Phóng to |
Bảo quản theo phương pháp siêu làm mát - Ảnh: Harvard University |
Với kỹ thuật mới, theo bài viết trên tạp chí Nature Medicine, các nhà khoa học sử dụng phương pháp “siêu làm mát”, đưa nội tạng hiến tặng xuống dưới nhiệt độ đông nhưng không làm đông cứng các bộ phận. Cụ thể, trong nghiên cứu trên gan chuột, các nhà khoa học ngâm gan trong dung dịch chứa chất chống đông trước khi giảm nhiệt độ xuống -6oC.
Bằng cách này, gan có thể được giữ “tươi” trong 3-4 ngày trước khi đưa về nhiệt độ khoảng 4oC và tiến hành cấy ghép. Kết quả là những chú chuột được cấy gan bảo quản bằng phương pháp mới đều sống khỏe mạnh trong ba tháng sau đó, trong khi những con được ghép gan bảo quản theo cách thông thường chỉ sống được vài giờ hoặc vài ngày.
Nhà khoa học Bote Bruinsma - thuộc Trường y khoa Harvard ở Boston, đồng tác giả nghiên cứu - cho biết thời gian bốn ngày là kỷ lục bảo quản nội tạng. Các phương pháp bảo quản nội tạng người hiện tại chỉ giữ được nội tạng từ 6-12 giờ. Các cách nhằm kéo dài thời gian bảo quản như giữ nội tạng trong dung dịch giàu oxy, tương tự như máu, để giữ nội tạng “sống” hoặc làm lạnh nội tạng xuống mức thấp nhất có thể để làm chậm quá trình phân hủy đều không thực tế. Thậm chí cách làm lạnh xuống dưới độ âm có thể hình thành tinh thể băng bên trong tế bào nội tạng và phá hủy các mô cơ.
Nếu phương pháp này thành công trên người, có thể giảm bớt tình trạng thiếu nội tạng và phẫu thuật ghép tạng có thể được thực hiện xuyên quốc gia. Điều này không chỉ giúp gia tăng cơ hội tìm được nội tạng phù hợp cho bệnh nhân mà còn giúp giảm chi phí phẫu thuật. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng phương pháp trên cần được kiểm tra kỹ lưỡng và cải tiến trước khi được cân nhắc sử dụng ở người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận