Phóng to |
Bác Hồ từng mượn tranh của danh họa Nguyễn Gia Trí để trưng bày khi tiếp khách quốc tế. Trong ảnh là tác phẩm Dọc mùng (160 x 400cm) - sơn mài của Nguyễn Gia Trí (1908-1993) thuộc sở hữu của Bảo tàng Mỹ thuật VN |
Trong một hội thảo mỹ thuật tổ chức tại cơ quan đại diện Bộ VH- TT&DL phía Nam (170 Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM), trong lúc các đại biểu tranh luận về định hướng thẩm mỹ cho thiếu nhi thì điêu khắc gia Phan Gia Hương đứng lên đặt vấn đề: “Chúng ta bàn về thẩm mỹ trẻ em, vậy định hướng người lớn ra sao?”.
Một cách cụ thể, nữ điêu khắc gia ngó quanh các bức tranh treo trong phòng họp rồi hỏi liệu chất lượng tranh ở đây thế nào? Lúc đó, các đại biểu liếc mắt nhìn quanh rồi... kín đáo cười trừ!
1
"Nhà nước cần quan tâm hơn việc quảng bá văn hóa quốc gia bằng chính những tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu" |
Một người từ lâu cũng “ấm ức” chuyện này không kém là họa sĩ Hồ Hữu Thủ. Ông là người gần như cả đời gắn bó với sơn mài, cho nên sơn mài đối với ông dường như đã ăn vô máu. Thế nhưng, mỗi lần thấy truyền hình hay báo chí đưa tin phía cơ quan nhà nước tiếp đón và tặng quà cho đoàn khách quốc tế nào đó bằng tranh sơn mài là ông... bức xúc lắm! Bởi lẽ những tấm sơn mài đó là đồ thủ công mỹ nghệ đại trà, giới mỹ thuật hay gọi là “tranh chợ”, “tranh bờ hồ”. Vì là món hàng trang trí phổ thông, giá rẻ nên giá trị mỹ thuật của loại tranh này cũng “bình dân” lắm! Mà đã tặng tranh cho khách quốc tế thì cũng nên “quốc hồn quốc túy” một chút. Đem “tranh chợ” như vậy tặng người ta liệu có nên không?
2
Điêu khắc gia Nguyễn Xuân Tiên đồng ý rằng những sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn mác “tranh sơn mài” có “ưu điểm” giá rẻ, nhưng cũng vì thế mà chất lượng... “rẻ” theo! Còn nếu nói vì các cơ quan tặng quà chưa tường tận lắm về mỹ thuật thì điêu khắc gia Nguyễn Xuân Tiên đặt vấn đề: “Họ nên chọn những họa sĩ am hiểu làm cố vấn, chúng tôi luôn sẵn sàng”. Quả thật, giờ đây khi các bảo tàng đi mua tranh cũng nhờ họa sĩ tư vấn, nên việc tặng tranh thiết nghĩ cũng cần vậy.
Một bức tranh là một món quà, nhưng nó phải đại diện phần nào cho mỹ thuật nước đó khi là món quà “giao lưu” với các nước bạn. Có nhiều vị đại sứ nước ngoài khi kết thúc nhiệm kỳ về nước, hành trang của họ không thể thiếu những bức tranh của họa sĩ VN - kỷ vật văn hóa về đất nước mà họ từng lưu trú. Với những vị khách quốc tế, việc được tặng một bức tranh đẹp và quý có thể tạo nên một tài sản tinh thần, khiến họ thêm trân trọng văn hóa của đất nước người tặng. Cho nên có thể hiểu tại sao các họa sĩ ta nhìn những “sứ giả văn hóa” “tranh chợ” trên tay phái đoàn quốc tế mà tặc lưỡi... xót xa!
Chia sẻ chuyện này, họa sĩ Nguyễn Lâm có một kinh nghiệm: “Trước đây tôi có làm cố vấn mỹ thuật cho một tỉnh, họ lập ra một quỹ tặng quà hẳn hoi. Mỗi lần đoàn khách nào đến thăm là tôi phải nghiên cứu văn hóa, tập tục, khí hậu nước họ (sơn mài kén khí hậu)... rồi mới chọn bức tranh tặng phù hợp nhất. Những món quà như vậy làm họ rất thích thú và trân trọng. Còn nói thật, nhìn những bức tranh Vinh quy bái tổ, Ngư tiều canh mục... có thể ra chợ Bến Thành mua bất cứ lúc nào làm quà tặng cho khách cấp cao quốc tế thì họa sĩ chúng tôi cảm thấy xấu hổ lắm!”.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn (nguyên phó vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ - Ban Tuyên giáo trung ương): Bác Hồ từng mượn tranh tiếp khách quốc tế Tôi có đi một số nước, thấy tranh do “đại diện VN” tặng đúng thật là buồn cười. Nếu là đồ gốm sứ thì không nói, còn mấy bức tranh sơn mài mỹ nghệ thì chưa đạt, không có gì là “đại diện VN” hết! Ngay cả phòng tiếp khách, phòng họp của các cơ quan cấp cao, Chính phủ... của ta hiện nay cũng chỉ là những bức tranh sơn mài, sơn khắc mang tính trang trí là chính. Đó chưa phải là những bức tranh của những họa sĩ nổi tiếng hoặc do chính Nhà nước đặt hàng. Thiết nghĩ, những bức tranh treo ở nơi quan trọng như vậy cần phải tiêu biểu cho văn hóa, mỹ thuật VN. Còn nếu chỉ mang tính trang trí thôi là chưa đủ! Tôi nhớ câu chuyện năm 1946, Bác Hồ từng mượn tranh Nguyễn Gia Trí và các họa sĩ khác của nhà sưu tập Đức Minh để tiếp khách quốc tế. Bác Hồ rất coi trọng văn hóa quốc gia, cho nên Bác muốn nơi tiếp khách phải thể hiện văn hóa quốc gia. Mỹ thuật biểu hiện điều đó nhanh nhất, rõ nét nhất. Rất tiếc hiện nay vấn đề này chưa được chú trọng đúng mức. Tôi nghĩ Nhà nước cần quan tâm hơn việc quảng bá văn hóa quốc gia bằng chính những tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu. Ở công trình tòa nhà Quốc hội đang xây, hội đồng nghệ thuật của Bộ VH-TT&DL đã nhận được “đơn đặt hàng” về phần trang trí. Trước mắt có hai phương án: hoặc sử dụng phiên bản của những tác phẩm nổi tiếng trong bảo tàng, hoặc đặt hàng cho những họa sĩ nổi tiếng. Đó cũng là một ví dụ về cách Nhà nước sử dụng cơ quan tham vấn cho phần trang trí mỹ thuật ở những cơ quan cấp cao, đại diện. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận