Ảnh: HỮU KHOA - Đồ Họa: VĨ CƯỜNG
Trong dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền ký trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất ngay từ ngày 1-7 tới, mức thuế bảo vệ môi trường đối với được đưa lên tối đa so với quy định của luật.
Tăng thuế xăng dầu vì giá thấp...
Cụ thể, theo tờ trình dự thảo nghị quyết, đề xuất thuế bảo vệ môi trường với xăng được tăng từ mức 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít.
Thuế dầu diesel tăng lên 2.000 đồng/lít thay vì 1.500 đồng/lít như hiện nay. Riêng thuế đối với dầu mazut tăng mạnh nhất, từ 900 đồng/kg lên 2.000 đồng/kg.
Theo tính toán trong tờ trình, ước tính mỗi năm thu từ sắc thuế này với xăng dầu sẽ đạt trên 55.000 tỉ đồng, tăng khoảng 14.368 tỉ đồng so với hiện nay.
Cơ sở để đề xuất nêu trên, Bộ Tài chính lý giải thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được thực hiện từ năm 2012 đã nâng cao trách nhiệm và nhận thức của xã hội đối với môi trường, khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững... khi Việt Nam thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế.
Về đóng góp cho ngân sách, theo cơ quan này, trong 5 năm qua (2012-2017), tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường đạt khoảng 150.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, do bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay của đất nước, nhất thiết phải nghiên cứu điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường lên mức phù hợp.
Bởi giá bán lẻ xăng dầu ở VN cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và một số nước trong khối ASEAN và châu Á, đứng vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia, với mức 19.980 đồng/lít.
Mặt khác, Bộ Tài chính lập luận theo các nghiên cứu hàng hóa như xăng, dầu, mỡ nhờn, than đá, túi nilông... gây tác động xấu đến môi trường. Do đó, thuế đối với các mặt hàng kể trên cần phải được điều chỉnh cao hơn.
Nguồn: Bộ Tài chính - Đồ họa: V.CƯỜNG
Người dân tăng chi phí 130.000 đồng/tháng?
Về tác động đến người dân khi tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, ông Nguyễn Văn Phụng, vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính), cho biết ban soạn thảo đánh giá tiêu dùng của các hộ gia đình có giảm tương ứng theo các nhóm dân cư.
Theo đó, nhóm dân cư có thu nhập thấp sẽ phải chi thêm 22.000 đồng/tháng, còn nhóm có thu nhập cao, mức tăng chi cao nhất là khoảng 130.000 đồng/tháng khi tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
25.000 TỈ ĐỒNG
Là số thu thuế bảo vệ môi trường bình quân mỗi năm từ 2012-2017.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng tính toán trên chưa thật đầy đủ, vì giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng đến giá nhiều mặt hàng khác, tác động dây chuyền.
Theo một nguyên cán bộ Viện nghiên cứu thị trường giá cả của Bộ Tài chính, việc tăng thuế môi trường theo đề xuất trên sẽ tăng áp lực lên mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay, bởi hầu hết hàng hóa dịch vụ nào cũng phải lưu thông, chịu chi phí vận tải.
Năm nay, ngay từ đầu năm giá xăng dầu có xu hướng đi lên. Nếu từ ngày 1-7 tới mà tăng thuế xăng thêm 1.000 đồng/lít, dầu diesel thêm 500 đồng/lít... thì lạm phát cả năm bị đe dọa, khó giữ mức dưới 4%.
Tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu dù bị dư luận phản ứng dữ dội sau 2 tháng đưa ra lấy ý kiến nhưng có vẻ Bộ Tài chính vẫn kiên quyết đề xuất Chính phủ đề nghị tăng thuế để đảm bảo nguồn thu.
Theo vị cán bộ kể trên, Nhà nước không nên tập trung thu quá mức vào xăng dầu dù đây là cách làm dễ nhất. Ngành tài chính cần phải giảm thất thu, nợ đọng thuế, giảm chi lãng phí mới khiến ngân sách bớt khó khăn...
Khi tăng thuế xăng dầu, ông Nguyễn Văn Tiu, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty xăng dầu Tự Lực I, nhận định chắc chắn sẽ làm giá xăng dầu tăng ngay nếu đề xuất nêu trên của Bộ Tài chính được chấp thuận, vì thuế là một trong những yếu tố được tính trong giá.
Hơn nữa, mức thuế đề xuất tăng thêm 1.000 đồng/lít xăng là khá lớn. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng ít nhất giá xăng sẽ tăng 1.000 đồng, bằng với mức tăng thuế.
PGS.TS Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính, nhận định túi tiền của người tiêu dùng sẽ bị vơi đi. Ước tính khoảng cách giữa nhóm thu nhập cao nhất và nhóm thu nhập thấp nhất khoảng 10 lần thì với đề xuất này người nghèo sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn.
Vì người nghèo đã rất khó khăn, nay khoản tiền chi tiêu hằng ngày bị bớt thêm, đời sống của họ sẽ bị ảnh hưởng.
Người dân đổ xăng tại một cửa hàng xăng dầu ở TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA
Chưa nên tăng thuế trong năm nay
Góp ý cho dự thảo nghị quyết, trong văn bản gửi Bộ Tài chính, ông Phan Thế Ruệ, chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu, khuyến nghị chưa nên tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong năm nay để phù hợp với nền kinh tế và sức mua của người dân.
Bên cạnh đó, theo ông Ruệ, Bộ Tài chính nên có lộ trình tăng thuế này đến năm 2020.
Về thời điểm tăng thuế, theo một đại diện của Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, thực tế với việc trình của Chính phủ trong thời điểm này, khó có thể tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu như đề xuất (từ ngày 1-7 tới vì từ ngày 20-5 đến giữa tháng 6-2018, Quốc hội sẽ họp.
Trong khi đó, theo quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến trên cơ sở báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách, nên phải có thời gian thẩm tra những nội dung trong dự thảo nghị quyết nêu trên.
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường cũng chỉ có hiệu lực sau đó 45 ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận