09/06/2020 09:27 GMT+7

Tăng trưởng kinh tế: cố gắng đạt mức cao nhất

L.KIÊN - N.AN - T.LONG
L.KIÊN - N.AN - T.LONG

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết năm 2019 là năm thứ 3 liên tiếp vượt mức các chỉ tiêu, với tích lũy lớn, khi Việt Nam có kim ngạch xuất nhập khẩu trên 500 tỉ USD

Tăng trưởng kinh tế: cố gắng đạt mức cao nhất - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội TP.HCM Trần Hoàng Ngân thảo luận tại tổ - Ảnh: TTXVN

Dù là chuyện cũ hay mới, Chính phủ khóa này hay khóa trước thì đều phải cùng chịu trách nhiệm, đưa đất nước tiến lên với tinh thần bảo nhau làm việc cho tốt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Ngày 8-6, trong ngày đầu tiên họp đợt 2 kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (đợt 1 họp trực tuyến), Quốc hội chia tổ để thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, chương trình mục tiêu quốc gia cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định kết quả kinh tế - xã hội năm 2019 thắng lợi toàn diện nên đã làm tiền đề rất tốt cho năm 2020. Do đó, mặc dù nửa đầu năm nay ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 rất lớn nhưng chúng ta vẫn có nguồn lực để đầu tư và phát triển.

Cố gắng đạt mức cao nhất các mục tiêu đã đề ra

"Tăng trưởng kinh tế của nhiều nước âm thì Việt Nam vẫn tăng trưởng 3,82%" - Chủ tịch Quốc hội nói. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới, nhiều yếu tố chưa thể lường định được hết, nên lần này Quốc hội không bàn về chỉ tiêu tăng trưởng mà cố gắng để đạt ở mức cao nhất các mục tiêu đề ra trong năm 2020. 

"Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận là không thể nào đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6,8 - 7% năm 2020 như mục tiêu đặt ra. Cũng chắc chắn rằng ngân sách không thể thu đạt, thậm chí hụt thu hơn 100.000 tỉ đồng theo các phương án" - bà Ngân phân tích.

Chủ tịch Quốc hội cho hay bội chi năm 2018 theo quyết toán thấp, chỉ 2,8% GDP; năm 2019 kiểm soát bội chi ở mức 3,5% nhưng năm nay chắc chắn bội chi sẽ tăng lên vì hụt chi và vì nhiều khoản chi cấp bách phải thực hiện. 

Ví dụ gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng hỗ trợ các trường hợp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là khoản chi không có trong dự toán chi được thông qua từ đầu năm mà phải sử dụng nguồn tăng thu năm 2019 và cả nguồn dự toán của năm nay, dùng cả ngân sách trung ương và địa phương... 

"Do đó, năm nay Quốc hội nên giao Chính phủ có điều chỉnh trong điều hành. Chẳng hạn như điều chỉnh chi tiêu cục bộ, ở địa phương nào, bộ ngành nào mà không giải ngân được vốn đầu tư công làm chậm trễ thì Chính phủ sẽ được quyền điều chỉnh cục bộ..." - bà Kim Ngân nói.

Có quyết sách để đón đầu tư nước ngoài

Phát biểu tại tổ thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh công tác phòng chống dịch COVID-19 vừa qua chúng ta đã có đối sách đúng, kịp thời, quyết liệt. 

Đến nay các nhà máy, công trường đã làm việc trở lại, cùng với gói an sinh xã hội, các cấp ngành cùng tháo gỡ khó khăn sau đại dịch, phải cố gắng đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,8% hoặc ít nhất phấn đấu đạt 4 - 4,5% và cao hơn. 

Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần có chủ trương, biện pháp tốt hơn, tháo gỡ những khó khăn và đặc biệt là chống bệnh quan liêu xa dân, để các thành phần kinh tế phát triển tốt hơn, đặc biệt là đón dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Đánh giá về kết quả đạt được của kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết năm 2019 là năm thứ 3 liên tiếp vượt mức các chỉ tiêu, với tích lũy lớn, khi Việt Nam có kim ngạch xuất nhập khẩu trên 500 tỉ USD. Song Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận các bất cập, điển hình như 12 dự án ngành công thương, khuyết điểm do "chúng ta chưa có kinh nghiệm về kinh tế thị trường".

"Chúng ta cùng phải chịu trách nhiệm chuyện này. Chúng ta có nhiều khuyết điểm, nhất là các dự án thua lỗ. Bao nhiêu ethanol, dầu khí cũ để lại không khắc phục nổi? Rồi thép Thái Nguyên, một đống sắt gỉ bây giờ thì làm sao có thể khắc phục được? Khó khắc phục, thậm chí là chậm khắc phục, cần có thời gian tiếp tục thúc đẩy giải quyết" - Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết đang có chương trình để khắc phục, đảm bảo tính chặt chẽ, đúng pháp luật, tránh tình trạng tiếp tục để mất cán bộ.

Cần gói hỗ trợ cao hơn cho doanh nghiệp

Thảo luận tại tổ TP.HCM, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng ưu tiên hàng đầu hiện nay là giữ được thành quả kiểm soát dịch bệnh. Cơ quan chức năng không được chủ quan, lơ là, kiểm soát tốt các cửa khẩu, sân bay, bến cảng, đường mòn, lối mở. Chỉ cần sơ sẩy một chút sẽ rất tai hại.

Mặt khác, theo ông Ngân, phải làm sao để doanh nghiệp có thể giữ chân được người lao động. Dẫn chứng số liệu 5 tháng đầu năm 2020 có 26.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, ông Ngân cho rằng doanh nghiệp mới chỉ tạm ngừng chứ chưa giải thể. "Điều này cho thấy doanh nghiệp đang chờ cơ hội phục hồi. Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên cần có những gói hỗ trợ cao hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn này", ông Ngân nói.

Cũng tại buổi thảo luận tổ, các đại biểu một lần nữa nói sâu về việc giải ngân chậm. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhấn mạnh việc có tiền nhưng giải ngân chậm là vấn đề đáng báo động. 

Theo ông Nghĩa: "Chúng ta cứ nói đi nói lại việc có tiền nhưng giải ngân không được, trong khi nó rất cần cho tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, điều kiện cho doanh nghiệp chuyển dịch, tham gia vào các dự án đầu tư công nhiều hơn". 

Cũng theo ông Nghĩa, Chính phủ cần nhanh chóng chọn lựa một số ngành trọng điểm để phục hồi sau dịch cũng như chuẩn bị đất để thu hút đầu tư FDI như một số nước đã và đang làm.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng ngành cần hỗ trợ phục hồi nhất hiện nay là du lịch. Theo bà Tâm, phong cảnh thiên nhiên Việt Nam rất đẹp, nhu cầu du lịch của người dân rất cao. Do vậy ngành du lịch cần đề xuất những giải pháp kích cầu, phục hồi nhanh du lịch nội địa để ngành du lịch nhận sự "trợ lực" từ Nhà nước.

Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp - lợi ích không nhiều

Về tầm nhìn dài hạn, ông Ngân cho rằng cần tái cơ cấu nền kinh tế, mạnh dạn cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Mặt khác, theo ông Ngân, việc Quốc hội sắp thông qua nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được các doanh nghiệp đánh giá tốt nhưng lợi ích mang lại không nhiều. Vấn đề doanh nghiệp vừa và nhỏ quan tâm hiện nay là nguồn vốn, trong khi các ngân hàng thận trọng không cho vay.

Do vậy, ông Ngân đề xuất có các tổ chức trung gian đứng ra bảo lãnh nguồn vay cho doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp này có vốn hoạt động sẽ có nguồn tiền thu từ đóng thuế phân bổ ngược lại cho các tổ chức trung gian.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông như "nhát dao chém vào lòng tin"

namtran-cat linh ha dong 1(read-only)

Nhổn - ga Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được trông mong sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông nhưng cũng trong tình trạng chậm tiến độ - Ảnh: NAM TRẦN

Phát biểu tại tổ đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, ông Thuận Hữu (tổng biên tập báo Nhân Dân) đề cập đến cơ chế "đón" làn sóng đầu tư dịch chuyển sang Việt Nam. Ông cho rằng còn những khó khăn, thách thức để có thể đón được "đại bàng" chứ không phải đơn giản.

Ví dụ, các doanh nghiệp lớn không dễ đi khỏi Trung Quốc bởi đây là thị trường lớn, nguồn nhân lực dồi dào, nguồn nguyên liệu phong phú và ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Trong khi đó, các quốc gia khác cùng khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng sẽ cạnh tranh với Việt Nam để đón làn sóng dịch chuyển. Vì vậy, báo cáo của Chính phủ cần đề cập rõ hơn vấn đề này, phải có chiến lược rõ ràng hơn để đón dòng đầu tư dịch chuyển.

Đại biểu Thuận Hữu cũng đề nghị Chính phủ nêu rõ các giải pháp xử lý những vấn đề tồn đọng, gây bức xúc xã hội nhiều năm mà chưa giải quyết được. "Điển hình như các dự án ngàn tỉ đắp chiếu trùm mền: gang thép Thái Nguyên, nhiệt điện Thái Bình... Tiền đắp chiếu nằm đấy, rồi mất cả cán bộ. Thủ tướng thì rất tâm huyết nhưng hình như các bộ, ngành chưa quyết liệt, cơ chế mắc mớ, khi đặt vấn đề anh quyết anh phải chịu trách nhiệm thì không ai dám quyết" - ông Thuận Hữu phân tích.

Vẫn theo ông Thuận Hữu, dự án như nhiệt điện Thái Bình "cứ mỗi ngày mở mắt ra là mất một ôtô Toyota". Hay dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông như "nhát dao chém vào lòng tin của người dân", chậm trễ, đội vốn, cứ để như vậy dân bức xúc, "thà biến thành bảo tàng đường sắt".

Nói về dự án này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay vấn đề quan trọng nhất là an toàn thì đến nay chưa được bàn giao hồ sơ an toàn, các bên đang phải tích cực thảo luận để có thể giải quyết dứt điểm, và "hi vọng dự án này có thể chạy được trước đại hội là một may mắn lớn".

Bí thư Hà Nội: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy được trước tháng 10 thì tốt Bí thư Hà Nội: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy được trước tháng 10 thì tốt

TTo - Thành phố Hà Nội phải nhận nợ dự án nên dự án vận hành càng sớm càng tốt, càng có lợi cho Hà Nội, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ.

L.KIÊN - N.AN - T.LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp