Nhiều tỉnh thành khi tính lại phải hạ xuống tới 5-6% so với con mà tỉnh tính.
Ông Nguyễn Bích Lâm, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết như vậy tại buổi thảo luận với lãnh đạo 63 tỉnh thành về phương pháp tính chỉ tiêu GDP mới cấp tỉnh diễn ra ngày 8-8 tại TP Đà Nẵng.
Sẽ loại sự trùng lắp số liệu
Theo ông Lâm, thời gian qua việc tính chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của một số địa phương chịu ảnh hưởng của mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm do đại hội đảng bộ cấp tỉnh và nghị quyết HĐND và UBND cùng cấp đề ra, mà không dựa trên cơ sở nguồn lực thực tế của địa phương.
Trong thực tế, hầu hết địa phương đều xây dựng kế hoạch tăng trưởng kinh tế 11-13%, thậm chí có địa phương đề ra tăng 15%, cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng GDP của cả nước.
“Khi Tổng cục Thống kê tính toán lại ở 63 tỉnh thành, chỉ có 13 tỉnh thành tính toán gần sát với thực tế, nhiều tỉnh thành phải hạ con số này xuống tới 5-6% so với con số mà tỉnh tính. Chỉ có một địa phương tính thấp hơn con số mình thực tế có” - ông Lâm nói.
Ông Lâm khẳng định tới đây, việc biên soạn chỉ tiêu GDP và GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) phải thực hiện theo nguyên tắc thường trú.
Cụ thể, sản phẩm được sản xuất ở địa phương nào tính cho địa phương đó, sản phẩm do đơn vị thường trú ở địa phương nào sử dụng tính cho đơn vị địa phương đó... Việc thu thập thông tin phục vụ tính GRDP sẽ đầy đủ về phạm vi, loại bỏ trùng chéo.
Từ năm 2016 trở đi Tổng cục Thống kê sẽ trực tiếp biên soạn và công bố chỉ tiêu GRDP. Tuy nhiên, để đảm bảo tính kịp thời và liên tục của số liệu thống kê, trong năm 2016 và 2017 Tổng cục Thống kê và các cục thống kê cấp tỉnh cùng biên soạn số liệu GRDP, nhưng Tổng cục Thống kê thực hiện công bố số liệu.
Từ năm 2018 trở đi, các cục thống kê cấp tỉnh không trực tiếp biên soạn số liệu GRDP.
Cần bộ tiêu chí rõ ràng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Viết Chữ, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, thừa nhận cách tính GDP như thời gian qua dẫn đến sự trùng lặp về số liệu.
Chẳng hạn, một dầm cầu được đúc ở Đà Nẵng trị giá 1 tỉ đồng, được Đà Nẵng tính giá trị là 1 tỉ đồng. Nhưng đưa dầm cầu đó vào Quảng Ngãi để lắp đặt vào một cái cầu, Quảng Ngãi lại tính vào GDP cái dầm cầu đó 1 tỉ đồng nữa.
“Do có sự trùng lặp đó nên khi tổng hợp lại GDP của các tỉnh thành thì luôn cao hơn GDP của toàn quốc” - ông Chữ nói.
Theo ông Chữ, tính lại GDP là việc làm cần thiết để lãnh đạo mỗi tỉnh sẽ thấy được thực chất tăng trưởng của tỉnh mình, giá trị gia tăng đó sẽ ảnh hưởng đến vấn đề giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tránh việc một sản phẩm sản xuất trên địa bàn khác nhưng lại tính trên địa bàn mình.
“Nếu tính lại khả năng GDP của Quảng Ngãi sẽ giảm 3% so với hiện nay. Bình quân hằng năm GDP của Quảng Ngãi là 12%, nhưng nếu tính lại chúng tôi sẽ còn 8,5-9% chứ không thể cao như trước đây được” - ông Chữ khẳng định.
Trong khi đó, ông Văn Hữu Chiến - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết những năm gần đây, con số GDP của địa phương này đều dưới 10%, thay vì ở mức hai con số như nhiều địa phương khác, do địa phương này đã áp dụng phương pháp tính khác.
Chẳng hạn, sau khi ngồi lại phân tích từng chỉ tiêu và nếu thấy số liệu giữa Cục Thống kê TP và của Sở Kế hoạch - đầu tư có sự chênh lệch, các cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh sao cho hợp lý và thực tế nhất chứ không phải nâng chỉ tiêu này lên hay hạ chỉ tiêu kia xuống...
“Để đảm bảo số liệu sát thực tế nhất, cần có một bộ tiêu chí để tính cho rõ ràng, tất cả địa phương đều theo một tiêu chí đó để tính toán” - ông Chiến đề xuất.
Ông Võ Thành Hạo, chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cũng cho rằng cách tính GDP hiện nay ở các địa phương là không còn phù hợp nữa.
“GDP của huyện tính thì cao hơn tỉnh, tỉnh tính thì cao hơn trung ương. Đó là bất cập, vô lý quá. Cần thống nhất phương án tính toán phù hợp, chứ hiện nay chúng ta đang đoán mò GDP của địa phương mình” - ông Hạo nói.
Theo ông Hạo, các địa phương thường có tâm lý muốn địa phương mình có thành tích ít nhất là ngang bằng các tỉnh trong khu vực hoặc là cả nước. Tuy nhiên, vấn đề không phải thấp hơn hay cao hơn mà phản ánh đúng thực chất tiềm năng và thời điểm phát triển địa phương một lúc nào đó.
* Ông Trần Văn Trung (cục phó Cục Thống kê Đà Nẵng): Thu hẹp sai số trong thống kê Số liệu thống kê thường có sai số, do phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ khi thu thập số liệu về thu nhập, có thể có người không kê hết thu nhập của mình hoặc điều tra viên đi hỏi chưa kỹ. Vì vậy, việc thu hẹp sai số, tăng độ chính xác số liệu thống kê là cần thiết. Sắp tới, theo tôi, các địa phương vẫn có thể tính chỉ số GDP để phục vụ nhanh việc điều hành, chỉ đạo của địa phương. Tuy nhiên, số liệu chính thức sẽ được Tổng cục Thống kê công bố. * Ông Lê Đình Ân (nguyên giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia): Thống kê không chính xác, điều hành sẽ không sát Các phương pháp tính toán của VN hiện nay không khớp với thông lệ thế giới, từ cách tính nợ xấu, tỉ lệ thất nghiệp, năng suất lao động... nên số liệu của VN cũng khó chính xác. Do đó, cần phải xem lại phương pháp, năng lực của cán bộ thống kê đã chuẩn chưa để tăng năng lực nghiệp vụ cho họ. Bởi nếu số liệu thống kê không chính xác, điều hành cũng không chính xác, dự báo cũng không thể tốt được. Bản thân chỉ số GDP cũng không khái quát được hết thực chất của nền kinh tế. Như GDP tính cả giá trị sản xuất của khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong khi họ sẽ chuyển lợi nhuận của mình về nước. Nên tăng GDP nhưng VN chưa chắc được hưởng mà là nước ngoài hưởng. Vì vậy, bên cạnh chỉ số GDP, cần đưa ra cả chỉ số GNP (chỉ số đã tính cả kiều hối chuyển về, và trừ đi phần lợi nhuận khu vực FDI chuyển về nước họ...) để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. C.V.KÌNH * Ông Lê Ngọc Bảy (cục trưởng Cục Thống kê TP Cần Thơ): GDP địa phương gây áp lực cho ngành thống kê Sở dĩ có sự chênh lệch giữa số liệu của Tổng cục Thống kê và cơ quan thống kê các địa phương có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do cách tính. Chẳng hạn, cục thống kê các địa phương tính hết tất cả các cơ sở, sản xuất kinh doanh trên địa bàn nên dẫn đến việc trùng số liệu giữa địa phương và ngành hoặc giữa địa phương này với địa phương khác. Việc áp giá sản xuất bao gồm thuế sản phẩm (thuế xuất nhập khẩu, thuế doanh nghiệp...) nhưng không phải thuế VAT dẫn đến việc thông tin thu thập về thuế không chính xác. Ngoài ra, việc các địa phương xây dựng kế hoạch tăng GDP và công bố GDP hằng năm gây áp lực lớn cho ngành thống kê, bởi không thể địa phương đặt kế hoạch tăng 10%, mà cục thống kê công bố chỉ 5-6%. L.DÂN - Đ.VỊNH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận