01/07/2024 05:45 GMT+7

Tăng lương cơ sở từ 1-7: Bệnh viện tự chủ thấp thỏm mừng, lo

Cả nước sẽ chính thức thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ hôm nay 1-7, lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (30%).

Nhiều bác sĩ băn khoăn khi lương cơ sở tăng nhưng thu nhập có thể không tăng - Ảnh minh họa: NAM TRẦN

Nhiều bác sĩ băn khoăn khi lương cơ sở tăng nhưng thu nhập có thể không tăng - Ảnh minh họa: NAM TRẦN

Nhưng ở đơn vị sự nghiệp có thu, trong đó có bệnh viện tự chủ chi thường xuyên, giá dịch vụ khám chữa bệnh chưa tăng theo, nguồn thu vẫn thế khiến bệnh viện "nửa mừng, nửa lo".

"Co kéo để tăng lương"

Đặc biệt trong số này là các bệnh viện trông chủ yếu vào khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thì tăng lương là một thách thức cho việc cân đối nguồn tài chính.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thường, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho hay việc tăng lương sẽ giúp cải thiện được cuộc sống người lao động, nhất là giá cả thị trường, chi phí cuộc sống ngày càng tăng.

Tuy nhiên, đối với bệnh viện tự chủ chi thường xuyên sẽ gặp một số khó khăn nhất định.

Ông Thường băn khoăn hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh đang tính trên mức lương cơ sở 1,8 triệu, vì vậy khi lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng và giá dịch vụ vẫn giữ nguyên sẽ khiến việc cân đối thu - chi của bệnh viện gặp khó khăn.

"Bệnh viện đang rà soát lại các chức danh, nguồn lực, chúng tôi dự kiến sẽ sử dụng quỹ bình ổn lương để đảm bảo tăng lương cho người lao động.

Khi có bảng lương chính thức, hướng dẫn cụ thể sẽ thực hiện tăng lương", ông Thường cho hay.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội) Nguyễn Đình Phúc cũng cho hay bệnh viện hiện đang chờ hướng dẫn cụ thể về bảng lương để áp dụng ngay, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Ông Phúc cũng cho rằng khó khăn chung của các đơn vị tự chủ chi thường xuyên là việc cân đối thu - chi sau khi lương cơ sở tăng. Các bệnh viện cần phải cải thiện nguồn thu, nhưng hiện nay giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ.

Trước mắt bệnh viện sẽ phải cân đối từ các nguồn quỹ để trả lương cho người lao động trong thời gian tới, chờ đợi điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Từ đó mới đảm bảo được tăng lương cho người lao động.

Bệnh nhân đến thăm khám các vấn đề về da tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM - Ảnh: X.MAI

Bệnh nhân đến thăm khám các vấn đề về da tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM - Ảnh: X.MAI

Tăng lương, nhưng lo không tăng thu nhập

Bác sĩ Hà Ngọc Cường, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, bày tỏ vui mừng khi lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng.

Hiện nay, với hệ số lương 2,67, mức thu nhập hằng tháng của bác sĩ Cường là gần 6,6 triệu đồng (bao gồm cả lương, phụ cấp), việc điều chỉnh lương đợt này phù hợp với chi phí ngày càng gia tăng hiện nay, giúp các y bác sĩ tăng thu nhập.

Tuy nhiên, bác sĩ Cường cũng bày tỏ băn khoăn đối với các bệnh viện: tăng lương liệu có tăng thu nhập cho nhân viên y tế hay không.

"Trong khi giá dịch vụ y tế không tăng nghĩa là nguồn thu của bệnh viện không tăng, như vậy lãnh đạo bệnh viện sẽ cân đối nguồn thu, khen thưởng và phúc lợi cuối năm sẽ phải giảm bớt đi.

Nếu đơn vị hưởng ngân sách nhà nước, không tự chủ chi thì lương tăng rõ rệt hơn. Vì vậy, với các bệnh viện thì việc tăng lương chưa chắc đã tăng thu nhập", ông Cường nhận định.

Bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Bệnh viện E (Hà Nội), cũng cho rằng việc tăng lương cơ sở đối với nhân viên y tế khi giá dịch vụ chưa tính đủ sẽ khiến "tăng lương nhưng thu nhập không tăng".

Ông Liên cho hay tăng lương cơ sở chung cho cán bộ công nhân viên chức được Quốc hội thông qua là tín hiệu mừng khi chỉ số tiêu dùng tăng trong thời gian qua.

"Tuy nhiên, đối với đơn vị tự chủ chi thường xuyên như bệnh viện chúng tôi thì không có nhiều thay đổi.

Kể cả sau khi điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo lương cơ sở thì thu nhập của nhân viên y tế cũng không thay đổi nhiều bởi việc tăng giá dịch vụ mới chỉ đủ đáp ứng cho trả lương cơ bản, bù đắp chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao của nhân viên.

Nhưng các bệnh viện sẽ vẫn gặp khó khăn để cân đối nguồn thu - chi, không có nguồn lực để đầu tư, nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thu hút nhân viên y tế hiện nay còn ít, nhiều bác sĩ không "trụ" được tại bệnh viện công, chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân.

Về lâu dài, cần giải quyết được yêu cầu tính đúng, tính đủ giá dịch vụ, để bệnh viện công có thêm nguồn lực đầu tư, phát triển toàn diện, đảm bảo đời sống cho người lao động", ông bày tỏ.

Đồng quan điểm với bác sĩ Liên, một bác sĩ đang công tác tại một bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM chia sẻ, nếu như lương tăng nhưng bệnh viện phải trích quỹ tiền lương để chi trả, "bóp" các nguồn chi khác thì thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế cũng sẽ bị "bóp" theo.

Đồng thời khi không có nguồn nào bù vào thưởng cuối năm, Tết, khen thưởng, phúc lợi sẽ càng ít, thậm chí là không có.

Về lâu dài cần phải điều chỉnh bảng giá khám, chữa bệnh cho phù hợp để bệnh viện tăng nguồn thu, miếng "bánh" thu nhập mới nở ra, đến cuối năm tổng mức thu nhập của bệnh viện mới tăng lên được và chăm lo đời sống cho người lao động.

Băn khoăn vì thu vẫn thế, tiền đâu để tăng?

Theo lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, hiện một tỉ lệ lớn bệnh viện cả nước thực hiện cơ chế tự chủ chi thường xuyên, tức sử dụng nguồn thu để chi lương, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật, chi hoạt động chuyên môn (quản lý, bảo trì bảo dưỡng...), chi thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Lương cơ sở tăng nhưng nguồn thu vẫn thế, "miếng bánh" vẫn thế nên phải co kéo để chia.

Do đó theo vị này, nếu lương tăng thì các khoản phụ cấp, thưởng có thể sẽ giảm đi, nếu không sẽ thủng quỹ. "Viện phí hiện mới tính ở 2/4 yếu tố đầu vào, còn chi phí quản lý và khấu hao thiết bị chưa tính.

Chi phí cho bảo vệ, kế toán, thu ngân, công nghệ thông tin, ngay cả ban lãnh đạo cũng chưa có trong cơ cấu viện phí.

Chúng tôi mong sớm được tính viện phí theo hướng tính đúng tính đủ, bảo hiểm y tế nhiều mệnh giá và nhiều mức chi trả. Còn với mức thu hiện nay, tăng lương nhưng khối y tế thì thu nhập sẽ không tăng ở mức tăng lương tương ứng" - vị này chia sẻ.

Cần tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh

Tại TP.HCM các bệnh viện tự chủ chi thường xuyên, nhất là các bệnh viện có nguồn thu chính từ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, cho biết gặp không ít khó khăn khi mức lương cơ sở tăng nhưng giá dịch vụ khám chữa bệnh lại vẫn giữ nguyên.

Một lãnh đạo bệnh viện tuyến quận tại TP.HCM nhận định tăng lương cơ sở là điều đáng mừng với người lao động, phù hợp với giá cả thị trường hiện nay.

Với bệnh viện quận nguồn thu từ bảo hiểm y tế là chính, hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa tăng nhưng lương cơ sở tăng dẫn đến bệnh viện chưa tìm được nguồn bù vào.

Trước mắt bệnh viện rà soát tất cả danh sách các cán bộ, công chức, viên chức, dự kiến sử dụng quỹ cải cách tiền lương chi trả lương trước cho nhân viên y tế theo đúng quy định.

Mặc dù bệnh viện có quy mô nhỏ nhưng mỗi tháng đã phải chi trả thêm cho người lao động khoảng 600 triệu đồng.

"Bệnh viện tự chủ, lương cơ sở tăng, nhưng miếng "bánh" vẫn vậy.

Khi trích lập quỹ cải cách tiền lương thì các khoản khác sẽ thu nhỏ lại, như vậy việc tăng lương sẽ không có cải thiện đáng kể với đơn vị tự chủ, trừ trường hợp có ngân sách nhiều sẽ cải thiện.

Về lâu dài cần phải điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho phù hợp, tính đúng, tính đủ để tạo động lực phát triển cho bệnh viện", vị này cho hay.

Tăng lương cơ sở 30% từ 1-7, những chế độ nào tăng theo?Tăng lương cơ sở 30% từ 1-7, những chế độ nào tăng theo?

Từ 1-7, dự kiến tăng lương cơ sở 30%, nhiều chế độ cũng được tăng lên như trợ cấp thất nghiệp, thai sản, mai táng…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp