Luật chứng khoán sửa đổi được trình Quốc hội chiều 6-6 - Ảnh: TTO
Chiều 6-6, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đọc tờ trình về dự án Luật chứng khoán sửa đổi.
Theo bộ trưởng, với mục tiêu nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán (TTCK), đảm bảo quy mô, tính đại chúng của công ty, tính khả thi trong thực hiện và không gây xáo trộn thị trường, dự thảo sửa đổi điều kiện về cơ cấu cổ đông (có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ).
Làm rõ cơ sở tăng vốn công ty đại chúng lên 30 tỉ đồng
Đồng thời nâng điều kiện về vốn điều lệ đã góp tối thiểu từ 30 tỉ đồng trở lên (so với quy định hiện hành là 10 tỉ đồng). Việc nâng mức vốn điều lệ tối thiểu của công ty đại chúng, theo bộ trưởng là không tác động đến hoạt động của các công ty, cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông trong công ty và hoạt động giao dịch trên TTCK.
Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết có một số ý kiến lo ngại quy định này sẽ cản trở doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia TTCK vì đa số doanh nghiệp Việt Nam có vốn trung bình 11 tỉ đồng.
Tuy vậy, đa số ý kiến trong ủy ban này tán thành với việc nâng điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng và điều kiện trở thành công ty đại chúng, để nâng cao chất lượng và sự ổn định của cổ phiếu đưa vào TTCK, hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp có khả năng tài chính thấp.
"Theo báo cáo của Chính phủ, hiện tại có 81,04% công ty đại chúng có mức vốn điều lệ từ 30 tỉ đồng trở lên, do đó việc tăng vốn điều lệ từ 10 lên 30 tỉ sẽ chỉ tác động đến khoảng 18% các công ty đại chúng đang hoạt động. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, cần làm rõ hơn nữa cơ sở đề xuất mức vốn, đánh giá đầy đủ tác động", báo cáo thẩm tra nêu.
Nâng cao vai trò của Ủy ban Chứng khoán
Dự thảo luật cũng quy định Ủy ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan thuộc Bộ Tài chính, trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động chứng khoán và TTCK. Dự thảo cũng bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán nhà nước trong thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm như yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân, tổ chức tín dụng, ngân hàng, doanh nghiệp viễn thông cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu, giao dịch tài khoản, số máy...
Theo báo cáo thẩm tra, đa số ý kiến cho rằng vị trí, vai trò của Ủy ban Chứng khoán nhà nước cần được xác lập để có đủ thẩm quyền trực tiếp tổ chức, quản lý và giám sát toàn diện hoạt động của TTCK.
Để có chế tài đủ mạnh đối với các vi phạm trên TTCK, dự thảo quy định mức phạt tối đa đối với một số hành vi nghiêm trọng như thao túng thị trường, giao dịch nội bộ... là gấp 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần đối với cá nhân.
Đối với các hành vi vi phạm khác, dự thảo quy định mức phạt tiền tối đa là 3 tỉ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỉ đồng đối với cá nhân…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận