Do kiên định với an ninh lương thực nên Việt Nam không sợ thiếu lương thực, thực phẩm như xảy ra ở nhiều nước, mà giai đoạn này có thể tăng tốc sản xuất để cung ứng cho thế giới đang chịu khan hiếm, giá cao. Trong ảnh: thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Tại Việt Nam, ghi nhận phần lớn các loại lương thực, thực phẩm trong những tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ. Tuy vậy, giá tăng chủ yếu do chi phí đầu vào tăng, không có lo ngại khan hiếm hay thiếu, mà Việt Nam vẫn có thể tăng tốc sản xuất để cung ứng lương thực, thực phẩm cho thế giới.
Không lo thiếu thực phẩm
Theo ông Nguyễn Kim Đoán - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nếu tính theo giá thức ăn tăng thì có thể dự báo nhiều người nuôi đang giảm đàn heo, đặc biệt lượng heo ở các hộ nuôi nhỏ lẻ có thể giảm 50% so với năm ngoái.
Ông Lê Xuân Huy - phó tổng giám đốc Công ty chăn nuôi CP Việt Nam - cũng cho rằng lượng heo trong các hộ nuôi đang giảm nhiều nên nguồn cung một số nơi có thể giảm cục bộ. Tuy nhiên, nếu các công ty chăn nuôi lớn tăng đàn thì có thể bù vào lượng thiếu hụt, giúp duy trì lượng ổn định.
"Với lượng heo đang tăng 5-10% so với năm ngoái, CP kỳ vọng các tháng tới có thể xuất chuồng khoảng 19.000 - 20.000 con heo mỗi ngày", ông Huy khẳng định.
Giám đốc một công ty chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho rằng từ nay cho đến cuối năm, nguồn cung heo, gà và trứng gia cầm dồi dào, không lo bị thiếu. Bởi vì dù người chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ đàn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã được bù lại bởi tổng đàn tăng thêm từ các công ty chăn nuôi lớn.
Tất nhiên, giá bán sẽ tăng lên do chi phí đầu vào tăng nhưng không tăng quá sốc vì nguồn cung lớn. Thực tế giá cám tăng chóng mặt kể từ đầu năm 2020 đến nay mà giá heo hơi, gà và trứng chỉ tăng nhẹ cho thấy nguồn cung còn rất dồi dào.
"Với tình hình chăn nuôi và tổng đàn hiện tại, Việt Nam không lo thiếu thịt cho đến cuối năm", vị này nhận định. Cũng theo vị này, nguồn cung thịt trong nước chỉ rủi ro ở nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi không chỉ bởi giá đã tăng mạnh mà còn do chính sách hạn chế xuất khẩu bắp, lúa mì từ nhiều nước sản xuất lớn.
"Nếu Mỹ, Argentina, Ấn Độ… hạn chế hoặc ngưng xuất khẩu lúa mì, bắp và đậu nành, có thể xảy ra khó khăn do chăn nuôi trong nước phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Nhưng nếu có cũng xảy ra vào năm 2023 mà như vậy khó cho cả thế giới, vì thế các nước đang nỗ lực giải quyết không để xảy ra trường hợp này", vị giám đốc này cho biết.
Đóng gói gạo ST25 tại nhà máy của ông Hồ Quang Cua ở Sóc Trăng - Ảnh: CHÍ QUỐC
Gạo dư ăn, cố gắng giảm chi phí sản xuất
Nhìn nhận nguồn gạo để đáp ứng thị trường trong nước sẽ không sợ bị thiếu, một công ty cổ phần có nhiều năm trong ngành chế biến gạo xuất khẩu (quận 7, TP.HCM) chia sẻ đa số các công ty chế biến gạo bao giờ cũng có hệ thống kho có sức chứa lớn để đáp ứng trước hết thị trường trong nước.
"Chúng ta có nguồn nguyên liệu ổn định, nên tôi cho rằng dù thế giới có thiếu lương thực thì nguồn gạo cung cấp trong nước vẫn đủ, thậm chí dồi dào", đại diện công ty chế biến gạo xuất khẩu nhận định.
Trong khi đó, ông Trương Kiến Thọ - phó giám đốc Sở NN&PTNT An Giang - cho rằng sản lượng lúa cả năm của An Giang đạt trên 4 triệu tấn. Do giá vật tư tăng nhanh, dự báo một số người bỏ ruộng nhưng không nhiều. Hiện nay, đơn vị đã chỉ đạo các ngành chức năng tích cực tuyên truyền đến người dân nhiều biện pháp để tiết kiệm chi phí sản xuất.
Ông Lê Quốc Điền - phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp - cho hay kế hoạch diện tích gieo trồng lúa của tỉnh Đồng Tháp cả năm là 491.000ha, với sản lượng trên 3,2 triệu tấn. Trong 5 tháng đầu năm 2022, Đồng Tháp đã xuất khẩu trên 136.000 tấn, với kim ngạch 71,2 triệu USD.
Trong tình hình giá cả vật tư nông nghiệp tăng, sở cũng đã tăng cường triển khai các mô hình sản xuất "3 giảm 3 tăng" và "1 phải 5 giảm"; mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất lúa để giảm chi phí sản xuất tăng hiệu quả kinh tế.
Nhân viên lò giết mổ Thy Thọ (TP Long Khánh, Đồng Nai) chuẩn bị đơn hàng đưa vào siêu thị - Ảnh: A LỘC
Cơ hội vàng cho xuất khẩu
Theo nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thực phẩm, Việt Nam đã từ lâu không còn lo ngại về an ninh lương thực mà còn trở thành một "bếp ăn" của thế giới khi cung cấp rất nhiều loại lương thực, thực phẩm ra toàn cầu với số lượng hàng đầu thế giới.
Vì vậy, trong bối cảnh nhiều quốc gia bảo hộ lương thực, hạn chế xuất khẩu khiến giá cả tăng nhanh, Việt Nam cần tận dụng lợi thế này để khẳng định vị thế của một quốc gia cung ứng thực phẩm hàng đầu của thế giới.
Ông Đỗ Ngọc Tài - tổng giám đốc Công ty TNHH Tài Kim Anh - cho biết sau khi thế giới kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, cuộc sống dần trở lại bình thường nên nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ thủy hải sản, nhất là tôm tăng trở lại. Trong 5 tháng đầu năm, kết quả xuất khẩu các mặt hàng tôm giá trị gia tăng vào thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc… tăng trưởng đáng kể.
"Nếu chi phí vận chuyển được thế giới kiểm soát với giá hợp lý, thị trường xuất khẩu thủy sản từ nay đến cuối năm khá lạc quan" - ông Tài thông tin.
Trong khi đó, ông Võ Công Thức - giám đốc chất lượng thuộc Tập đoàn Lộc Trời - khẳng định đây là "thời cơ vàng" của các doanh nghiệp ngành lúa gạo. Vì dịch COVID-19 trong hai năm qua và chiến tranh Nga - Ukraine hiện nay đã làm "vựa lúa mì" thế giới giảm mạnh, dẫn đến nhu cầu lương thực tăng. Thêm vào đó, Ấn Độ là nước xuất khẩu lúa gạo rất lớn nhưng lại khống chế lượng xuất khẩu.
Từ các yếu tố đó đã ảnh hưởng đến nguồn cung ra thế giới thấp hơn cầu rất nhiều. Đây sẽ là cơ hội cho các nước sản xuất lương thực như Việt Nam, Thái Lan, Pakistan…
"Cứ ba tháng Việt Nam lại có vụ lúa, đảm bảo lương thực cho quốc gia nên không sợ thiếu. Như vậy, khẳng định về mặt sản lượng chúng ta hoàn toàn đảm bảo được nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy giá cả vật tư tăng nhanh nên người dân có thể sẽ hạn chế một phần diện tích, cùng với việc giảm phân bón nên có thể sản lượng sẽ giảm một chút nhưng không ảnh hưởng nhiều đối với sản lượng lúa" - ông Thức nhận định.
Ông Thức cũng cho biết hiện nhiều nước châu Âu đang liên tục yêu cầu cung cấp gạo.
Thủy sản dồi dào
Dù đau đầu với chi phí đầu vào nhưng ông Nguyễn Văn Tý (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) cho biết vụ 1 năm nay, ông thả nuôi 20 ao tôm trải bạt theo quy trình công nghệ cao, dự kiến sắp tới mở rộng quy mô thêm 15 ao.
"Chi phí tăng cũng giúp tui tỉnh lại, cơ cấu khâu quản lý sao cho tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. Những gì cắt giảm được thì làm để giảm chi phí đến mức thấp nhất. Nói chung phải cân đối giữa đầu vào và đầu ra hợp lý. Nuôi tôm công nghiệp, quản lý tốt, đạt năng suất cao, cho dù chi phí đầu vào có tăng vẫn sống được" - ông Tý nói thêm.
Ông Võ Văn Chiêu - giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng - thông tin tuy mới hồi phục sau đại dịch nhưng kết quả xuất khẩu tôm trong những tháng đầu năm của Sóc Trăng vẫn là điểm sáng, tăng trưởng cao nhất. Chỉ bốn tháng đầu năm, Sóc Trăng xuất khẩu tôm được trên 375 triệu USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ.
Theo một công ty thủy sản ở Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), từ đầu năm đến nay thị trường thế giới căng thẳng, vấn đề xuất khẩu thủy sản cũng hạn chế, tuy nhiên hàng tồn kho nhiều nên không ảnh hưởng.
"Đa số hàng tồn kho của chúng tôi còn rất nhiều. Khi thế giới căng thẳng trong vấn đề xuất nhập khẩu, chi phí logistics cho xuất khẩu tăng thì mình xoay hướng sang thị trường nội địa. Nguồn cung thủy hải sản trong nước, công ty vẫn đảm bảo, còn rất nhiều. Sản lượng xuất ra sau đại dịch COVID-19 tăng 20% so với năm trước", đại diện công ty thủy sản này cho biết.
T.THƯƠNG
Cần có phương án chủ động
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 25-5, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết ảnh hưởng chiến tranh, dịch COVID-19, giá xăng dầu... khiến tình hình sản xuất một số khu vực giảm, giá bán tăng cao. Do đó, để ổn định an ninh lương thực, xu hướng một số quốc gia hạn chế, thậm chí ngưng xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm đang dần phổ biến.
Tuy nhiên vị đại diện nhận định khó khăn chỉ là tạm thời. "Việt Nam cần có phương án chủ động nguồn cung, tăng nguồn nguyên vật liệu thay thế đối với các mặt hàng đang khó nhập như lúa mì, phân bón, thức ăn chăn nuôi... để sản xuất bền vững", vị này chia sẻ.
Luôn đảm bảo an ninh lương thực
Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết theo kế hoạch sản xuất năm 2022, cả nước sẽ trồng khoảng 7,2 triệu ha lúa (tương đương 43 triệu tấn lúa). Theo ông Cường, từ đầu năm tới nay kế hoạch sản xuất và sản lượng cơ bản đạt kế hoạch đề ra, chỉ có ở các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng đợt mưa lũ cuối tháng 3, đầu tháng 4 đã ảnh hưởng đến sản lượng nhưng cơ bản không ảnh hưởng tới kế hoạch.
Ông Cường cho biết thêm sắp tới Bộ NN&PTNT sẽ họp với các tỉnh phía Bắc để triển khai sản xuất vụ hè thu và vụ mùa với diện tích gieo trồng khoảng 1,2 triệu ha, còn các tỉnh phía Nam sau khi kết thúc vụ đông xuân sẽ triển khai vụ hè thu trên 1,9 triệu ha.
Tuy nhiên với thời tiết rất bất thường như hiện nay thì Bộ NN&PTNT đã chủ động xây dựng các giải pháp sản xuất ứng phó với thiên tai, hạn mặn để đạt được kế hoạch đề ra. Bộ cũng chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất để đảm bảo kế hoạch sản xuất của bộ đã đề ra, đồng thời cục cũng đề nghị các đơn vị như Tổng cục Thủy lợi, Cục Bảo vệ thực vật... bám sát tình hình sản xuất của các địa phương để ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch hại gây ra.
"Bộ NN&PTNT đã chỉ định cương quyết rằng bằng mọi giá phải đảm bảo kế hoạch sản xuất trên 7,2 triệu ha và sản lượng khoảng 43 triệu tấn lúa để đảm bảo an ninh lương thực trong nước và mục đích tiêu dùng khác như chế biến thức ăn chăn nuôi, giống, xuất khẩu..." - ông Cường nhấn mạnh.
Hiện phía Cục Trồng trọt cũng đang khẩn trương rà soát để ban hành thêm các quy trình canh tác giảm chi phí đầu vào để cân bằng lợi ích cho người trồng lúa và đảm bảo kế hoạch sản xuất đã đề ra.
Sản xuất 43 triệu tấn lúa, trong nước dùng 15 triệu tấn
Trước nhu cầu nhập khẩu lương thực của một số nước có thể tăng lên, theo ông Cường, khi đó Chính phủ sẽ có những điều hành, điều chỉnh xuất khẩu phù hợp để đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Về cơ bản với 43 triệu tấn lúa sản xuất trong cả năm trong khi lượng tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 15 triệu tấn thì vấn đề an ninh lương thực quốc gia trong trước mắt và lâu dài luôn được đảm bảo.
"Nhu cầu nhập khẩu tăng cao thì giá xuất khẩu tăng theo quy luật thị trường. Tuy nhiên khi giá tăng thì giá mua lúa của người dân sẽ tăng, điều này sẽ thúc đẩy người dân sản xuất" - ông Cường nói thêm.
CHÍ TUỆ
Cần tạo hưng phấn cho nông dân sản xuất
Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc nhiều quốc gia cấm xuất khẩu lương thực, thực phẩm, TS Võ Hùng Dũng - nguyên giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP Cần Thơ - nói rằng thời điểm này Việt Nam không nên quá lo ngại mà đưa ra lệnh hạn chế hay cấm tương tự.
Ông Dũng cho rằng Việt Nam đã có "kinh nghiệm" trải qua những lần biến động tương tự, đặc biệt khoảng năm 2008 cũng một lần báo động về khủng hoảng lương thực toàn cầu. Hơn nữa, Việt Nam có nền tảng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là về sản xuất lương thực vững chắc, không có vấn đề gì gây ra những căng thẳng. Thêm vào đó, tình hình an ninh khu vực và của Việt Nam ổn định vì vậy không có gì băn khoăn, phải cấm xuất khẩu gạo, nông thủy sản cả.
Thời điểm này, cần nhất là giảm thuế đầu vào để cho người nông dân giảm bớt khó khăn để chi phí sản xuất của họ ít hơn là một cách hỗ trợ. Thực tế vừa qua công nhân về quê tránh dịch, khi muốn họ quay lại làm việc thì nhiều nơi cũng hỗ trợ tiền thuê nhà và nhiều thứ khác thì với nông dân cũng rất cần hành động hỗ trợ tương tự như vậy. Trong khi đầu vào không kiểm soát được mà đầu ra giá cả sụt giảm thì đời sống nông dân bị ảnh hưởng, khó khăn, mà bị ảnh hưởng thì nông dân giảm sản xuất ngay.
Tóm lại, trước mắt chính quyền và ngành nông nghiệp làm sao cho nông dân tăng tốc sản xuất để cung cấp cho thị trường, chúng ta cần tạo mọi điều kiện cho họ có tâm lý hưng phấn. Ngành nông nghiệp và các địa phương sát dân nhất không nên chờ trung ương nữa mà phải xắn tay vào cuộc coi cái gì cần "cởi trói" thì cởi trói tiếp cho nông dân.
Với bà con nông dân, tôi nghĩ bà con cần được khuyến cáo để họ yên tâm với chính sách của Đảng, Nhà nước, khi có khó khăn thì nêu lên trực tiếp với đại biểu Quốc hội, HĐND. Có những chuyện lúc khó khăn này là lúc chính quyền địa phương sát với dân.
Hỗ trợ nhưng không để quá "nóng"
Mỗi sản phẩm liên quan tới điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng, cấu trúc, công nghệ, logistics riêng, nhưng đồng thời lực lượng lao động có kỹ năng, có kinh nghiệm để sản xuất thì điều quan trọng là nuôi dưỡng, đừng để bị phá vỡ cả quy trình này. Khi giá cả sụt giảm thì bảo vệ nông dân, giá cả lên thì giúp họ có cơ hội nhưng đừng để cho tăng tốc quá lớn như bài học từ con cá tra trước đây.
H.T.DŨNG - C.QUỐC
"Phong trào" cấm xuất khẩu lương thực, thực phẩm lan rộng
Thịt gà làm sẵn được bày bán tại chợ Chow Kit ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia - Ảnh tư liệu AFP
Nắng nóng, mất mùa, gián đoạn hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng chiến sự... đang kéo dài danh sách các nước có lệnh cấm xuất khẩu một số mặt hàng để bảo vệ nguồn cung thực phẩm trong nước. Các lệnh cấm xuất khẩu cho tới nay liên quan tới nhiều loại thực phẩm khác nhau, từ bột mì, thịt bò cho tới dầu cọ.
Mới nhất, ngày 24-5 Malaysia thông báo kể từ tháng 6-2022 sẽ cắt giảm xuất khẩu thịt gà để đảm bảo đủ nguồn cung trong nước. Trước đó không lâu Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ, Argentina dừng xuất khẩu một số loại thịt bò, Ấn Độ vừa thông báo áp mức quota xuất khẩu đường sau một tuần tuyên bố cấm xuất khẩu bột mì.
"Có vô số các vấn đề và không cái nào trong số đó có thể được giải quyết nhanh chóng", nhà kinh tế trưởng Marc Ostwald thuộc Công ty môi giới ADM Investor Services International (Anh) bình luận với báo Insider.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên thế giới đối mặt với cú sốc tăng giá hàng hóa nông nghiệp. Giai đoạn 2007-2008 từng xảy ra lạm phát giá thực phẩm ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lúc đó, những nước xuất khẩu ngũ cốc lớn đều đã phải hạn chế hoặc cấm xuất khẩu để kiểm soát giá bán trong nước và đảm bảo đủ nguồn cung nội địa. Cú sốc tương tự đang diễn ra trên toàn thế giới.
"Chúng ta đang ở thời điểm mà giá cả thực sự cao, và dường như chúng sẽ không sớm hạ nhiệt. Chừng nào giá cả còn cao, chừng đó sẽ có thêm những nước cố gắng bảo vệ người tiêu dùng bằng các biện pháp cấm xuất khẩu để giữ giá hàng hóa không tăng thêm" - Joseph Glauber, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI), chia sẻ quan điểm.
Các chuyên gia của IFPRI thậm chí còn lo ngại các lệnh cấm xuất khẩu lương thực "có xu hướng lan rộng khi nhiều nước xuất khẩu khác sẽ làm theo và áp dụng các lệnh cấm của họ".
Hãng tin Bloomberg chỉ ra những mặt hàng nông nghiệp chủ chốt đã bị hạn chế xuất khẩu trong năm ngoái và giá các hàng hóa này đã tăng cao trong 12 tháng qua. Đó là thịt bò xay, dầu hướng dương, bắp (ngô), bột mì, dầu cọ và dầu đậu nành.
Dữ liệu cập nhật hồi giữa tháng 4-2022 của IFPRI cho biết xét về tổng giá trị thương mại trên toàn cầu, lệnh cấm xuất khẩu của các nước ảnh hưởng tới 35,9% xuất khẩu bột mì, 55% xuất khẩu dầu cọ, 17,2% xuất khẩu bắp, 78,2% xuất khẩu dầu hướng dương và 5,8% xuất khẩu dầu đậu nành.
ĐỖ DƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận