Gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho hay hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc 11 loại ung thư như ung thư họng, hầu họng, thực quản, phổi… và cũng là nguyên nhân tiềm ẩn gây 10 bệnh mãn tính khác.
"Thuốc lá gây ra tới hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm (bao gồm cả các trường hợp do tiếp xúc với khói thuốc thụ động). Việc kiểm soát, giảm tỉ lệ hút thuốc lá là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng", bác sĩ Lâm nói.
Tại Việt Nam, mặc dù tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành đã giảm đáng kể từ 47,4% năm 2010 xuống còn 45,3% năm 2015 và 41,1% năm 2021. Tuy nhiên, WHO đánh giá mức giảm này còn khiêm tốn.
Ngoài ra, gần đây có những dấu hiệu cho thấy xu hướng tiêu thụ thuốc lá đã bắt đầu tăng trở lại kể từ năm 2022-2023. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng sản lượng thuốc lá điếu đã tăng đáng kể từ 6,4 tỉ bao (mỗi bao chứa 20 điếu thuốc) vào năm 2021 lên 6,8 tỉ bao vào năm 2022 và tiếp tục tăng thành 7,5 tỉ bao vào năm 2023.
Việt Nam hiện vẫn là một trong 15 quốc gia có tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới, và cũng là nước có mức thuế thuốc lá nằm trong nhóm 15 nước thấp nhất.
Tăng thuế là giải pháp nhanh và hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá
Trong nghiên cứu chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá trên thế giới và đề xuất đối với Việt Nam của ThS Lê Thị Thu, chuyên gia Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá tại Việt Nam và cộng sự - nêu rõ đến 2023 đã có 168 quốc gia và vùng lãnh thổ áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.
Trong đó, 70 quốc gia áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối, 64 quốc gia áp dụng phương pháp tính thuế theo tỉ lệ phần trăm, 34 quốc gia áp thuế phương pháp tính thuế hỗn hợp.
Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp và có tỉ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ chỉ bằng gần một nửa trung bình của nhóm quốc gia này (38,8%). Từ thực tế các quốc gia khác cho thấy việc tăng thuế đối với thuốc lá sẽ làm giảm tỉ lệ hút thuốc.
Bác sĩ Lâm cũng cho hay kinh nghiệm quốc tế cho thấy thuế thuốc lá là biện pháp chính để giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá nhưng tại Việt Nam lại rất thấp. Các mức tăng thuế gần đây quá nhỏ nên không gây tác động đến giảm tỉ lệ hút thuốc.
"Tại Thái Lan và Philippines, việc tăng thuế thuốc lá qua nhiều năm đã có tác động rất lớn giúp giảm tiêu dùng, tăng thu ngân sách.
Trong đó Philipiines tỉ lệ hút thuốc đã giảm từ 27% năm 2009 xuống còn 19,5% năm 2021 sau khi tăng thuế thuốc lá", bác sĩ Lâm dẫn chứng.
Nhiều người cho rằng việc tăng thuế thuốc lá sẽ có thể làm tăng tình trạng buôn lậu, hay nhiều người mất việc nếu thị trường thuốc lá sụt giảm. Nói về những quan ngại này, chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn cho rằng những lo ngại này mang tính phóng đại, thiếu cơ sở.
"Chưa có bằng chứng thực tế, không có mối liên quan giữa thuế thuốc lá cao và buôn lậu thuốc lá", ông Sơn khẳng định.
Ông dẫn chứng WHO đã phân tích số liệu từ 95 quốc gia năm 2018 cho thấy, không có mối liên quan rõ ràng giữa tình trạng buôn lậu thuốc lá và các quốc gia.
Tại các quốc gia có mức giá thấp, buôn lậu thậm chí xảy ra nhiều hơn so với những nước có mức giá và thuế cao (như ở Ethiopiia, Pakisstan, Brazil có giá trung bình thuốc lá từ 0,55 - 1,3 USD và thị phần buôn bán thuốc lá lậu ở mức 33-46%). Ngược lại nhiều quốc gia có giá cao thì thị phần buôn lậu thấp như Hàn Quốc, Czech...
TS Angela Pratt, trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng cho hay tăng thuế thuốc lá là cách nhanh và hiệu quả nhất. Để đạt được các mục tiêu về sức khỏe cũng như kinh tế của Việt Nam, mức thuế cần phải cao hơn.
Ước tính của Tổ chức Y tế thế giới từ mô hình TaXSim cho thấy việc tăng thuế theo lộ trình bổ sung mức thuế tuyệt đối ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030, bên cạnh thuế tỉ lệ trên giá bán của nhà sản xuất hiện nay, sẽ giảm tỉ lệ hút thuốc ở nam giới xuống còn 35,8%, mức mà sẽ đạt mục tiêu của chiến lược quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận