16/05/2016 10:08 GMT+7

Tăng tốc luyện thi vào lớp 10

HOÀNG HƯƠNG (hoanghuong@tuoitre.com.vn)
HOÀNG HƯƠNG ([email protected])

TTO - Sau khi kỳ kiểm tra cuối học kỳ 2 kết thúc, học sinh lớp 9 trên địa bàn TP.HCM bắt tay ngay vào đợt luyện thi để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2016-2017.

Học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) trong giờ ôn thi môn tiếng Anh chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2016 - Ảnh: Như Hùng
Học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) trong giờ ôn thi môn tiếng Anh chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2016 - Ảnh: Như Hùng

“Trong số 650 học sinh lớp 9, chỉ một số em không đăng ký luyện thi tại trường, số còn lại chúng tôi sắp xếp để các em học ôn theo trình độ lớp dành cho học sinh giỏi, lớp dành cho học sinh khá, lớp dành cho học sinh trung bình...

Ở mỗi lớp, giáo viên đều có giáo án dạy ôn thi khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng học sinh” - ông Nguyễn Hòa Thuận, hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Q.Tân Bình, cho biết về công việc ôn luyện của trường mình như thế.

Nhiều kiểu luyện thi

“Ngay từ hè năm lớp 7 tôi đã cho con đi học thêm vào hai ngày cuối tuần tại một trung tâm bồi dưỡng văn hóa ở Q.1. Từ đó đến nay, cháu học thêm đều đặn ba môn toán, văn, tiếng Anh để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Đợt vừa rồi kết quả kiểm tra học kỳ 2 lớp 9 của cháu rất tốt nên thầy cô động viên để cháu đăng ký thi vào lớp chuyên toán Trường Lê Hồng Phong.

Ở trung tâm bồi dưỡng văn hóa thì khó hơn, cháu phải trải qua một kỳ khảo sát, đạt đủ điểm mới được học lớp luyện thi vào trường chuyên. Thế nên cháu luyện thi cả hai nơi: ở trường THCS và ở trung tâm” - bà Hồng Mai, một phụ huynh ở Q.3, cho biết.

Theo bà Mai: “Không luyện thi không thể nào đậu vào trường, lớp chuyên được”.

Thanh Tuyền, học sinh lớp 9 ở Q.1, cũng thừa nhận: “Em vừa học ôn tại trường THCS vừa học luyện thi với một cô giáo dạy văn nổi tiếng ở Q.Phú Nhuận. Năm nay em đăng ký thi vào lớp 10 chuyên văn nên phải học ở trường để được thầy cô củng cố kiến thức cơ bản, có thể làm tốt bài thi chung: văn, toán, ngoại ngữ. Thí sinh thi vào trường chuyên phải làm bài thi môn chuyên nên em phải học thêm bên ngoài để cô giáo hướng dẫn những câu hỏi khó”.

Theo ghi nhận, hầu hết các trường THCS trên địa bàn thành phố đều có mở lớp luyện thi vào lớp 10 dành cho học sinh lớp 9. Và đa số học sinh có nguyện vọng thi vào trường, lớp chuyên hoặc thi vào các trường THPT tốp đầu đều chọn hình thức luyện thi hai nơi như đã phản ánh ở trên.

Chỉ một số ít học sinh tự tin vào sức học của mình mới dám quyết định bỏ hẳn chương trình luyện thi ở trường, tập trung vào việc học ở trung tâm hoặc luyện thi tại nhà giáo viên.

Đối với những học sinh thi vào các trường THPT thuộc tốp giữa, tốp dưới thì chủ yếu chọn hình thức luyện thi ngay tại trường THCS nơi mình đang theo học để được các thầy cô hướng dẫn giải bài tập và hệ thống lại kiến thức.

Theo phụ huynh của học sinh Minh Sang, nhà ở Q.Bình Thạnh: “Học luyện thi ở trường có cái lợi là thầy cô đã dạy cháu trong suốt một năm lớp 9, biết tính tình, điểm ưu, khuyết trong học tập của cháu. Từ đó, các thầy cô sẽ quyết định cần bổ sung cái gì cho học sinh đi thi”.

Cạnh tranh quyết liệt

Một đặc điểm dễ nhận thấy ở TP.HCM là các trường THCS không ép buộc mà để cho học sinh tự nguyện đăng ký luyện thi tại trường hay bên ngoài trường tùy nhu cầu của học sinh.

“Nếu không thay đổi, không thức thời thì mở lớp nhưng không có học sinh, thầy cô không có thu nhập tăng thêm mà kết quả kỳ thi (vốn là căn cứ để phụ huynh đánh giá chất lượng giáo dục của nhà trường) cũng không đạt được như ý.

Thế nên, những năm gần đây trường chúng tôi huy động các giáo viên giỏi, nổi tiếng để đứng lớp dạy luyện thi. Tuy mức học phí của trường rẻ hơn nhiều so với các trung tâm hoặc các “cua” luyện thi tại nhà giáo viên nhưng các thầy cô cũng chăm chút từng em một” - phó hiệu trưởng một trường THCS khá nổi tiếng ở TP.HCM chia sẻ.

Cũng theo vị này: “Hiện tại, không chỉ có các trung tâm luyện thi cạnh tranh với nhau mà ngay cả các trường THCS có uy tín cũng cạnh tranh về công tác luyện thi. Bởi trường nào dạy tốt thì các em được tự do đăng ký và học. Từ năm học trước đã có tình trạng học sinh ở trường X nhưng lại xin học luyện thi ở trường Y”.

Trong khi đó, giám đốc một trung tâm bồi dưỡng văn hóa ở TP.HCM xác nhận: “Trung tâm chúng tôi không chỉ phải cạnh tranh với các trung tâm khác mà hiện đang phải cạnh tranh với cả các trường THCS để “giành” học sinh. Điểm quan trọng nhất vẫn là chất lượng giảng dạy của giáo viên.

Do đó, nhiều trung tâm cho học sinh thi thử, đạt yêu cầu mới cho học lớp luyện thi vào trường chuyên, không đạt yêu cầu thì chúng tôi vận động học sinh học luyện thi lớp thường. Chứ có luyện thi mà rớt thì mang tiếng lắm”.

Môn toán

Đề thi môn toán của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay sẽ có cấu trúc giống như năm trước nhưng có một số thay đổi. Ví dụ như câu hỏi về biểu thức sẽ không ra một biểu thức có sẵn mà thí sinh phải biết biến đổi biểu thức rồi mới giải. Đây là câu hỏi có vận dụng tư duy nhưng chỉ ở dạng đơn giản.

Chủ trương đổi mới nội dung đề thi sẽ thể hiện rõ nhất ở câu hỏi yêu cầu thí sinh phải vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các tình huống thực tiễn.

Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên Sở GD-ĐT TP thực hiện chủ trương này, để tránh sự lo lắng, hoang mang của thí sinh, sở đã công bố câu hỏi này chỉ chiếm 0,75 điểm và sẽ tập trung vào vấn đề lãi suất tiết kiệm (tính tỉ số %).

Tóm lại, đề thi sẽ có 6,5 điểm thuộc nội dung đại số; 3,5 điểm thuộc nội dung hình học với kiến thức rải đều trong chương trình THCS nhưng chủ yếu ở chương trình lớp 9.

Đa số câu hỏi thuộc dạng kiến thức cơ bản nhưng thí sinh phải tư duy, hiểu bài mới làm được (phần này chiếm từ 6,5 đến 7 điểm), những câu hỏi khó chủ yếu tập trung ở phần hình học (phần đại số dự kiến chỉ có 1 câu nhỏ), chiếm khoảng 2,5 đến 3 điểm của đề thi.

Tóm lại, các em học sinh cần nắm vững kiến thức môn học, giải bài tập một cách nhuần nhuyễn (tức là có học bài, hiểu bài, có suy nghĩ để giải quyết vấn đề chứ không phải học vẹt) thì sẽ làm tốt bài thi.

Nếu các em học sinh có học luyện thi thì về nhà phải xem lại bài và tập giải bài tập để thẩm thấu kiến thức, nếu không sẽ khó có kết quả cao.

DƯƠNG BỬU LỘC
  (chuyên viên môn toán Sở GD-ĐT TP.HCM)

Môn ngữ văn

Để làm tốt câu hỏi về đọc - hiểu, các em học sinh cần đọc nhiều những ngữ liệu thuộc thể loại tương tự như trong chương trình lớp 9.

Câu hỏi của phần đọc - hiểu có nhiều cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao, có thể yêu cầu thí sinh đánh giá đúng - sai, có câu hỏi sáng tạo (ví dụ như đặt nhan đề mới cho văn bản), rồi từ văn bản liên hệ với thực tiễn... Câu này cần trả lời gọn, rõ và đúng yêu cầu chứ không cần phải dài dòng.

Về câu hỏi nghị luận xã hội, đề thi sẽ ra những vấn đề gần gũi với đời sống tâm lý lứa tuổi của học sinh. Các em cần đọc thêm sách báo, quan tâm đến các vấn đề thời sự.

Khi làm bài thì chú ý vận dụng phối hợp các thao tác lập luận như giải thích, chứng minh, bình luận... Ở câu hỏi này, thí sinh cần mạnh dạn trình bày ý kiến, quan điểm cá nhân của mình (dĩ nhiên phải phù hợp với thuần phong mỹ tục, đạo đức, pháp luật).

Năm nay, trong phần hướng dẫn chấm thi, Sở GD-ĐT TP sẽ có thang điểm để đánh giá kỹ năng làm bài của thí sinh (kỹ năng mở bài, kết bài, kỹ năng triển khai các luận điểm...) bên cạnh nội dung bài viết.

Về phần nghị luận văn học, thí sinh cần đọc các tác phẩm có cùng chủ đề, cùng thể loại để làm tốt nghị luận văn học. Đây là câu hỏi nhằm kiểm tra khả năng cảm thụ văn bản của thí sinh. Vì vậy, yêu cầu thí sinh có khả năng đọc - hiểu tốt, cách hành văn lưu loát và có những lập luận thuyết phục.

TRẦN TIẾN THÀNH
(chuyên viên môn văn Sở GD-ĐT TP.HCM)

Môn tiếng Anh

Chủ trương ra đề thi môn tiếng Anh trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay nghiêng về khả năng sử dụng tiếng Anh của thí sinh trong thực tiễn. Đề thi vẫn có những nội dung: trắc nghiệm nhiều chọn lựa, tìm lỗi trong câu, đọc - hiểu, dạng thức từ; điền từ vào một bài đọc; viết lại câu... Năm nay có thay đổi đôi chút về dạng thức động từ, phần đọc - hiểu sẽ có thêm dạng tìm ý chính và câu hỏi suy luận.

Riêng với những học sinh học chương trình tiếng Anh thí điểm theo đề án thì vẫn thi chung đề với các học sinh khác. Vì kỳ thi tuyển sinh khác với kỳ thi tốt nghiệp: đề thi tuyển sinh là đề kiểm tra năng lực của thí sinh chứ không phải bài kiểm tra thành quả học tập (học gì thi đó) như đề tốt nghiệp.

TRẦN ĐÌNH NGUYỄN LỮ
(chuyên viên môn tiếng Anh Sở GD-ĐT TP.HCM)

HOÀNG HƯƠNG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp