03/09/2023 09:43 GMT+7

Tăng tốc xây sân vận động mới cho TP.HCM

Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, nơi từng được chọn để phục vụ SEA Games 31, tiếp tục bị bỏ hoang sau khi tái khởi động năm 2018.

Phối cảnh phương án Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc của Sasaki. Cụm thể thao hiện đại ở đây là niềm mơ ước của người dân và giới thể thao TP.HCM trong nhiều năm qua - Ảnh: VĂN TUẤN

Phối cảnh phương án Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc của Sasaki. Cụm thể thao hiện đại ở đây là niềm mơ ước của người dân và giới thể thao TP.HCM trong nhiều năm qua - Ảnh: VĂN TUẤN

Người dân trong khu vực kỳ vọng có thể vận dụng tinh thần của nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù để khởi động và xây dựng tại TP.HCM một sân vận động xứng tầm, làm nơi tổ chức các sự kiện thể thao lớn, được trực tiếp xem các đội tuyển bóng đá Việt Nam thi thố...

Quy hoạch "treo" gần 30 năm

Dự án Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc có chủ trương đầu tư từ năm 1994. Theo quy hoạch ban đầu, dự án có quy mô 466ha, gồm các công trình thể thao đạt chuẩn Olympic như sân vận động 50.000 chỗ dành cho bóng đá và điền kinh, nhà thi đấu thể thao tổng hợp... để có thể tổ chức các giải đấu quốc tế lớn.

Tuy nhiên sau nhiều lần điều chỉnh thì diện tích Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc hiện chỉ còn khoảng 212ha.

Trong đó 180ha sẽ dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật. Phần diện tích còn lại sẽ dành cho các doanh nghiệp tư nhân đấu thầu đầu tư vào công trình phức hợp nằm trong khuôn viên của khu liên hợp.

Nhưng sau 30 năm quy hoạch, Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc vẫn là khu đầm lầy với những lô đất trống xen lẫn nhà dân trồng sen, nuôi cá kinh doanh kiếm thêm thu nhập trong thời gian hàng chục năm mòn mỏi chờ giải tỏa.

Năm 2017, người dân TP.HCM rất vui khi nghe tin dự án Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc được tái khởi động nhằm chuẩn bị cho việc đăng cai SEA Games 31 vào năm 2021.

Đây cũng là dự án trọng điểm của TP.HCM đã được xác định trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa XI, dự kiến hoàn thành năm 2021.

Theo đó, UBND TP.HCM sẽ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng từ năm 2017 - 2020 với tổng chi phí gần 7.000 tỉ đồng để các nhà đầu tư triển khai dự án.

Trong đề án đăng cai tổ chức SEA Games 31 tại TP.HCM năm 2021 mà Sở Văn hóa - Thể thao trình thường trực UBND TP.HCM vào tháng 8-2017, tổng chi phí dự tính là 7.802 tỉ đồng.

Trong đó chi phí xây dựng, đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao khoảng 6.897 tỉ đồng, chi phí tổ chức khoảng 905 tỉ đồng.

Trong số 6.897 tỉ đồng để xây mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao, đáng chú ý kinh phí từ ngân sách TP.HCM hoặc địa phương phối hợp chi ra chỉ 1.467 tỉ đồng. 5.430 tỉ đồng đến từ nguồn xã hội hóa, chủ yếu sẽ dùng để đầu tư xây mới hai công trình lớn của SEA Games 2021 là sân vận động chính 50.000 chỗ ngồi tại Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc (dự kiến 3.450 tỉ đồng) và Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng (dự kiến 1.900 tỉ đồng).

Nhưng sau cùng TP.HCM đã rút lui không đăng cai SEA Games 31 vì không thể xây dựng hai công trình trọng điểm trên như dự kiến.

Đặc biệt là Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc với bao kỳ vọng của người dân TP.HCM, từng dự kiến hoàn thành việc bồi thường vào quý 1-2018, nhưng đến năm 2022 vẫn chưa thể thực hiện xong.

"Công tác lập nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 của dự án đã hoàn thành. Nhiệm vụ quy hoạch đã được UBND TP phê duyệt, việc lập đồ án quy hoạch đã trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định. Tuy nhiên việc triển khai vẫn gặp một số vướng mắc.

Khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án là bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành", Chánh văn phòng Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM Lâm Ngô Hoàng Anh phát biểu trong cuộc họp hồi tháng 8-2022.

Rất đông khán giả đến sân Thống Nhất ở Giải giao hữu quốc tế - Cúp Hưng Thịnh 2022 - Ảnh: N.K.

Rất đông khán giả đến sân Thống Nhất ở Giải giao hữu quốc tế - Cúp Hưng Thịnh 2022 - Ảnh: N.K.

"Nếu TP.HCM có được một sân vận động mới hiện đại, chúng ta có thể tổ chức các trận đấu quốc tế lớn, mời các CLB nước ngoài nổi tiếng về thi đấu phục vụ người hâm mộ.

Giờ TP.HCM không có sân đủ tầm thì mời đội tuyển Việt Nam về đá giao hữu quốc tế cũng không được. Vì ngoài chuyện cơ sở vật chất sân cũ, sức chứa sân Thống Nhất nhỏ không đủ bù cho chi phí bỏ ra mời đội nước ngoài và tổ chức thi đấu.

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG (lãnh đạo CLB TP.HCM)

3 phương án xây sân vận động mới cho TP.HCM

Với quỹ đất sẵn có, dự án Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc vẫn là phương án số 1 để TP.HCM nỗ lực thực hiện nhằm có một sân vận động xứng tầm với vị thế của mình.

Không chỉ thế, việc có sân vận động hiện đại thay cho sân Thống Nhất cũ kỹ, lạc hậu cũng giúp thúc đẩy phát triển rất nhiều không chỉ thể thao, du lịch, kinh tế mà cả chăm lo tinh thần cho người dân.

Nói vậy bởi bao năm qua, những trận đấu quốc tế của đội tuyển Việt Nam hay U23 Việt Nam đều chỉ diễn ra ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc có sân vận động tốt như Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nam.

Người dân TP.HCM hầu như không có cơ hội đến sân xem trực tiếp và ủng hộ khi đội tuyển Việt Nam hay U23 Việt Nam thi đấu.

Có một sân vận động mới, TP.HCM cũng "nở mày nở mặt" hơn với các tỉnh xung quanh, khi mà sân Thống Nhất giờ đây còn thua cả sân Bà Rịa - Vũng Tàu về chất lượng.

Chúng ta đã và đang quyết tâm xóa quy hoạch "treo" trong các dự án kinh tế, nhưng lại bỏ quên mất việc xóa quy hoạch "treo" trong dự án thể thao, nơi mà Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc đã bị bỏ hoang 30 năm qua.

Khôi phục dự án này là điều không dễ với chuyện đền bù giải phóng mặt bằng, nhưng chúng ta không thể cứ mãi đứng im - lạc hậu ở lĩnh vực cơ sở vật chất thể thao.

Nếu kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng quá cao cho dự án Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, một phương án khác mà TP.HCM có thể nghiên cứu và nhắm đến là xây dựng sân vận động mới 60.000 chỗ tại khu đất 5ha trong khu công viên Thạnh Mỹ Lợi (13ha) ở TP Thủ Đức.

Đây là phương án mà CLB TP.HCM đã đề xuất trong cuộc gặp với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên hồi tháng 8-2022. Khu đất này do Công ty TNHH MTV xây dựng và kinh doanh Nhà Phú Nhuận quản lý, hiện để trống nhiều năm. Vì vậy, nếu quyết định chọn nơi này thì hoàn toàn có thể triển khai ngay.

Trung tâm TDTT Thành Long (huyện Bình Chánh) cũng là một phương án khả thi khi nơi đây có quỹ đất rất lớn (10,7ha) để có thể vừa xây sân vận động chính vừa xây sân tập phụ cùng các dịch vụ bổ trợ.

Đây là nơi mà CLB Sài Gòn mua lại để làm đại bản doanh, sau đó rớt hạng vào năm 2022 và giải thể đội bóng. Nếu TP.HCM có thể bỏ tiền ra mua và xây dựng sân vận động mới thì chi phí cũng không cao so với dự án Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc.

Xếp hàng mua vé xem đội tuyển Việt Nam đá trên sân Thống Nhất, mong ước của rất nhiều CĐV ở TP.HCM - Ảnh: N.K.

Xếp hàng mua vé xem đội tuyển Việt Nam đá trên sân Thống Nhất, mong ước của rất nhiều CĐV ở TP.HCM - Ảnh: N.K.

Có thể huy động 1.000 tỉ đồng để xây sân ở TP Thủ Đức

Cùng tháp tùng lãnh đạo UBND TP.HCM đang có chuyến công tác tại châu Âu, lãnh đạo CLB TP.HCM cho biết Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã đi tham quan sân vận động Dragao có sức chứa hơn 50.000 chỗ (sân nhà CLB Porto - Bồ Đào Nha), sân vận động Johan Cruyff Arena có sức chứa 55.000 chỗ (sân nhà của CLB Ajax - Hà Lan) để có thể tìm hướng ra cho việc xây một sân vận động mới cho TP.HCM.

Lãnh đạo CLB TP.HCM chia sẻ: "Nếu TP.HCM có được một sân vận động mới hiện đại, chúng ta có thể tổ chức các trận đấu quốc tế lớn, mời các CLB nước ngoài nổi tiếng về thi đấu phục vụ người hâm mộ.

Trong chuyến công tác tại châu Âu, chúng tôi cũng đề xuất mời CLB Feyenoord (Hà Lan) sang đá giao hữu khi lãnh đạo UBND TP.HCM ký kết hợp tác với TP Rotterdam, rồi mời CLB Porto. Nhưng sân Thống Nhất nhỏ không thể giải được bài toán kinh tế trong việc bán vé".

Nói về đề xuất xây sân vận động 60.000 chỗ ở TP Thủ Đức, lãnh đạo CLB TP.HCM cho biết đã có những cuộc làm việc với Công ty TNHH MTV xây dựng và kinh doanh Nhà Phú Nhuận để có thể "biến" đề xuất thành hiện thực.

Ông nói: "Đây là đất dành cho công viên, có quy hoạch dành một phần cho thể thao. Dù vậy, để xây sân vận động tại đây thì cũng phải điều chỉnh lại quy hoạch. Kinh phí để xây sân vận động sẽ vào khoảng 1.000 tỉ đồng, và hoàn toàn có thể huy động từ nguồn lực xã hội hóa".

Lãnh đạo CLB TP.HCM cho biết sẵn sàng chọn sân mới làm sân nhà của mình, cho dù sức chứa của sân quá lớn với nguồn khán giả của đội. Bởi điều quan trọng, CLB TP.HCM sẽ khai thác hiệu quả qua việc bán vé cho người hâm mộ vào tham quan sân vận động mới hiện đại, tổ chức các trận đấu quốc tế.

Nâng cấp sân Thống Nhất: không hiệu quả

Theo kế hoạch, sân Thống Nhất đang chuẩn bị được nâng cấp về sức chứa. Cụ thể sẽ xây mới hoàn toàn khán đài B, bằng nguồn ngân sách của TP.HCM. Nhưng để phát triển tốt cho tương lai cả về cơ sở vật chất lẫn kinh tế, đó không phải là giải pháp hiệu quả.

Anh Trần Hữu Nghĩa - một CĐV lâu năm - cho biết: "Tôi và người hâm mộ thèm được xem và cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam tại TP.HCM. Nhưng mong ước này rất khó khi hạn chế sân bãi khiến VFF ít khi nào đưa các trận đấu quốc tế về đây. Theo tôi, xây dựng sân vận động mới hiện đại ở TP.HCM là điều cần thiết.

Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là phải tìm ra nguyên nhân tại sao TP.HCM đã từng quy hoạch dự án Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc nhưng vẫn không làm được để có hướng đi tiếp theo. Phải tìm ra được nguyên nhân rồi mới quyết định làm tiếp hay không. Người dân chỉ đưa ra khát khao, đưa ra mong muốn nhưng quyết định là của UBND và HĐND TP.HCM".

TP.HCM rất thiếu cơ sở vật chất dành cho thể thao

Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TP.HCM (HFF) Trần Anh Tú cho biết TP.HCM thiếu rất nhiều về cơ sở vật chất dành cho thể thao chứ không riêng gì bóng đá. Do đó, đầu tư cho cơ sở vật chất thể thao, đặc biệt là xây một Khu liên hợp thể thao là điều cần thiết.

Ông Tú nói: "Về mặt vĩ mô, TP.HCM cần một khu liên hợp dành cho các môn thể thao chứ không chỉ riêng bóng đá. Điều này tốt cho việc tổ chức các giải trong nước lẫn quốc tế. Nhưng để thực hiện được là điều không hề dễ dàng vì vướng nhiều cơ chế.

Như Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc đã được thành phố quy hoạch nhưng chưa thể triển khai được là điều đáng tiếc".

Cơ hội để TP.HCM xây sân vận động 50.000-60.000 chỗ ngồiCơ hội để TP.HCM xây sân vận động 50.000-60.000 chỗ ngồi

TT - “Mong TP.HCM là chủ nhà SEA Games 2021” để TP đầu tư cơ sở vật chất cho thể thao. Đó là ý kiến của giới chuyên môn trước thông tin TP.HCM có thể sẽ là chủ nhà SEA Games 2021 (Tuổi Trẻ 3-4). Dưới đây là một số ý kiến.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp