Trong khi đường cao tốc Trung Lương đang khai thác thì cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang) bị thi công chậm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc phấn đấu đạt 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội giao cho năm 2019, nhưng các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế cần có giải pháp khắc phục tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 30-10.
Cần công khai, cập nhật chi tiết hoạt động lấn chiếm biển đảo, vi phạm luật pháp quốc tế của phía Trung Quốc để dư luận tiến bộ VN và trên toàn thế giới, bao gồm cả nhân dân Trung Quốc, được biết.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang)
Nếu không cải cách mạnh, Việt Nam sẽ tụt hậu
Đại biểu (ĐB) Vũ Tiến Lộc (chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam) cho rằng việc hoàn thành 12 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khối ASEAN và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á là kết quả tích cực.
Tuy vậy, ông Lộc cho rằng "chưa thể yên tâm" với mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đang giảm tốc, do nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao.
Trong thực tế, theo ông Lộc, thương chiến Mỹ - Trung cho thấy Việt Nam không được hưởng lợi như dự báo, với xuất khẩu chỉ tăng 8,2%, cơ cấu thị trường chuyển dịch bất lợi khi chủ yếu xuất sang Mỹ, tiềm ẩn rủi ro gian lận thương mại.
Hoạt động thu hút đầu tư FDI giảm tốc ở những thị trường quan trọng, trong khi dòng vốn từ Trung Quốc tăng lên, cho thấy sự thiếu bền vững, thiếu cân bằng FDI. Nguồn thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp không đạt kế hoạch, cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn, chi phí sản xuất kinh doanh tăng.
"Việc chững lại trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2019 được Ngân hàng Thế giới công bố cũng cảnh báo rằng dù Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để vượt lên chính mình, nhưng các nền kinh tế khác đang thay đổi nhanh hơn và trở nên cạnh tranh hơn. Nếu không cải cách mạnh mẽ, chúng ta sẽ tụt lại phía sau" - ông Lộc nói.
ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cũng bày tỏ lo ngại rằng Việt Nam đang tụt hậu xa hơn về kinh tế và có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, do chưa đột phá thành công các vấn đề cốt lõi của tăng trưởng theo chiều sâu.
Đời sống của nhân dân, thực lực của nền kinh tế tăng nhanh nhưng chưa cùng với tốc độ tăng trưởng. Chính phủ cũng đã chỉ rõ trong báo cáo là Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Do đó, ông Hàm đề nghị Quốc hội ngoài việc giao chỉ tiêu GDP tổng sản phẩm nội địa như trước đây, cần giao thêm chỉ tiêu thu nhập quốc dân (GNI) để phản ánh nội lực thực sự của nền kinh tế và thu nhập của người dân.
"Có ba vấn đề cốt lõi cần dành nguồn lực thực hiện bằng được để tăng trưởng theo chiều sâu là trình độ lao động, phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo" - ông Hàm nói.
"Nút thắt" đầu tư công: gỡ mãi không được
Nhiều ĐB bày tỏ lo ngại về "nút thắt" đầu tư công đang là rào cản cho phát triển của nhiều địa phương, vùng kinh tế. ĐB Tống Thanh Bình (Lai Châu) dẫn chứng các dự án kết nối giao thông ở miền núi phía Bắc như cao tốc Nội Bài - Lào Cai và tuyến Nghĩa Lộ - Yên Bái là 2 tuyến giao thông quan trọng, là những dự án đã được thông qua, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí vốn.
"Chưa hết, nhiều dự án điện đã được xây dựng, nhưng việc đầu tư phát triển hệ thống lưới điện đấu nối truyền tải vẫn chưa được triển khai thực hiện, nên nhiều dự án không đảm bảo tiến độ vận hành, gây thất thoát lãng phí nguồn điện", ông Bình nói.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) khẳng định "sẽ còn phát biểu cho đến khi nào dự án cao tốc Trung Lương - Cần Thơ được hoàn thành và dự án nâng cấp đường Quản Lộ - Phụng Hiệp được thực hiện đúng tiến độ, lộ trình theo quyết định của Quốc hội".
Bức xúc trước vấn đề năm nào cũng thừa nhận là tồn tại, hạn chế nhưng "càng khắc phục kết quả càng tồi tệ hơn", ông Hận đặt vấn đề phải chăng là do thắt chặt thủ tục đầu tư, do công khai, minh bạch, do kết quả chống tham nhũng thời gian gần đây đạt kết quả tốt, làm mất động lực của các chủ đầu tư hay chưa thỏa thuận được tỉ lệ ăn chia hay còn vì lý do gì khác?
Giải ngân chậm, tiến độ hoàn thành dự án chậm, nhưng tình trạng lãng phí, kém hiệu quả từ một số dự án đầu tư công cũng là một phần của bức tranh được đại biểu nêu lên.
"Một số liệu cho thấy cả nước đưa vào khai thác 30.000 dự án đầu tư công nhưng có tới 245 dự án không hiệu quả. Nếu số liệu này là đúng thì quả là sự lãng phí đáng kể. Chúng ta phải suy nghĩ gì và giải thích như thế nào với dư luận và cử tri", ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu.
Trung tướng Trần Việt Khoa (giám đốc Học viện Quốc phòng, đại biểu Hà Nội):
Chủ động để bảo vệ chủ quyền Biển Đông
Trước tình hình khu vực Biển Đông có nhiều diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng tới an ninh, an toàn ở khu vực, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đã tiến hành ngoại giao, đấu tranh trên cơ sở đấu tranh pháp lý để khẳng định chủ quyền của chúng ta.
Trên thực địa, các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư thường xuyên bám sát, nắm chắc tình hình và tuyên truyền để khẳng định khu vực chủ quyền và quyền chủ quyền của chúng ta không thể chối cãi theo công ước, luật pháp quốc tế, Công ước về Luật biển năm 1982.
Đất nước ta đã từng phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, chúng ta thấy được sự tàn khốc của chiến tranh và sự mất mát của mỗi gia đình và dòng họ. Do đó, chúng ta luôn luôn phải cảnh giác, tỉnh táo và sẵn sàng các phương án cao nhất với các tình huống có thể xảy ra, vì lợi ích quốc gia của dân tộc, vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ...
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp):
Phải có giải pháp xử lý vấn nạn bạo lực
Nếu tăng trưởng nóng về kinh tế nhưng không làm tốt an sinh xã hội, đến một lúc phải trả giá vì hậu quả xã hội khôn lường. Thực tế cho thấy dường như môi trường sống ngày càng bất an. Từ vấn đề thực phẩm tràn ngập, ô nhiễm không khí, nguồn nước sinh hoạt, đến vấn đề tham nhũng vặt làm hình ảnh bộ máy công quyền bị xấu đi trong mắt của người dân.
Nhiều hành vi thiếu chuẩn mực cho thấy có dấu hiệu xuống cấp về nhân cách, đạo đức và một số vụ án giết người mà quan hệ giữa thủ phạm và nạn nhân là anh em, vợ chồng, mẹ con đã làm chấn động dư luận. Đặc biệt, nạn xâm hại trẻ em có diễn biến phức tạp, thủ phạm đa số là người quen thân, thậm chí ruột thịt của nạn nhân.
Do đó, đề nghị Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn tới chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân; tập trung nghiên cứu, phân tích để có giải pháp xử lý thỏa đáng một số hiện tượng xã hội như sự gia tăng nạn bạo lực trong giải quyết các quan hệ xã hội, quan hệ gia đình... (T.LONG ghi)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận