Cụ thể, theo cơ quan này, xuất khẩu tiếp tục là động lực cho tăng trưởng. Trong quý 1, Việt Nam xuất siêu hơn 1 tỉ USD, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức xuất siêu lớn nhất kể từ năm 2010. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 14,1% và 12,4% (so với mức 23% và 17,9% tương ứng của cùng kỳ năm 2013). Xuất khẩu của Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng đột phá so với các nước trong khu vực ASEAN. Chính xuất khẩu tăng mạnh như vậy đã đóng góp phần lớn cho tăng trưởng GDP quý 1 đạt 4,96%.
Mặt khác, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng đánh giá sản xuất tiếp tục chuyển biến tích cực. Theo đó, cơ quan này dẫn chứng qua số liệu nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, máy móc thiết bị sản xuất tiếp tục xu hướng tăng kể từ tháng 9 năm ngoái và tăng mạnh trong quý 1 năm nay. Cụ thể, nhập khẩu máy móc thiết bị tăng 29,3%, xăng dầu tăng 29,6%, nguyên phụ liệu dệt may tăng 28,7%.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, mặc dù kinh tế có sự chuyển biến tích cực song tổng cầu của nền kinh tế vẫn chậm cải thiện. Như chỉ số tiêu dùng chậm thể hiện qua doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng quý chỉ tăng 5,1% (nếu loại trừ yếu tố giá). Con số này không cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước đây khi quý 1-2012 tăng 5% và quý 1-2013 tăng 4,5%.
Bên cạnh đó, trong khi đầu tư tư nhân chưa cải thiện nhiều do tín dụng tính đến ngày 13-3 vẫn âm, chi cho đầu tư phát triển quý 1 giảm 4,9% so với cùng kỳ.
Để tăng trưởng đạt mức cao hơn, cơ quan này khuyến nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế, khai thông thị trường tiêu thụ hàng hóa cho sản xuất. Đồng thời, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và tạo điều kiện người sản xuất tiếp cận vốn vay ngân hàng. Đặc biệt, cần có những chính sách hỗ trợ nông dân về giá nông sản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận