Phóng to |
Bà Mai như ngã khuỵu trước sự mất mát của chồng con - Ảnh: V.Hùng |
Con đường nối các làng chài Phú Quý, Châu Thuận Nông, Châu Thuận Biển nghi ngút khói hương.Sự ngóng đợi của những người mẹ, người cha, người vợ, những đứa con thơ dại như dài thêm ra. Nhiều gia đình đã làm sẵn di ảnh, xem ngày giờ, chuẩn bị tang chay.
Chuyến đi biển định mệnh
12g trưa, ngôi nhà ngư dân chủ tàu Trần Tiến Dũng vắng lạnh bóng người. Hút sâu trong nhà, bà Lê Thị Mai, vợ ông Dũng, nằm bệt trên chiếu dưới nền gạch, bên cạnh là chiếc điện thoại không rời bà cả tháng qua.
Trong bếp ăn, hai anh em Trần Văn Trung (18 tuổi) và Trần Văn Tần (11 tuổi) ngồi co ro, tựa ghế ngóng nhìn ra cửa sổ, nước mắt lưng tròng.
Trung nhìn sang mẹ rồi nói từ hôm nghe tin cha và hai anh mất tích, mẹ cứ nằm ở đó, chẳng thiết ăn uống gì. Ba mẹ con giờ cầu mong cho cha và hai anh bình an trở về.
Bà Mai đưa tay lau nước mắt, rồi nắm chặt búi tóc mình quằn quại trong đau đớn. Bà kể ông Dũng hơn 30 năm bám biển.
Nghèo, vợ chồng không có tiền đóng tàu lớn vươn khơi. Năm này sang năm nọ, ông chỉ đi tàu cá gần bờ, tối ra biển, sáng vào bờ. Dốc sức làm ăn, tích cóp, thêm con lớn, vợ chồng vay mượn thêm tiền để đóng chiếc tàu cá xa bờ làm ăn.
Tháng 4 vừa rồi, vợ chồng vay hơn 1 tỉ đồng, mượn thêm bà con đóng chiếc tàu cá 655CV giá gần 2,5 tỉ đồng. Có tàu, cả nhà bà Mai ai cũng mừng. Hơn bốn tháng, ông Dũng cùng hai con trai đầu là Tiến và Lên cặm cụi bám xưởng.
Ngày 5-9, ba cha con ông Dũng cùng 11 bạn biển nhổ neo ra khơi chuyến đầu tiên. Chuyến đầu tiên bám biển xa bờ, cha con ông Dũng mang nhiều kỳ vọng. Niềm hi vọng ấy đã bị đánh cắp khi chuyến biển vươn tận nam quần đảo Trường Sa là chuyến đi biệt tăm của 14 ngư dân.
Bà Mai kể sáng 13-10, ông Dũng có gọi điện thoại về, báo là tàu đầy cá rồi, đang trên đường chạy về tránh bão số 11. Lúc đó trời đang có gió to, sóng lớn nên ông Dũng tắt liên lạc với bà Mai. Sau đó bà Mai sốt ruột gọi điện lại nhưng máy ông Dũng không liên lạc được, máy hai con trai cũng tắt ngúm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 14-11, ông Phạm Trường Thọ - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, trưởng Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh - cho biết ngay sau khi nhận được tin tàu mất tích, tỉnh đã báo cáo Bộ Ngoại giao để có văn bản với các nước Malaysia, Philippinnes... hỗ trợ tìm kiếm con tàu và Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, hệ thống đài thông tin duyên hải... để tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn nhưng đến nay vẫn chưa có tin tức gì. Tỉnh đã chỉ đạo bộ đội biên phòng thông qua các kênh tìm kiếm con tàu cùng ngư dân nhưng hiện vẫn chưa tìm được. |
Trớ trêu thay, trên con tàu cá này đều là những ngư dân các làng chài nghèo ở Quảng Ngãi, Nha Trang chỉ mới ra khơi xa mưu sinh chuyến biển đầu tiên.
Ngư dân Võ Văn Sơn, nhà ở gần nhà ông Dũng, cũng mãi “đi xa”, bỏ lại mẹ già, vợ cùng ba đứa con thơ dại. Chị Bùi Thị Vĩnh (37 tuổi), vợ anh Sơn, nghẹn ngào kể anh Sơn từ trước đến nay chỉ đi đánh bắt ven bờ, thả lưới ngày được ngày không, cuộc sống đủ ăn.
Góp nhặt rồi hai vợ chồng xây được ngôi nhà nhỏ tránh mưa nắng, mượn gần 40 triệu đồng. Đánh bắt ven bờ không khá lên được, anh Sơn nói với vợ đi tàu xa bờ may ra mới có tiền trả được nợ.
Ngày anh theo tàu đạp sóng ra khơi chuyến đầu cũng là chuyến đi biển... khó quay trở về. Chị Vĩnh khóc nấc, anh Sơn chưa bao giờ chụp ảnh, giờ phải dùng ảnh chứng minh nhân dân để làm di ảnh.
Còn ngư dân Nguyễn Trần Hoàng Dũng lặn lội từ Khánh Hòa về tận quê nội ở Quảng Ngãi, rồi theo tàu ông Dũng. Ông Nguyễn Bá Tầm, cha anh Dũng, kể ở nhà đi lưới bữa được bữa không, hai em còn nhỏ nên gia đình luôn ngặt nghèo, Dũng xin cha ra Quảng Ngãi đi biển để kiếm thêm thu nhập, giúp gia đình nuôi hai em ăn học.
Thế nhưng chuyến biển đầu tiên Dũng thấy được quần đảo Trường Sa của quê nhà, nhưng biệt tăm đến nay. Trên gương mặt cứng cỏi của ông Tầm đã chảy hai dòng nước mắt: “Tôi mới nghe tin hôm qua, tim như có ai bóp nghẹt, mẹ nó xỉu lên xỉu xuống”.
Con tàu đầu tiên ra khơi của ngư dân Dũng chở theo nhiều ngư dân lần đầu tiên ra khơi xa không được may mắn trong cuộc mưu sinh giữa biển. Chuyến biển này còn có hai anh em ruột Lưu Phi Hùng, Lưu Quốc Cường ở Khánh Hòa ra đi biển cũng chưa biết ngày nào vào bờ.
Cạn dần hi vọng
Chốc chốc ngưng nói chuyện, bà Mai lại bấm số điện thoại quen thuộc của chồng nhưng vô vọng, thả phịch người xuống chiếu. Nước mắt bà Mai dường như đã cạn, mặt thẫn thờ. Bà đưa đôi bàn tay sần sùi, thô ráp xoa nhẹ lên từng khuôn mặt trên di ảnh.
Bà lại thắp hương cầu khấn chồng con đừng nằm lại lòng biển lạnh. Ông Trần Văn Hòe, anh ông Dũng, buồn bã nói: “Nhà chưa muốn lập bàn thờ bởi còn tia sáng là còn hi vọng. Vài ngày nữa sẽ tính tiếp”.
Ông Hòe nói giờ cạn tiền, nợ nần lại chồng chất, không biết ngày mai chị Mai và hai con sống ra sao khi trụ cột gia đình không còn. Còn con tàu có mua bảo hiểm nhưng phải đợi đến một năm rưỡi sau, khi quy định công nhận mất tích thì họ mới chi trả.
Ở ngôi nhà của ngư dân Sơn, mẹ anh (bà Nguyễn Thị Chiêm, 85 tuổi) giờ mới biết nỗi đau này. Bà đưa bàn tay nhăn nheo kéo chiếc khăn quàng cổ đã úa màu chặm những giọt nước mắt đang lăn dài trên gò má sạm đi vì nỗi đau mất con.
Chị Vĩnh ngồi quỵ một chỗ nhưng hễ nghe tiếng điện thoại reo, chị lại giật thót người vùng chạy lại cầm vội, nhưng hôm nay như suốt 30 ngày qua, điều mà chị mong mỏi vẫn không xảy ra. Khuôn mặt khắc khổ của chị Vĩnh hiện rõ nỗi lo toan, với người mẹ già và ba đứa con nhỏ không biết bám víu vào đâu.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - phó chủ tịch UBND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn - cho biết điểm đánh bắt của tàu QNg-90789TS rất xa, nằm phía nam quần đảo Trường Sa, giữa Khánh Hòa và Vũng Tàu, lại giáp vùng biển nhiều nước nên rất phức tạp.
Từ Quảng Ngãi, tàu phải đi sáu ngày đêm, mỗi giờ đi 6-8 hải lý mới đến được vùng đó. Các lực lượng dù rất tích cực tìm kiếm tung tích của 14 ngư dân mất tích cùng tàu cá nhưng bặt vô âm tín. Hệ thống Icom cộng đồng ngày đêm liên lạc với con tàu và những tàu đánh bắt quanh đó để tìm kiếm tung tích con tàu và ngư dân. Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đã đến thăm hỏi, hỗ trợ ban đầu mỗi gia đình ngư dân 5 triệu đồng để vượt qua khó khăn trước mắt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận