Nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ và các bộ ngành là xác định rõ đâu là động lực tăng trưởng kinh tế chính để tập trung đẩy mạnh trong phần còn lại của năm.
Gỡ khó cho các trụ cột tăng trưởng kinh tế
Với mức tăng GDP 9 tháng đạt 4,24%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự báo ba kịch bản tăng trưởng năm nay đạt 5%, 5,5% và 6%. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng đã kết luận chọn kịch bản tăng trưởng 6%, đồng thời xác định sẽ phải phát huy tối đa mọi động lực tăng trưởng trong quý 4 để đạt được mục tiêu này.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6% thì tăng trưởng quý 4 cần tăng 10,6% là thách thức rất lớn, đòi hỏi có sự đột phá trong các động lực chính của tăng trưởng, đặc biệt là từ phía cung.
Nhiều chuyên gia kinh tế đều chung nhận định rằng mức tăng GDP 10,6% trong quý 4 như dự báo là không dễ dàng.
PGS.TS. Phạm Thế Anh (kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam - VESS) nhận định cả ba kịch bản tăng trưởng quý 4 và cả năm 2023 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới cập nhật đều lạc quan, ngay cả kịch bản xấu nhất là tăng trưởng 5% cũng rất lạc quan.
Trong những động lực tăng trưởng kinh tế thì tiêu dùng nội địa vẫn còn yếu. Hiện thu nhập giảm sút, người dân chi tiêu thận trọng hơn, tiết kiệm nhiều hơn nên khó kỳ vọng vào sự gia tăng đột biến tiêu dùng nội địa trong giai đoạn cuối năm. Chỉ có thể hy vọng vào nguồn khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam trong quý 4 sẽ nhiều hơn, chi tiêu nhiều thì có thể đỡ đi phần nào tiêu dùng trong nước.
Hiện đầu tư tư nhân cũng còn gặp khó, lãi suất cho vay đã giảm nhưng vẫn còn cao, còn tiềm ẩn rủi ro và các nguồn lực của doanh nghiệp hạn chế, đặc biệt lĩnh vực bất động sản vẫn còn khó khăn không chỉ vốn mà còn pháp lý, nhiều dự án khó, chậm triển khai và sức hấp thụ của thị trường yếu.
Hơn nữa, đầu tư tư nhân cũng phụ thuộc vào thị trường thế giới. Doanh nghiệp chỉ mở rộng sản xuất kinh doanh khi tiêu dùng khởi sắc, xuất khẩu tăng trở lại mới kéo theo doanh nghiệp đầu tư, còn hiện nay đầu ra đang eo hẹp.
"Việc đầu tư tư nhân có thể tạo động lực tăng trưởng kinh tế lên 7-8% trong giai đoạn cuối năm là rất khó, chúng ta cũng không kỳ vọng nhiều", PGS.TS. Phạm Thế Anh cho biết.
Bên cạnh đó, về lâu dài nguồn vốn FDI vẫn vào Việt Nam nhưng trong giai đoạn ngắn hạn vài tháng tới vẫn chưa có đột biến ngay. Trong một vài tháng qua, xuất khẩu đã bớt giảm sâu, một số ngành tăng trưởng dương song triển vọng kinh tế thế giới còn xấu, nhiều quốc gia còn duy trì mặt bằng lãi suất cao thậm chí vẫn tăng nên sức mua trên thế giới vẫn chậm.
Việc xuất khẩu thời gian qua tăng có thể các doanh nghiệp chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm bởi kho bán lẻ đã cạn, còn để thấy sự phục hồi chắc chắn phải phụ thuộc vào sự hồi phục kinh tế thế giới, khi thu nhập của người dân tăng mới kéo theo xuất khẩu khởi sắc.
Từ những vấn đề trên, để đạt được mức tăng trưởng 6% trong năm nay sẽ rất khó, nếu chúng ta phấn đấu đạt mức 5% cũng đã là mức khả quan, nhưng phải tập trung vào những nguồn lực trọng tâm.
Đầu tư công sẽ quyết định tăng trưởng
Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế quý 3 đã được cải thiện đáng kể và xu thế phục hồi cũng trở nên rõ nét hơn. Dù còn nhiều khó khăn nhưng từ nay đến cuối năm nền kinh tế có triển vọng tăng trưởng từ các yếu tố tích cực như cầu đầu tư sẽ được hỗ trợ lớn từ đầu tư công đang triển khai ráo riết theo cam kết của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương. Đầu tư công sẽ là đòn bẩy cho các luồng đầu tư ngoài nhà nước và đầu tư FDI.
Hiện chúng ta đang tích cực triển khai dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là động lực chính để phát triển kinh tế những tháng cuối năm.
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - tăng trưởng GDP năm nay đạt được 5%, 5,5% hoặc 6% đều là thành công của Chính phủ. Thực tế để đạt được tăng GDP cả năm 5% không phải dễ.
Chiến lược của kinh tế Việt Nam là tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, nhưng ba tháng cuối năm xuất khẩu chưa có nhiều điểm sáng. Tiêu dùng trong nước từ nay đến cuối năm vẫn bình bình vì chưa có tín hiệu gì tích cực để người dân tiêu dùng nhiều.
Vì vậy, động lực duy nhất chủ động được là đầu tư công. Theo tính toán, nếu chúng ta giải ngân được 95% vốn đầu tư công năm nay (khoảng 711.000 tỉ đồng) thì tốc độ tăng GDP của nền kinh tế sẽ thêm được khoảng 1,2 - 1,3%.
Theo Tổng cục Thống kê, bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, nếu Việt Nam đạt tốc độ tăng GDP khoảng 5%, gấp đôi mức tăng toàn cầu, là thành công. Bởi bên cạnh mức tăng trưởng cao này, chúng ta vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, giữ được ổn định tỉ giá.
PGS.TS. Phạm Thế Anh đánh giá đầu tư công hiện mới giải ngân khoảng 50%, nếu đẩy nhanh giai đoạn cuối năm sẽ góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ trong ngắn hạn là tập trung mọi nguồn lực vào giải ngân đầu tư công nếu muốn đạt được tăng trưởng kinh tế 5-6%.
Giúp người dân có thêm tiền để chi tiêu
TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - cho rằng từ đầu năm đến nay, Chính phủ cũng đã chỉ đạo nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận vốn, tăng khả năng hấp thu vốn trong nền kinh tế.
Ví dụ để hỗ trợ xuất khẩu, Chính phủ đã tung ra gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỉ đồng cho VAT lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Ngân hàng Nhà nước bốn lần giảm lãi suất điều hành ở mức từ 0,5 - 1,5% nhằm giảm lãi suất cho vay, góp phần tăng khả năng tiếp cận và cung cấp vốn cho nền kinh tế.
"Để đạt những chỉ tiêu Chính phủ đề ra, cần quyết liệt hơn trong thực thi các chính sách phục hồi kinh tế", ông Lực nói.
Ông Shantanu Chakraborty - giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - cho hay ngay cả tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 chỉ ở 5,6 - 5,7% cũng là nền tảng tốt, tích cực để chúng ta tăng trưởng cao hơn trong những năm tiếp theo.
Việc đạt tốc độ tăng trưởng trên 10% trong quý cuối năm là mong muốn rất cao, trong khi có rất nhiều rủi ro phải đối mặt nằm ở yếu tố bên ngoài. Bao gồm những bất ổn do xung đột địa chính trị, lạm phát tăng cao, thắt chặt chính sách tiền tệ ở các nước... đều nằm ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam.
Do đó, giám đốc ADB khuyến nghị cần giải pháp mạnh mẽ của Chính phủ như tạo ra những động lực thúc đẩy tiêu dùng trong nước bằng cách tăng thu nhập của dân, giúp người dân có nhiều tiền hơn để tiêu dùng.
"Để đạt được tốc độ tăng trưởng 6% như lựa chọn của Chính phủ, rất cần giải pháp tài khóa mạnh mẽ, phải tăng tốc độ giải ngân đầu tư công. Cần giúp người dân có thêm tiền để tăng tiêu dùng trong nước, nỗ lực tái cơ cấu thị trường lao động. Cần phải phối hợp nhuần nhuyễn chính sách tài khóa và tín dụng để bảo đảm có nguồn tiền hiệu quả" - ông Shantanu Chakraborty khuyến nghị.
Về lâu dài, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Shantanu Chakraborty cho rằng đây là điểm cần lưu ý để "đi tắt, đón đầu" các ngành công nghiệp của tương lai.
Cần xây dựng một hệ sinh thái không chỉ đối với khuôn khổ khu vực công mà còn cả khu vực doanh nghiệp, khu vực tư nhân. Do vậy, cần có các cải cách, đưa ra ưu đãi cho các ngành sản xuất nông nghiệp, tín dụng cho ngành công nghệ chế tạo, các ngành công nghiệp mới.
Để thúc đẩy tăng trưởng trong ba tháng cuối năm, bà Nguyễn Thị Hương, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng cần tiếp tục duy trì ổn định tình hình kinh tế, tạo niềm tin cho người đầu tư. Cần phát huy hiệu quả các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thông qua giãn, hoãn, giảm thuế...
Chính sách tiền tệ nên tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, phí dịch vụ, các gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Bên cạnh đó, cần giảm các loại phí, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm những thị trường mới.
Thị trường đang tốt dần lên
Theo ông Đào Xuân Đức - chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA) - trong 9 tháng qua, tình hình chung của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở TP.HCM mặc dù có những chuyển biến tích cực song vẫn chưa đạt được như mục tiêu, chưa tăng trưởng lớn do tình hình chung vẫn còn nhiều khó khăn.
Đặc biệt, nhiều ngành sản xuất như giày da, may mặc, gỗ... còn gặp khó do nhu cầu nhập khẩu, tiêu dùng ở các thị trường chủ lực chưa khởi sắc, kéo theo đơn hàng, sản xuất dù có nhưng chưa tăng trưởng tốt.
Do đó, kỳ vọng từ đây đến cuối năm, bước vào cao điểm mua sắm của thị trường nước ngoài cũng như thị trường nội địa để kéo theo những ngành này có đơn hàng tốt hơn, vực lại ngành sản xuất.
Các ngành hàng khác như lương thực, thực phẩm... tăng trưởng tốt hơn bởi người dân vẫn phải giữ các nhu cầu về ăn uống, chi tiêu cho thực phẩm thiết yếu. Hiện thị trường trong nước đã có những chuyển biến tích cực, nhiều chương trình khuyến mãi được tung ra để kích thích mua sắm, kích thích sản xuất cũng như chính sách giảm VAT của Chính phủ.
TP.HCM đẩy mạnh đầu tư công
Về lĩnh vực đầu tư, TP đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Trong đó, tập trung đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục đầu tư các dự án sử dụng nguồn bổ sung tăng thêm được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trong 9 tháng đầu năm để điều chuyển vốn năm 2023 từ các dự án chậm giải ngân sang cho các dự án này.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm, trực tiếp lãnh đạo chỉ đạo đơn vị khẩn trương rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ. Đẩy nhanh việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án thuộc các địa phương và sớm bàn giao mặt bằng để thực hiện thi công dự án.
TP đặt mục tiêu giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3. Chuẩn bị triển khai việc bồi thường vành đai 4, cao tốc Mộc Bài - TP.HCM và dự án rạch Xuyên Tâm.
Phấn đấu cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình, lập quy trình, định mức, đơn giá trong công tác quản lý, vận hành và bảo trì tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên). Tập trung tham mưu đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt đô thị số 2 để khởi công các gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật trong năm 2023.
Hoàn thành đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM và đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, cấp bách lĩnh vực đường bộ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận