Sản xuất linh kiện ôtô xe máy tại công ty TNHH Keihin Việt Nam - Ảnh: TTXVN |
* GDP bình quân đầu người: 2.109 USD
Đó là những nội dung chính tại buổi họp báo ngày 26-12 của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội VN năm 2015.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm - tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP của VN năm nay đạt con số khá đẹp: 6,68%. Theo ông Lâm, mức tăng này cao hơn hẳn mức tăng của các năm 2011-2014 trong khi lạm phát thấp nhất hơn 10 năm.
Với dân số ước tính năm qua tăng 974.000 người, ông Lâm cho biết GDP bình quân đầu người của VN năm 2015 đã chính thức đạt 2.109 USD/người/năm (tương đương 45,7 triệu đồng/người/năm), tăng 57 USD/người so với năm 2014.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, bức tranh kinh tế năm 2015 đã theo xu hướng sáng hơn, tình hình doanh nghiệp cũng cải thiện. Năm 2015, VN có tổng số gần 95.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 600.000 tỉ đồng.
Dù vẫn có khoảng 80.000 doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động nhưng Tổng cục Thống kê cho biết đã có trên 21.000 doanh nghiệp từng phải dừng hoạt động do khó khăn nay đã quay lại sản xuất kinh doanh.
Ông Lâm công bố kết quả khảo sát các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo cho thấy có trên 42% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 4-2015 đã khả quan hơn quý trước, 20% vẫn gặp khó khăn...
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của báo chí về tốc độ tăng trưởng GDP 2015 quá đẹp, theo dân gian là đúng số “lộc lộc phát” (6,68%), liệu Tổng cục Thống kê có làm tròn không? Ông Hà Quang Tuyến, vụ trưởng Vụ Thống kê hệ thống tài khoản quốc gia, nói: “Đúng đây là con số đẹp nhưng ngẫu nhiên. Tính toán của chúng tôi đúng phương pháp để ra con số như thế. Không có điều chỉnh, làm tròn”.
Không hiểu vì sao các chỉ số khác của nền kinh tế xấu đi như nợ công cao, không có tiền chi tăng lương, Bộ LĐ-TB&XH nói thất nghiệp rất lớn... nhưng tăng trưởng lại đẹp thế? Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng GDP là chỉ tiêu toàn diện, bên cạnh đó còn nhiều chỉ tiêu khác.
“Và cũng phải nói dù tăng cao nhưng VN vẫn là nước nghèo, nhu cầu chi tiêu lớn. Tăng trưởng GDP không có nghĩa các lĩnh vực khác sẽ đẹp. Như ta phải huy động nhiều vốn để phát triển thì dứt khoát phải có nợ công, nhưng nợ công của VN vẫn dưới trần cho phép” - ông Lâm nói.
Chênh lệch năng suất lao động VN và Malaysia lên tới 30.311 USD Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, vụ trưởng Vụ Thống kê tổng hợp, cho biết năng suất lao động VN có tăng dần theo các năm. Năm 2015 năng suất tăng 6,4%. Tính bình quân 17 năm thì năng suất lao động sản xuất khoảng 24 triệu đồng/người/năm (năng suất lao động = GDP/tổng số người làm việc bình quân). Nhưng dù VN tăng thì so với các nước vẫn còn bất cập, hạn chế. So giữa VN với các nước thì chênh lệch có giảm, như năm 1994 năng suất lao động của Singapore cao gấp 29 lần VN thì năm 2013 chỉ còn gấp 18 lần. Tương tự, Thái Lan từ gấp 4,6 lần chỉ còn cao hơn 2,7 lần... Tuy nhiên, về giá trị tuyệt đối thì chênh lệch năng suất lao động của VN với các nước tiếp tục tăng. Nếu năm 1994 chênh lệch giữa năng suất lao động của Singapore với VN chỉ 62.052 USD thì năm 2013 tăng lên thành 92.632 USD. Tương tự, Thái Lan từ 7.922 USD tăng lên 9.314 USD, đặc biệt Malaysia từ 21.142 USD tăng lên 30.311 USD. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận