Hàng ngàn khối đất đá sạt xuống trùm lên các khu nhà trong doanh trại bộ đội và sau đó trượt dài hàng trăm mét xuống suối - Ảnh: QUỐC NAM
Sau tiếng nổ chát chúa, mạn phía bắc của ngọn núi tên Cửa Trời ở bản Cợp, xã Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) sụp xuống, chôn lấp ba dãy nhà trong doanh trại của Đoàn kinh tế - quốc phòng 337. 5 người may mắn được cứu trong đống đổ nát, 22 người bị chôn vùi.
Đến 19h tối 18-10, các lực lượng tìm kiếm cứu hộ mới tìm được 14 thi thể. Cửa Trời trong phút chốc đã biến thành "cửa tử".
"Cho tui vô tìm con với"
"Không có nhiều cơ hội nhưng vẫn hi vọng" là câu mà chúng tôi nghe được từ nhiều người tham gia tìm kiếm những người mất tích trong đống đổ nát nói. Công việc đào bới bắt đầu từ tờ mờ sáng.
Tại đây, chúng tôi chứng kiến tiếng máy múc ì ầm đào bới xuyên trưa giữa trời mưa rả rích đến tận 19h tối mới tạm dừng.
"Những người còn lại nằm ở phía đất lấp sâu hơn. Nhưng có những dãy tường nhà đã đổ sập xuống nên chúng tôi phải cật lực đào. Biết đâu còn ai may mắn lọt vô chỗ trống sau mảng tường nào đó", một người tham gia cứu hộ nói.
14 người được tìm thấy rải rác từ sáng đến tối. Không khí ở dưới chân núi nặng trĩu dần khi có thêm một cái tên được gắn vào hàng giường y tế sắp sẵn trong lán mới che tạm trước sân doanh trại. Ở bên ngoài hàng rào, những cặp mắt đỏ hoe nhưng vẫn cố căng lên hướng vào bên trong chờ tin người thân.
Nhà ở cách hiện trường gần 20km nên bà Hà Thị Dung (xã Tân Hợp, Hướng Hóa) vào hiện trường từ mờ sáng. Con rể của bà là anh Lê Hương Trà được thông báo mất tích trong trận lở núi vùi ba dãy nhà của doanh trại Đoàn kinh tế - quốc phòng 337. Bà nói vợ anh Trà nghe tin từ hơn 2h sáng thì xỉu lên xỉu xuống mấy lần không còn đủ sức vào tới hiện trường. Đường sạt lở nhiều điểm nguy hiểm nhưng bà vẫn liều qua vì quá nóng ruột.
Suốt buổi sáng, khi cuộc tìm kiếm đang diễn ra thì ở bên ngoài hàng rào bà Dung không rời mắt và bấu chặt hai bàn tay vào nhau cầu nguyện. Đến quá trưa, thi thể anh Trà được tìm thấy. Bà Dung ngã quỵ ngay dưới chân núi.
Đến hơn 15h chiều thì những điểm sạt lở lớn trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây (dẫn từ Khe Sanh vào Hướng Phùng) mới được xử lý xong, nên cũng phải sau đó thì những chuyến xe chở đồ tang lễ mới vào tới hiện trường. Thân nhân các nạn nhân cũng đã vào đến hiện trường nhiều hơn. Cũng từ đó, một màu trắng tang tóc phủ cả vùng chân núi Cửa Trời.
"Tối qua nó (anh Trà) mới gọi về nhờ mẹ qua ở lại với vợ vì con bị sốt. Vài tiếng sau đã nghe tin nó gặp nạn...", bà Dung nói không thành lời.
Bà Trương Thị Khuyên (xã Cam Chính, Cam Lộ) hết quỳ lại nằm vật xuống đường. Vài phút sau bà gượng dậy níu áo van xin những người làm nhiệm vụ canh gác ở cổng ngoài: "Cho tui vô tìm con với. Cho tui vô phụ đào tìm với cho nhanh đi mà".
Đến giữa chiều thì thi thể con trai bà là binh nhất Lê Tuấn Anh được tìm thấy, hi vọng nhỏ nhoi mà bà cố không để tắt trong lòng đã cạn. Bà không còn có thể nói thành lời. Bà nhận tin con bị nạn và lên hiện trường cùng với một người em gái. Chỉ người em này mới còn có chút bình tĩnh để nói chuyện.
Người này nói Tuấn Anh đi lính nghĩa vụ từ năm ngoái. Chỉ vài tháng nữa Tuấn Anh sẽ ra quân. "Tối qua nghe tin lũ dâng, cháu đã gọi về cho mẹ dặn dò. Không ngờ đó là cuộc gọi cuối cùng", người này nói.
Bà Trương Thị Khuyên khóc ngất khi biết tin con mình là binh nhất Lê Tuấn Anh bị núi sạt lở vùi lấp tại doanh trại Đoàn kinh tế - quốc phòng 337 - Ảnh: QUỐC NAM
Thoát chết trong gang tấc
Suốt cả chiều khi lực lượng cứu hộ đang gấp rút đào bới để tìm thêm người mất tích thì có một người ngồi thẫn thờ nơi mái hiên. Đó là thiếu tá Lê Văn Nốp, cán bộ phòng tham mưu của Đoàn kinh tế - quốc phòng 337. Anh Nốp nói tai nạn đến quá bất ngờ và ngoài sức tưởng tượng của anh em trong đơn vị. Theo anh Nốp, trong 22 người bị vùi thì có đến 19 người cùng phòng tham mưu với anh. Ba người còn lại thuộc phòng hậu cần.
Anh Nốp kể thời điểm xảy ra vụ lở đất, không phải 22 mà là 27 người trong đơn vị bị vùi lấp. Ngay sau đó, 5 người đã được cứu thoát trong đống đổ nát. Cả 5 người đều bị thương và đã được đưa đi cấp cứu ngay.
Anh H. (35 tuổi, lái xe) là 1 trong 5 người thoát chết kỳ diệu này. Anh cho biết khoảng 1h sáng, anh đang ngủ thì nghe tiếng nổ lớn. Liền đó, đất đá ùn ùn trùm xuống. Nhiều mảng tường nhà bị xô đổ. Hai dãy nhà phía sau bị đất đá trùm lên.
Anh H. bật dậy và bị tường đổ đè lên người. "May mắn một góc tường phòng tắm sập xuống vô tình tạo thành hình chữ A và tui lọt vào bên trong. Nếu không thì bị đất lấp rồi", anh H. nói.
Nằm trong đống đổ nát, anh H. nghe các cán bộ, chiến sĩ thoát ra ngoài trước đó gọi to "còn ai không?" để ứng cứu. Anh nói mình nghe gọi thì chỉ biết gắng kêu lên thật to. Một lúc sau, anh H. được cán bộ chiến sĩ bên ngoài đến kéo mảng tường ra và cứu thoát.
Anh H. kể dãy nhà anh ở có 10 phòng, gồm có 10 cán bộ, chiến sĩ. Sau khi sạt núi, đất đá vùi lấp, chỉ 3 người trong số đó thoát nạn. "Bảy anh em khác đã không ra được", anh H. nghẹn ngào cho hay.
Phóng viên Tuổi Trẻ thoát nạn trên đường tiếp cận hiện trường
Phóng viên Quốc Nam của báo Tuổi Trẻ kịp thoát ra trước 30 giây trước khi dòng bùn, nước ập xuống
Sáng 18-10, phóng viên Tuổi Trẻ là một trong số ít những phóng viên tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở sớm nhất. Để vào được hiện trường, phóng viên đã phải vượt qua nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng trên đường.
Tại điểm sạt thứ hai cách hiện trường khoảng 1,5km, một nhóm bộ đội biên phòng cùng phóng viên vừa cố lội bùn đi bộ qua, vừa đến giữa điểm sạt thì lũ từ thượng nguồn bất ngờ đổ về ầm ầm mang theo đất đá và cây rừng. Rất may một nửa nhóm kịp thoát ra khỏi dòng chảy của nước lũ, nửa còn lại buộc phải chạy ngược trở ra. Điểm sạt này ngay sau đó bị sạt nghiêm trọng thành một vực thẳm bằng tòa nhà 5 tầng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận