07/08/2014 09:16 GMT+7

Tăng lương tối thiểu vùng: phải chấp nhận thỏa hiệp

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TT - Sáng 6-8, Hội đồng tiền lương quốc gia thông qua phương án tăng lương tối thiểu vùng 2015 thêm từ 300.000-400.000 đồng, tăng trung bình khoảng 15% so với lương hiện nay.

UqPis5MR.jpgPhóng to
Chị Lê Thị Thương - công nhân Công ty TNHH gốm sứ Kim Trúc, KCN Tân Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) - cho biết hiện tại với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng, chị phải trang trải đủ mọi thứ, từ tiền thuê trọ đến nuôi con ăn học, nên đến cuối tháng là không còn một đồng - Ảnh: Tiến Long
Ông Phạm Minh Huân - thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia - cho biết kèm với kiến nghị tăng lương tối thiểu vùng, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ đề nghị Thủ tướng chỉ đạo thực hiện các giải pháp ngăn chặn việc lợi dụng tăng lương để tăng giá các mặt hàng.

Tăng 15%

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2015 của Tổng liên đoàn Lao động VN (đại diện bảo vệ quyền lợi người lao động) và đề xuất của Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI - đại diện tổ chức sử dụng lao động) vẫn còn khoảng cách khá xa.

“Mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng của hai bên còn vênh nhau tới 400.000 đồng” - ông Huân nói. Nhưng trong phiên họp, mức đề xuất lương tối thiểu vùng của hai bên đã có sự xích lại gần nhau.

Theo ông Mai Đức Chính - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, cơ quan này đưa ra phương án mức tăng đối với vùng 1 là 3,4 triệu đồng, tăng khoảng 23%. Qua thương lượng và sau khi cân nhắc về chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng năng suất lao động, Tổng liên đoàn Lao động VN nhất trí đề xuất mức tăng bình quân khoảng 18,5%.

Trước đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động VN, ông Hoàng Văn Dũng - phó chủ tịch VCCI - cho rằng việc tăng lương tối thiểu vùng cần dựa vào “sức khỏe” của doanh nghiệp, của nền kinh tế. “Lúc đầu VCCI đề xuất mức tăng là 11%, nhưng qua thương lượng chúng tôi đề xuất mức tăng cao hơn - tới 15%”.

Theo ông Phạm Minh Huân, trước đề xuất của hai bên, Hội đồng tiền lương quốc gia quyết định bỏ phiếu chọn một trong hai phương án. “Kết quả, với 64,3% phiếu nhất trí, hội đồng quyết định lựa chọn phương án đề xuất của VCCI với mức tăng từ 300.000-400.000 đồng so với lương tối thiểu vùng hiện nay” - ông Huân cho hay.

Khuyến khích trả lương cao hơn

Theo ông Chính, thực tế lương tối thiểu vùng hiện nay mới chỉ đáp ứng được 75% mức sống tối thiểu của người lao động.

Với mức lương tối thiểu vùng 2015 vừa được thông qua, ông Chính nói: “Nếu bây giờ mức tăng lương thấp thì những năm tiếp theo bắt buộc phải có mức tăng lương tối thiểu vùng cao hơn, khi đó mới đạt được mục tiêu đến năm 2017 lương tối thiểu vùng bằng nhu cầu cuộc sống tối thiểu”.

Theo ông Phạm Minh Huân, lương tối thiểu vùng chỉ là mức sàn, “chúng tôi luôn khuyến khích doanh nghiệp trả lương cao hơn cho người lao động”.

Về lộ trình tăng lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu, ông Huân nói: “Đúng là mục tiêu đặt ra đến năm 2017 lương tối thiểu phải bằng mức sống tối thiểu. Như vậy, trong hai năm tới mức lương tối thiểu vùng phải tăng cao hơn.

Tuy nhiên, đó là trong điều kiện tình hình kinh tế và “sức khỏe” của doanh nghiệp khá hơn. Còn trong điều kiện khó khăn, Chính phủ cũng đồng ý cho lùi thêm một năm, tức là kinh tế khó khăn quá thì có thể việc tăng lương tối thiểu đến năm 2018 mới bằng được mức sống tối thiểu”.

* Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Mai Đức Chính:

Chắc chắn chúng tôi không hài lòng

Đứng về phía người lao động, chắc chắn chúng tôi không hài lòng với mức lương tối thiểu vùng 2015 vừa được Hội đồng tiền lương quốc gia thông qua. Nhưng Hội đồng tiền lương quốc gia cũng chỉ là là cơ quan tư vấn cho Chính phủ.

Tới đây khi Chính phủ xây dựng nghị định về lương tối thiểu vùng 2015, khi đó còn phải lấy ý kiến của doanh nghiệp, người lao động, các cơ quan chức năng và Tổng liên đoàn Lao động VN sẽ tiếp tục kiến nghị thêm để có mức lương tối thiểu vùng cao hơn.

PoWsUrMk.jpg
Ông Mai Đức Chính (trái) và ông Hoàng Văn Dũng - Ảnh: X.Long

* Phó chủ tịch VCCI Hoàng Văn Dũng:

Phải chia sẻ lẫn nhau

Phía doanh nghiệp luôn mong muốn năng suất lao động tăng lên, doanh nghiệp phát triển được để trả lương cao hơn.

Nhưng đứng trước việc điều chỉnh tăng lương, tôi rất lo lắng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, sức chịu đựng của họ rất thấp, việc tăng lương sẽ là sức ép lớn với doanh nghiệp.

Chúng ta trên cùng con thuyền, cần phải chia sẻ làm sao doanh nghiệp phát triển được thì người lao động mới có lương, đất nước mới có thuế.

* Tiến sĩ Lê Đăng Doanh:

Không có cách nào hơn

L9teutVV.jpg
Ảnh: V.Dũng
Muốn tăng lương phải dựa trên cơ sở tăng năng suất lao động. Doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại vì chi phí tiền lương tăng thêm mà sản phẩm sản xuất ra lại không tăng.

Nếu chỉ khăng khăng một yêu cầu phải tăng lương để đủ bù đắp cho lạm phát và cải thiện đời sống mà không dựa trên tình hình thực tế thì chưa hợp lý.

Mức tăng lương tối thiểu vừa được Hội đồng tiền lương quốc gia thông qua có vẻ như là một sự thỏa hiệp. T

rong tình hình hiện nay, đúng là không có cách nào hơn phải chấp nhận biện pháp thỏa hiệp như vậy, dù có thể mức tăng này chưa làm người dân hài lòng.

X.LONG - M.HƯƠNG

Mức lương được Hội đồng tiền lương quốc gia thông qua

BJNgibZR.jpg

* Ông Lương Văn Thư (tổng giám đốc Công ty may Đáp Cầu, Bắc Ninh):

Hài hòa

Mức tăng lương tối thiểu vùng lần này đảm bảo hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động. Đây cũng là động lực cưỡng bức để chủ lao động và người lao động xem xét lại năng suất lao động, tiết giảm đến cùng các loại chi phí.

Đối với người sử dụng lao động thì lần tăng lương nào cũng rất căng. Việc lương tối thiểu tăng tức là tăng sức ép cho doanh nghiệp. Chắc chắn lợi nhuận của doanh nghiệp giảm đáng kể.

Để doanh nghiệp vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh một cách bình thường và có lợi nhuận thì không còn cách nào khác là phải tìm mọi hướng tăng năng suất lao động.

* Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (giám đốc một doanh nghiệp giày da Q.Bình Tân, TP.HCM):

Doanh nghiệp vẫn khó

So với đề xuất ban đầu tăng 700.000 đồng thì con số 400.000 đồng đã giảm bớt phần nào khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng với tình hình kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay, tăng 15,1% cũng vẫn cao.

Chi phí tiền lương tăng kéo theo tăng bảo hiểm, đây là một gánh nặng lớn mà chúng tôi sẽ khó lòng xoay trở. Nếu cứ đà tăng này, doanh nghiệp sẽ gay go lắm.

* Ông Trịnh Lâm (45 tuổi, công nhân Công ty TNHH may Thảo Trang, Q.Bình Tân, TP.HCM):

Chỉ đỡ chút đỉnh

Lương hợp đồng của tôi bây giờ là 2,8 triệu, phụ cấp, tăng ca cộng lại cũng chỉ gần 4 triệu đồng. Hai vợ chồng đều làm công nhân, nuôi hai đứa con, đời sống cũng chật vật, tăng lương tối thiểu thêm 400.000 đồng thì chỉ đỡ chút đỉnh, chẳng thấm vào đâu.

Công nhân ai mà không muốn lương tăng nhiều, nhưng nếu lương tăng mà thất nghiệp nhiều thì cuối cùng khó khăn chúng tôi vẫn là người lãnh đủ.

L.THANH - M.HƯƠNG - V.THỦY ghi

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp