp ngành thực hiện.
Theo đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh việc giải quyết khó khăn của doanh nghiệp phải luôn nằm trong đầu, sổ tay hành động của chính quyền, tránh bệnh thờ ơ trong phát triển doanh nghiệp. Ông yêu cầu bộ, ngành địa phương xây dựng chương trình hành động, thực hiện cam kết cho cả giai đoạn 2020 - 2025, Bộ Kế hoạch và đầu tư làm đầu mối triển khai thực hiện.
Thủ tướng nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm, trước hết là tiếp tục có chính sách cởi mở hơn, thực sự cởi trói để doanh nghiệp bứt phá hơn, giúp doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực, ngoại trừ những lĩnh vực nhạy cảm như an ninh, quốc phòng. Những gì tư nhân làm được, làm tốt thì nên để tư nhân tham gia, kể cả cung cấp dịch vụ công.
Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện nhất quán và triệt để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung khâu còn yếu, những gì doanh nghiệp phàn nàn như thủ tục mở doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, tiếp cận đất đai, nộp thuế...
Giảm đáng kể danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm, làm nhanh hơn thủ tục về phá sản doanh nghiệp, rà soát thủ tục đầu tư, đất đai và môi trường... trên cơ sở một nghị định sửa nhiều nghị định, một luật sửa nhiều luật.
"Tôi nhận được nhiều tin nhắn nói cấp chuyên viên nhũng nhiễu lắm, chậm trễ lắm, cứ đá qua đá lại hoài. Các ông bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải kiểm soát việc này. Chấm dứt tình trạng công quyền hù dọa doanh nghiệp, nhất là khi doanh nghiệp có sai sót, hay chỉ là bất đồng. Cần phải đảm bảo mọi ý kiến doanh nghiệp đều phải được lắng nghe, tôn trọng, phân tích và phản biện. Loại bỏ cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà, gây khó khăn, mất thời gian và cơ hội đầu tư của doanh nghiệp" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Để thực hiện có hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương đổi mới mạnh mẽ, tương thích với mặt bằng và nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp, chống phân biệt đối xử kinh tế nhà nước và nước ngoài, tư nhân với nhà nước, doanh nghiệp nhỏ với doanh nghiệp lớn, tuyệt đối không để có tư duy tham lớn, bỏ nhỏ.
Cần tạo thêm cơ hội để doanh nghiệp tăng tốc phát triển. Trong ảnh: dây chuyền sản xuất gốm sứ Minh Long 1, tỉnh Bình Dương - Ảnh: Q.ĐỊNH
Doanh nghiệp chủ động đổi mới
Với những kiến nghị từ các hiệp hội, doanh nghiệp, Thủ tướng cảm ơn sự quyết tâm, quyết liệt của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng có những lời gửi gắm tới cộng đồng doanh nghiệp, phải nâng cao tinh thần đoàn kết, tương tác, khuyến khích sự chủ động, hợp tác, phát huy tinh thần yêu nước, yêu dân tộc, gắn bó với nhau khi khó khăn, cùng nhau vươn ra biển lớn.
Doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới chính mình, tái cấu trúc và cải tiến liên tục, nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng uy tín thương hiệu, chú trọng đầu tư công nghệ, tận dụng cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0 và các hiệp định thương mại. Việc kinh doanh gắn với tuân thủ luật pháp, thực hành chuẩn mực kinh doanh, thực hiện đầy đủ quyền cho người lao động, bảo vệ môi trường và giữ gìn thương hiệu, uy tín quốc gia, nói không với hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng và xây dựng thương hiệu, tạo chỗ đứng trên thị trường.
"Doanh nghiệp Việt Nam cần đi đầu trong công cuộc phòng chống tham nhũng, nhất là không được đưa hối lộ, kịp thời phát hiện tham nhũng, tham nhũng vặt. Doanh nghiệp hợp tác với nhau, không được nói xấu, dìm nhau" - Thủ tướng nhấn mạnh và gửi lời mời cộng đồng doanh nghiệp xây dựng quy định về môi trường và văn hóa kinh doanh, coi đây là khế ước, chuẩn mực hành động.
Để tạo sự yên tâm cho cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm tới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Chính phủ cam kết thúc đẩy không ngừng, cải cách mạnh mẽ hơn pháp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, xóa bỏ độc quyền nhà nước để khu vực tư nhân tham gia nhiều lĩnh vực, tận dụng hiệu quả hiệp định thương mại.
* Phó thủ tướng Vũ Đức Đam:
Còn 19% doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra trên 2 lần
Năm nay môi trường kinh doanh của Việt Nam tụt 1 bậc so với năm trước, thứ 70. Muốn có thêm nhiều doanh nghiệp (DN) thì chắc chắn môi trường kinh doanh phải được cải thiện mạnh mẽ. Như chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam cần phải tập trung cải thiện khi đang đứng thứ 104. Hay như theo công bố mới nhất của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, 55% DN vẫn phải chi phí không chính thức cho bộ máy công chức. Trong đó, có một bộ phận DN phải trả phí "bôi trơn", chiếm 10% doanh thu.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2018, cơ quan nhà nước không được thanh tra, kiểm tra trùng lắp đối với DN. Tuy nhiên, tỉ lệ DN hằng năm bị thanh tra, kiểm tra vẫn còn rất lớn, với 1/3 số DN. Năm nay vẫn còn 19% số DN bị thanh tra, kiểm tra 2 lần trở lên. Do đó, trong năm 2020, Chính phủ sẽ cắt giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh.
* Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí:
Không hình sự hóa quan hệ kinh tế
Để xã hội ổn định và phát triển, các cơ quan tố tụng, đặc biệt là ngành tư pháp, hạn chế hoặc không hình sự hóa các quan hệ hành chính, dân sự kinh tế để người dân an tâm đầu tư kinh doanh. Tôi đề nghị Chính phủ xây dựng chính sách theo hướng đưa ra các quy định thông thoáng để DN dễ thở, được làm những gì pháp luật không cấm.
* Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình:
Cam kết bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp
Cam kết đồng hành với doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp như quyền kinh doanh. Việc chấp hành pháp luật kinh doanh ví như tham gia giao thông, nếu như tất cả mọi người đi đúng luật thì tất cả mọi người đều trở về nhà một cách hoan hỉ. Còn như chen lấn thì có thể có người nằm lại, không về đến nơi.
* Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng:
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm các chi phí để giảm lãi suất cho vay. Hiện trần lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên còn 6%/năm. Đồng thời, tỉ giá ổn định, kiểm soát được lạm phát, đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp và hỗ trợ cho xuất khẩu.
Với quy mô tín dụng đạt trên 8 triệu tỉ đồng từ hệ thống ngân hàng, vốn cho doanh nghiệp tư nhân chiếm 43%, còn lại hộ kinh doanh, tư nhân chiếm 45,7% tổng dư nợ tín dụng.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cam kết tiếp tục điều hành lãi suất, tỉ giá linh hoạt phù hợp với cân đối vĩ mô và diễn biến tình hình thị trường. Các ngân hàng phải mở rộng tín dụng hiệu quả và tập trung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là những lĩnh vực ưu tiên để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.
3 lần Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp
- Lần 1 vào năm 2016: Thủ tướng cam kết Nhà nước sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng, đảm bảo quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp được hoạt động kinh doanh tất cả các loại hình, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Nhà nước bảo đảm sự ổn định lâu dài của chính sách, để doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư.
- Lần 2 vào năm 2017: Thủ tướng yêu cầu không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm.
- Lần 3 năm 2019: Thủ tướng chỉ đạo cán bộ công quyền chấm dứt bệnh thờ ơ và hù dọa doanh nghiệp.
Phải vào cuộc mạnh mẽ hơn
"Với hội nghị Thủ tướng gặp chúng tôi là doanh nhân trực tiếp lao động, chúng tôi không muốn hoa mỹ, chúng tôi muốn hành động, các bộ ngành trung ương và bộ ngành phải vào cuộc mạnh mẽ hơn" - ông Nguyễn Văn Đệ, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, khẳng định như vậy với Tuổi Trẻ ngay sau khi tham dự hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp.
* Năm 2017 ông từng có bài phát biểu rất ấn tượng và nêu kiến nghị tháo gỡ những vấn đề cụ thể, từ đó tới nay ông có thấy các bộ ngành đã thực sự tích cực, chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như chỉ đạo của Thủ tướng hay chưa?
- Một số bộ ngành trung ương vào cuộc tích cực, nhưng sự đồng đều vẫn chưa có, còn bộ ngành và địa phương trì trệ làm doanh nghiệp nản lòng, đặc biệt muốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Hiện một số lực lượng đang ỷ vào việc chính sách mâu thuẫn, chồng chéo, sinh ra tiêu cực, không hợp nhất, làm cho doanh nghiệp khó khăn. Việc thanh tra, kiểm tra theo chỉ thị 20 mỗi năm chỉ thanh tra, kiểm tra một lần nhưng thực tế nạn thanh tra, kiểm tra vẫn rất dày, thậm chí là hình sự hóa.
* Thủ tướng gửi tới hội nghị lần này thông điệp các bộ ngành địa phương phải chấm dứt tình trạng để cán bộ nhũng nhiễu, dọa nạt doanh nghiệp, ông thấy điều này có ý nghĩa gì?
- Thủ tướng đã ra thông điệp yêu cầu các bộ ngành trung ương đừng lấy văn bản ra làm tăng thêm khó khăn, tăng chi phí không chính thức của doanh nghiệp. Bởi có những dự án 3-5 năm, hàng trăm chữ ký gửi lên, nhưng việc giải quyết vẫn khó khăn. Tôi kỳ vọng những lần sau này phải tổ chức tốt hơn. Chính phủ muốn đột phá mạnh hơn, phải tháo gỡ và nói thẳng nói thật để có giải pháp tháo gỡ kịp thời, sát thực.
* Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền (chủ tịch HĐQT - giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và phát triển hạ tầng Hà Nam):
Doanh nghiệp muốn đánh giá cán bộ
Tôi đã đề xuất hằng năm ở cấp độ tỉnh cần phải có hoạt động lấy ý kiến để cho DN được đánh giá các lãnh đạo UBND cấp tỉnh, lãnh đạo sở, ban, ngành và các chuyên viên của các đơn vị này về công tác phục vụ, trách nhiệm của họ đối với cộng đồng DN.
Cụ thể, đó là những vấn đề như cung cách tiếp cận của họ với DN như thế nào, có những bất cập gì để cải thiện, khắc phục và tôi cho rằng đó là một biện pháp hữu hiệu để tạo thuận lợi cho DN phát triển như Thủ tướng mong muốn. Ví dụ như một vấn đề có thể giải quyết cho DN trong 5 ngày, nhưng 4 ngày trước đó họ rảnh thì phải giải quyết linh hoạt cho DN, tại sao phải chờ đến ngày thứ 5 mới xử lý.
Bên cạnh đó, tôi cũng kiến nghị trong những cơ chế, chính sách mà pháp luật đã thông qua về hỗ trợ các DN nhỏ và siêu nhỏ cần phải công khai, minh bạch như đã hỗ trợ được bao nhiêu DN, bằng cơ chế, chính sách như thế nào, muốn được hỗ trợ tìm đến ai... Hiện nay, tôi thấy cơ chế này đang khá "bí ẩn" và nhiều DN đang mù mịt.
* Ông Ngô Xuân Mạnh (tổng giám đốc Công ty cổ phần cơ điện lạnh Đại Việt):
Nhà nước cần hỗ trợ để nâng tỉ lệ nội địa hóa
Một vấn đề được Thủ tướng nêu ra đối với các DN đó là nâng cao tỉ lệ nội địa hóa. Ở góc độ DN sản xuất, tôi thấy hiện nay khó khăn nhất với một DN sản xuất trong nước là chuỗi cung ứng linh, phụ kiện.
Sản xuất ở Việt Nam, một DN muốn chủ động gần như phải đầu tư từ A đến Z, vì vậy chi phí đầu tư sẽ cực lớn. Nếu không sản xuất được toàn bộ mà sản xuất một phần, các linh kiện khác lại phải nhập khẩu và chi phí về thời gian chờ đợi, cải tiến công nghệ, về vận chuyển, về chi phí tài chính, kiểm soát chất lượng... cực kỳ khó khăn.
Hiện nay, để tăng tỉ lệ nội địa hóa đối với một DN, tôi cho rằng Nhà nước cần tạo ra môi trường chuyên môn hóa, liên kết ngành và ở đó các DN trong ngành có sự tương hỗ lẫn nhau. Mỗi người, mỗi DN đi sâu vào sản xuất một chi tiết để đảm bảo trong một sản phẩm có nhiều đơn vị tham gia và đầu tư không quá lớn, để sản xuất sản lượng lớn, từ đó tối ưu về công nghệ, giá cả.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần chọn những lĩnh vực thế mạnh hoặc xu thế đóng góp cho nền kinh tế để có những chính sách hỗ trợ phù hợp thúc đẩy như một số quốc gia đã làm, hỗ trợ có lộ trình đến một thời điểm đủ mạnh để kéo theo các ngành khác. Ngoài ra, Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi, không phân biệt giữa DN FDI, DN nhà nước và tư nhân. Tư nhân linh hoạt hơn, nếu có hỗ trợ và chính sách phù hợp họ sẽ đầu tư vào tạo động lực cho nền kinh tế.
NGỌC HIỂN ghi
Mong tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn
* Ông Lê Tiến Trường (tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam):
Ngành ngân hàng nên xem xét cho vay lại ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu với nguồn thu ngoại tệ tương ứng. Mặt khác, việc cho vay vốn lưu động cần xem xét, đánh giá vào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chứ không nên thu hẹp tín dụng theo biến động của thị trường.
* Ông Nguyễn Quốc Khanh (chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM):
Nhà nước cần có những chương trình tín dụng dài hạn để nông dân an tâm trồng cây lâu năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận