Mỗi dịp Tết đến, từ trung ương đến địa phương đều ra văn bản nghiêm cấm việc tặng quà cho cấp trên. Làm thế nào để việc tặng quà Tết vẫn luôn thể hiện được sự quan tâm, tình cảm và lòng biết ơn - những giá trị văn hóa được trân trọng trong xã hội Việt Nam chứ không phải để "cảm ơn", "quà Tết" mà thật ra là hối lộ?
Tuổi Trẻ ghi nhận các ý kiến xung quanh vấn đề trên.
* Ông LÊ NHƯ TIẾN (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục):
Hồi chuông về tặng quà trá hình
Việc thăm, tặng quà nhau vào mỗi dịp lễ, Tết là nét đẹp truyền thống của người Việt Nam. Trước đây có thể đến nhà nhau chơi rồi biếu nhau những món quà giản dị như con gà, cân thịt tự nuôi, chai rượu, chút hoa quả... Đó là nét đẹp cần giữ gìn.
Nhưng điều đáng lo ngại, cần ngăn chặn, lên án là sự biến tướng từ biếu tặng quà vào dịp Tết.
Thực tế rất nhiều trường hợp tặng quà trá hình với những món quà có thể là các vali chứa nhiều xấp tiền USD, hàng tỉ đồng... đã bị phanh phui, xử lý trong các vụ án vừa qua. Vì thế chỉ thị của Ban Bí thư năm nay về vấn đề này tiếp tục như một hồi chuông, bộ lọc ngăn chặn nguy cơ biến tướng của quà Tết.
Để giải quyết vấn đề này, giải pháp đầu tiên vẫn là cần giáo dục, tuyên truyền về lòng tự trọng, tự giác của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, có trách nhiệm trong cơ quan, đơn vị.
Từ trước tới nay không phải không có quy định trong việc tặng quà, chúc Tết nhưng việc thực hiện còn chưa nghiêm. Do vậy nếu người đứng đầu nghiêm túc, gương mẫu thì các quy định sẽ được thực hiện nghiêm.
Bên cạnh đó cần các giải pháp phát huy tai mắt của người dân, các đoàn thể, cán bộ, nhân viên tại nơi cư trú, nơi làm việc để phát hiện những trường hợp cán bộ, công chức nhận quà biếu trái quy định ở nhà, cơ quan.
Với những trường hợp phát hiện hành vi nhận quà Tết trái quy định ngoài thu, sung công quỹ quà thì xem xét xử lý thật nghiêm như cho thôi chức, kỷ luật Đảng. Nếu xác định là hành vi đưa - nhận hối lộ thì xử lý hình sự nghiêm minh.
Cần nói thêm không chỉ có cán bộ cấp dưới chúc Tết, tặng quà cấp trên mà dịp Tết cũng là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp có dịp biếu xén lãnh đạo các cơ quan công vụ nhằm đạt mục đích xin xỏ.
Do đó trong quy định liên quan tặng quà Tết không nên chỉ áp dụng đối với cán bộ cấp dưới, cấp trên mà cần có quy định rõ ràng, cụ thể hơn về việc doanh nghiệp "đi Tết" lãnh đạo các cơ quan công vụ để xin xỏ nhằm có lợi cho doanh nghiệp mình.
* Ông PHẠM TRỌNG ĐẠT (nguyên cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng, tiêu cực - Thanh tra Chính phủ):
Giám sát người đứng đầu nhận quà
Vấn đề liên quan tặng quà Tết đã được nói đến nhiều năm. Thực tế có những cá nhân tặng, biếu quà không vì động cơ, mục đích nào và cũng không nhờ vả gì mà chỉ đơn giản họ muốn tặng quà cho người họ yêu quý hoặc người gặp khó khăn. Với những trường hợp này, việc tặng quà là hoàn toàn chính đáng, không thể nói trái pháp luật.
Tuy nhiên với những trường hợp lợi dụng tặng quà Tết để hối lộ, tiêu cực, tham nhũng là hành vi vi phạm pháp luật. Nhất là thời điểm hiện nay, Đảng, Nhà nước đang tập trung đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy thì phải có các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi tặng quà trái quy định.
Để phát hiện hành vi tặng quà trái quy định không dễ dàng. Bởi việc này chỉ có hai bên biết, trừ khi một bên khai ra hay tự nguyện trả, nộp lại quà tặng trái quy định thì mới phát hiện được.
Do vậy ngoài việc tuyên truyền cần tiếp tục nghiên cứu về cơ chế giám sát, nhất là người đứng đầu để xảy ra tình trạng đó chắc chắn phải xử lý cả về mặt luật pháp mới hy vọng giảm. Còn hiện nay quy định của chúng ta dù đã có nhưng chưa thực sự chưa rõ ràng.
Ở nhiều nước việc nhận quà ngoài quy định sẽ bị đưa vào tội hối lộ ngay nên quan chức rất sợ. Chúng ta cũng nên tiếp tục nghiên cứu vấn đề này.
Cùng với đó Ban Bí thư đã có chỉ thị nên người dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể có thể giám sát và chính những cán bộ, công chức cũng có thể phản ảnh nếu phát hiện được hành vi nhận quà trái quy định tại cơ quan, đơn vị mình.
Khi phát hiện được rõ ràng phải xử lý nghiêm minh.
* Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (ủy viên Ủy ban Pháp luật, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp):
Vì sao khó tố cáo, phát giác sự biến tướng?
Cần phải hiểu rằng người Việt Nam trọng tình nghĩa, vì vậy từ xưa đến nay vào mỗi dịp lễ, Tết, chúng ta hay biếu quà những người đã giúp đỡ mình với mong muốn thể hiện tình cảm, sự trân trọng, biết ơn.
Việc tặng quà với động cơ trong sáng là nét đẹp văn hóa. Tuy nhiên thực tế hiện nay người ta tặng - nhận quà rất kín đáo với nhiều hình thức khác nhau, thậm chí với một số trường hợp biến tướng, tinh vi hơn.
Việc đưa - nhận chỉ có người đưa - người nhận biết và nhiều khi có thêm người thân, người thân tín biết. Vì vậy việc tố cáo, phát giác cũng rất khó để có thể thực hiện được.
Cũng khó để phân biệt được đâu là hành động tặng quà với mục đích không trong sáng, vụ lợi. Bởi việc phát hiện tặng quà trái quy định lâu nay vẫn phụ thuộc vào tính tự giác, trung thực của chính người nhận quà là cán bộ, lãnh đạo.
Để tránh hiện tượng biến tướng quà tặng dịp lễ Tết, quan trọng nhất chính là những người được nhận quà hay chính là những người đứng đầu, lãnh đạo các đơn vị, cơ quan, tổ chức phải có ý thức tự giác, kiên quyết từ chối nhận những món quà Tết bất thường.
Chỉ khi người đứng đầu, có trách nhiệm tự chiến thắng được lòng tham trong mình thì sự biến tướng quà Tết mới có cơ hội được giải quyết.
Bên cạnh đó chỉ thị hằng năm của Ban Bí thư về việc không biếu quà Tết lãnh đạo cấp trên cũng phần nào giúp giảm gánh nặng cho cán bộ cấp dưới. Bởi mỗi dịp Tết đến xuân về, có nhiều người xem việc biếu quà giống như một nghĩa vụ, một việc phải làm nếu không thì sẽ khó thăng tiến.
Cần nói thêm hiện nay mới chỉ có cơ chế nộp lại quà tặng và xử phạt hành chính với hành vi vi phạm. Điều này chưa thực sự nghiêm khắc và chưa có tính răn đe.
Thời gian tới các cơ quan nên nghiên cứu để có các chế tài xử lý mạnh hơn các trường hợp vi phạm nghiêm trọng trong việc biếu, nhận quà Tết sai quy định. Đồng thời công khai rõ ràng sẽ góp phần ngăn chặn các hành vi biến tướng.
* Ông Nguyễn Hùng Vỹ (nhà nghiên cứu văn hóa):
Quà hối lộ hạ thấp nhân phẩm con người
Xu hướng dùng quà biếu để hưởng lợi cá nhân hoặc nhóm lợi ích bất chấp luật pháp, bất chấp quy định của thiết chế chính trị và đạo đức xã hội là một hình thức hối lộ.
Từ nhiều năm nay, Trung ương Đảng hằng năm đều ban hành chỉ thị nghiêm cấm tặng quà cho các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương.
Điều này nằm trong tổng thể sự nghiệp chống tham nhũng của Đảng và Chính phủ. Dù còn nhiều khó khăn nhưng đã từng bước hạn chế vấn nạn trên.
Tôi không kỳ vọng một sớm một chiều nhưng đây là một sự nghiệp bền bỉ, quyết liệt vì bất cứ thiết chế chính trị nào trên thế giới cũng phải tiến hành.
Một thời sự biến tướng có nguy cơ trở thành hành vi hối lộ phổ biến trong cuộc sống. Đó là một đại nạn lăn như quả bóng tuyết, càng lăn càng lớn. Nó hạ thấp nhân phẩm người Việt, hạ thấp niềm tin vào đạo đức và đặc biệt chà đạp niềm tin vào thiết chế chính trị.
Tôi hy vọng vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, đồng thời sự kiểm tra và quản lý tài sản qua trí tuệ nhân tạo sẽ bổ ích cho sự nghiệp đấu tranh này.
* Thạc sĩ NGUYỄN MINH HOÀNG:
Thay đổi nhận thức cộng đồng
Một phần nguyên nhân của tình trạng lợi dụng dịp lễ Tết để đưa và nhận hối lộ dưới hình thức tặng quà xuất phát từ tâm lý coi trọng hình thức và mong muốn tạo ấn tượng trong các mối quan hệ xã hội, đặc biệt với những người có quyền lực. Nhiều người coi việc biếu quà là cách "bôi trơn" để đạt được lợi ích cá nhân hoặc thuận lợi trong công việc.
Việc biếu tặng quà Tết cho lãnh đạo, đối tác hoặc những người có quyền lực đã trở thành một "nghi thức" không chính thức trong xã hội.
Dưới hình thức những món quà đắt tiền, các chuyến du lịch hoặc phong bì dày cộm được trao - nhận dưới nhiều hình thức kín đáo và tinh vi, nhiều cá nhân và tổ chức đã sử dụng dịp Tết để "mua chuộc", tạo ảnh hưởng hoặc xây dựng các mối quan hệ cá nhân có lợi, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho nền hành chính và xã hội.
Để hạn chế tình trạng lợi dụng việc biếu quà Tết nhằm hối lộ, cần thực hiện nghiêm chỉ thị số 40 ngày 11-12-2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025. Chỉ thị này yêu cầu nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức và không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên.
Sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong phòng chống tham nhũng đã được cụ thể hóa qua Luật Phòng chống tham nhũng 2018 và nghị định số 59/2019. Các quy định này đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt đối với việc nhận quà tặng của cán bộ, công chức.
Mọi hình thức nhận quà liên quan công việc đều bị nghiêm cấm, các trường hợp không thể từ chối phải báo cáo và xử lý theo đúng quy định. Những biện pháp này không chỉ nhằm ngăn chặn hành vi tham nhũng mà còn tăng cường sự liêm chính trong bộ máy nhà nước.
Một giải pháp dài hạn là xây dựng nền hành chính phục vụ, xóa bỏ cơ chế "xin - cho". Khi các mối quan hệ hành chính được định hình trên cơ sở minh bạch, công bằng và phục vụ người dân, không gian cho các hành vi lợi dụng để trục lợi sẽ bị thu hẹp đáng kể.
Cơ chế giám sát chặt chẽ đối với các hoạt động biếu tặng quà Tết, đặc biệt là trong các cơ quan nhà nước và tổ chức công cũng cần được xây dựng. Đồng thời việc xử phạt nghiêm minh đối với những cá nhân và tổ chức vi phạm sẽ tạo ra sức răn đe mạnh mẽ.
Cần áp dụng các biện pháp kỷ luật từ khiển trách đến cách chức hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi lợi dụng việc biếu quà Tết để đưa và nhận hối lộ.
Giáo dục cộng đồng về ý nghĩa thực sự của việc tặng quà Tết và tác hại của các hành vi biến tướng là một phần không thể thiếu.
Thay vì tập trung vào giá trị vật chất, các gia đình và tổ chức nên hướng tới việc tặng quà mang giá trị tinh thần như sách, cây cảnh hoặc các sản phẩm thủ công mang tính biểu tượng truyền thống. Điều này không chỉ giảm áp lực chi tiêu mà còn khôi phục giá trị tốt đẹp của phong tục tặng quà ngày Tết.
Tết là dịp để thể hiện tình cảm, sự tri ân và gắn kết cộng đồng. Việc giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của văn hóa tặng quà Tết là trách nhiệm không chỉ của mỗi cá nhân mà còn của toàn xã hội.
Chỉ khi nào cộng đồng cùng nhau nâng cao nhận thức và hành động, chúng ta mới có thể ngăn chặn sự biến tướng của một nét đẹp văn hóa tặng quà Tết. Từ đó đưa Tết trở lại đúng nghĩa là mùa lễ hội của tình thân và sự đoàn kết.
* Ông Đoàn Thành Lộc (nhà nghiên cứu văn hóa):
Quà Tết không có lỗi
Tặng quà Tết là để thể hiện sự ghi nhớ, trân trọng với người nhận hoặc đền ơn đáp nghĩa, ghi đậm thêm mối quan hệ giữa hai bên.
Và người ta có thể lựa chọn những món quà vật chất hoặc tinh thần để tặng. Có người cũng dùng hiện kim để trao gửi, làm quà trong dịp Tết.
Tuy nhiên việc tặng hiện kim có mặt tích cực và tiêu cực.
Mặt tốt là tương đối thuận tiện bởi nhiều khi người tặng không biết người nhận thích món quà cụ thể nào, có nhu cầu ra sao thì việc tặng tiền như cách để họ tự thân mua món quà đó.
Còn mặt xấu là việc lợi dụng những dịp lễ, Tết, sinh nhật... để kẹp tiền vào hợp thức hóa chuyện lo lót, tham nhũng...
Điều quan trọng nhất vẫn là mục đích của mỗi người. Món quà Tết nào cũng không có lỗi mà vấn đề là cách tặng, cách thể hiện và động cơ của việc tặng đó như thế nào thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận