Phóng to |
Mỗi trường mỗi kiểu!
Đã 6 giờ tối nhưng tại sân Trường THPT Lê Quý Đôn vẫn còn không ít học sinh (HS) ngồi trên ghế đá gạo bài. Trên tay cầm cuốn ôn tập môn lịch sử, bạn N.T học sinh lớp 12A7 Trường THPT Lê Quý Đôn ngao ngán nói: “Chương trình học đã nặng, thời gian ôn tập thi học kỳ lại quá ít, chỉ khoảng 8 ngày, trong khi đó lại phải học tăng tiết các môn thi tốt nghiệp, nên tụi em phải học ngày học đêm”. Bên cạnh N.T. còn một xấp tài liệu môn lý và hóa mà em sẽ cố đọc thêm trước khi về nhà.
Bạn NG.H., HS lớp 12 Trường THPT Trưng Vương, cũng than thở: “Mấy bữa nay thầy cô dò bài tụi em liên tục, có khi còn làm bài kiểm tra để dò bài cả lớp. Nếu trả lời hoặc làm bài không đạt thì buổi chiều phải vào trường để trả bài cho thầy cô. Mỗi tuần, ngoài thời gian học chính khóa buổi sáng chúng em còn phải học thêm 11 tiết tăng tiết buổi chiều”.
Ông Trần Thanh Huấn, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, cho biết: “Trường đã thực hiện tăng tiết từ đầu năm học để “mưa dầm thấm lâu” giúp các em nắm vững kỹ năng ngay từ đầu đồng thời bớt chương trình để các em… có thời gian ôn thi. Thực tế như vậy khiến cả thầy và trò đều cực nhưng đành phải chịu”.
Không chỉ có Trường THPT Lê Quý Đôn hay Trưng Vương thực hiện tăng tiết mà vào thời điểm này hầu hết các trường đều đồng loạt tăng tiết tất cả các môn thi tốt nghiệp vì sợ HS thi “kém chất lượng”. Trường Phổ thông cấp 2 - 3 Thủ Thiêm (quận 2) cũng đã tăng 12 tiết đối với lớp 12 và 8 tiết cho khối 9 trong một tuần. Trường THCS Minh Đức (quận 1), thời khóa biểu cũng đã tăng gấp 2 so với bình thường, tăng 8 tiết toán, 8 tiết văn, 4 tiết sinh và tăng 5 tiết Anh văn.
“Không tăng... không kịp”!
Lẽ ra theo quy định thì đến tháng 5 mới kết thúc chương trình nhưng hiện nay các trường đã cho HS kiểm tra học kỳ 2 những môn không thi tốt nghiệp và tận dụng tiết trống để tăng tiết ôn tập cho HS. Theo các trường, nếu không “gút lại” những môn không thi tốt nghiệp thì HS cũng bỏ lơ.
Cô Đ.T.X.V, giáo viên môn sinh học một trường THCS quận 1 cho biết: “Tỷ lệ đậu của HS là một trong những điều kiện để đánh giá xếp loại giáo viên và uy tín của trường nên buộc chúng tôi phải liên tục dò bài để kèm chặt các em. Năm nay, môn sinh lớp 9 chương trình ôn tập quá nặng, có không dưới 70 câu hỏi, giáo viên nhìn vào đã thấy “hoảng” huống gì học trò. Sinh là môn khoa học, phải học bài bản chứ không thể học vẹt nhưng lý thuyết môn sinh rất khó nhớ, nhiều em học rồi lại quên ngay. Thương học trò thì phải giúp các em ôn luyện, chứ nếu không thì các em không thể ôn kịp chương trình”.
Không chỉ thực hiện tăng tiết đối với tất cả HS cuối cấp, mà các trường còn tổ chức phụ đạo cho HS yếu kém. Trường THPT Mạc Đĩnh Chi đã lên kế hoạch tăng 10 tiết đối với tất cả HS và 2 tiết phụ đạo cho riêng HS yếu kém trong tuần. “So với các trường thì chúng tôi tăng 10 tiết chỉ ở mức bình thường, vì phòng học của trường hiện nay chỉ đủ cho HS học 2 ca, thời gian còn quá ít, cả thầy và trò không tránh khỏi cảnh vắt giòø chạy”, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi cho biết.
Lâu nay, mùa thi đồng nghĩa với việc tăng tiết ở các trường, tăng nhiều và không hợp lý giữa các môn học đã khiến cho HS mệt mỏi, phụ huynh lo lắng. Tăng quá nhiều tiết học khiến HS mệt mỏi và mất tính sáng tạo, chủ động trong học tập. Bộ GD-ĐT chủ trương không tăng tiết trái quy định, nhưng việc công bố môn thi vào giờ chót đã vô hình trung đẩy các trường và HS rơi vào tình cảnh “không tăng thì không kịp”. Ngoài những môn thi bắt buộc là toán và văn, còn lại môn nào trúng “tủ” thì cả thầy và trò đều vui mừng hả hê nhưng môn nào lệch tủ thì đành phải vắt chân lên cổ mà chạy. Đến bao giờ thầy và trò mới thoát khỏi cảnh tăng tiết?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận