28/03/2004 23:03 GMT+7

Tăng trưởng kinh tế thấp do thủ tục hành chính!

ĐOAN TRANG
ĐOAN TRANG

TT - GDP trên địa bàn TP.HCM quí 1-2004 tăng 8,5%, mức thấp nhất so với mức tăng trưởng cùng kỳ của ba năm trở lại đây. Nguyên nhân do đâu?

lnshnM8C.jpgPhóng to
Dịch cúm gà vừa qua đã làm giảm lượng khách du lịch đến TP.HCM. Nay hết dịch, khách du lịch đã quay trở lại. Trong ảnh: khách du lịch tham quan chợ Trần Chánh Chiếu, Q.5 Ảnh: N.C.T.
TT - GDP trên địa bàn TP.HCM quí 1-2004 tăng 8,5%, mức thấp nhất so với mức tăng trưởng cùng kỳ của ba năm trở lại đây. Nguyên nhân do đâu?

Tại cuộc họp do UBND TP triệu tập đột xuất vào chiều hôm qua, 28-3, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch thường trực Nguyễn Thiện Nhân, nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã được phân tích. Điều đáng lưu ý là rất nhiều ý kiến cho rằng rào cản chính chính là thủ tục hành chính.

“Phải chờ, phải nhắc... cả hai, ba tháng”!

Ông Huỳnh Văn Minh, tổng giám đốc Tổng công ty (TCT) Thương mại Sài Gòn, kể khi xây dựng Trung tâm thương mại Bình Điền, đụng tới điện phải hỏi “ông” điện, muốn khoan giếng phải chờ “ông” giao thông công chánh... “Tôi muốn làm sao để cải tiến thủ tục cho đúng nghĩa “một cửa một dấu”.

Ví dụ đã giao cho Sở Kế hoạch - đầu tư thì nhà đầu tư không phải chạy gõ cửa từng sở khác nữa”. Đồng tình với ông Minh, ông Phạm Văn Bự, quyền tổng giám đốc TCT Nông nghiệp Sài Gòn, than: “Hai nhiệm kỳ rồi, chúng tôi chưa dời được mấy cái trại heo. Xây trại heo mới thì ba năm rồi vẫn chưa xong. Chỉ vì thủ tục”.

Ông Trần Ngọc Thành, bí thư đảng ủy Tổng công ty (TCT) Cao su, tiếp lời: “Chúng tôi xây dựng một chung cư hai năm nay chưa xong thủ tục. Văn bản gửi các sở phải chờ, phải nhắc cả hai, ba tháng. Văn bản gửi UBND TP cũng thế, hàng tháng trời chẳng thấy có ý kiến gì”.

Thủ tục chuyển đổi cơ cấu vốn cũng là chuyện đáng bàn. Ông Minh cho biết từ sau vụ căn nhà 250 Nguyễn Trọng Tuyển nổi đình đám trong khâu định giá, Hội đồng định giá TP... ngưng hoạt động. Ông nói: “Một doanh nghiệp (DN) xin bán nhà xưởng di dời ra Khu công nghiệp Tân Bình dự kiến đầu tư 80 tỉ đồng.

Trong khi chờ bán nhà xưởng phải vay vốn ngân hàng. Vay hai năm rồi vẫn chưa bán được nhà xưởng. Chúng tôi cần vốn để đầu tư, nhưng thủ tục chuyển đổi cơ cấu vốn chậm thế này rất kẹt”. Ông Bự: “Bán chỉ định không được vì sợ “tiếng ra tiếng vào”, nhưng định giá, làm thủ tục đấu giá thì rất chậm”.

“Tôi có sẵn tiền, sẵn đất đây, vậy mà hai năm nay chưa xây dựng được chung cư. Cách phân cấp, phân quyền thế này phải xem lại” - ông Nguyễn An Bình, tổng giám đốc TCT Địa ốc Sài Gòn, bức xúc nói.

Cổ phần hóa: chậm - môi trường đầu tư: kém!

“Đúng là lúc đầu nhiều anh sợ khi cổ phần hóa thì mất chức mất quyền, nhưng nay đã đả thông tư tưởng hết rồi, chỉ đạo quyết liệt việc cổ phần hóa, vậy mà vẫn cứ chậm. Ba năm qua chúng tôi mới cổ phần hóa được một đơn vị” - đại diện TCT Lương thực miền Nam nói. Một trong những thủ tục để cổ phần hóa là xác định giá trị DN.

Các TCT than phiền về thủ tục này. Ông Minh: “Khó khăn nhất là khâu thẩm định giá trị DN. Chúng tôi kiến nghị rất nhiều lần là khâu này phải có hội đồng chuyên trách, không nên kiêm nhiệm. Chúng tôi dự kiến có 20 DN cổ phần hóa, nhưng đến nay mới làm được 7 công ty”.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân: “Nhiều DN “tự bơi” do không có sự liên kết giữa Nhà nước và DN”. Một số ý kiến cho rằng không liên kết được vì chưa có qui hoạch rõ ràng cho từng ngành. Sự va chạm đã xảy ra ở TCT Thương mại Sài Gòn và TCT Nông nghiệp Sài Gòn khi cả hai đơn vị này có nhiều hoạt động trùng nhau.

Ông Phạm Văn Bự: “Bây giờ mạnh ai nấy đầu tư. Anh Minh (ông Huỳnh Văn Minh - PV) đầu tư nhà máy thủy sản mấy chục tỉ đồng. Tôi cũng dự định xây dựng nhà máy chế biến thủy sản với vốn đầu tư cả trăm tỉ đồng. Phải tính toán ngành nghề ra sao để khai thác tiềm năng khi chưa có qui hoạch rõ ràng. Chẳng lẽ chúng mình lại tự đi cạnh tranh với nhau!”.

Về nội dung này, ông Mai Quốc Bình thừa nhận là đúng, nhưng đặt vấn đề: “Quan điểm của tôi là cái gì trùng thì ghép. Nhưng ghép theo mô hình nào, phải theo lộ trình, theo tuyến cụ thể”.

Đại diện Ngân hàng đầu tư phát triển TP thông tin: “Ở Đà Nẵng, các DN được cấp điện hạ thế, thời gian miễn tiền sử dụng đất lâu hơn, thời gian miễn giảm thuế DN cũng lâu hơn so với TP. Các DN, kể cả DN đầu tư nước ngoài đều than thủ tục hành chính của ta phức tạp quá, thái độ cán bộ công chức không tốt với nhà đầu tư...”.

Đây chính là rào cản quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế tại TP. Ông Đặng Bình, phó tổng giám đốc TCT Bến Thành, nhận định: “Môi trường đầu tư của TP ngày càng mất lợi thế. Tôi tán đồng ý kiến cho rằng chúng ta đang bị chảy máu chất xám. TP đề ra chuyện phải hỗ trợ DN, xúc tiến thương mại, mở rộng đầu tư... nhưng làm thì rất yếu”.

Ông Bình nói thêm: “Các sở ngành chưa thật sự chia sẻ khó khăn của DN. Sự thật là như vậy! Càng để lâu tình trạng này, dòng đầu tư sẽ chảy về nơi khác”. Ông Mai Quốc Bình thừa nhận: “DN than phiền sở này, ngành kia. Điều này là do điều hành của UBND TP chưa tới.

Nhưng chúng tôi cần biết cụ thể hơn. DN kêu bán mặt bằng chậm quá, nhưng chưa nói vì sao chậm, chậm bao lâu, ở khâu nào. Nếu biết rõ, chúng tôi sẽ mạnh dạn cắt ngay những rào cản ấy đi”.

“Trong quí 2-2004, TP quyết tâm xử lý hết những chuyện này”, Phó chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói. Ông cũng cam kết các ý kiến của đại biểu sẽ được báo cáo tại hội nghị Ban chấp hành Thành ủy diễn ra trong vào ngày tới để lãnh đạo TP xem xét đề ra hướng xử lý thích hợp.

ĐOAN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp