Sự lạc quan cao nhất khu vực của người VN, khi 96% người tự nhận mình ở tầng lớp trung lưu theo kết quả khảo sát về "Tầng lớp trung lưu không giới hạn" do Viện nghiên cứu về Đời sống và Con người khu vực ASEAN Hakuhodo (HILL ASEAN) thực hiện vừa được công bố đã gây nên nhiều tranh cãi.
Nếu chỉ dựa vào nguồn thu nhập để xác định tầng lớp trung lưu liệu có đủ?
Khái niệm tầng lớp trung lưu được hiểu rất rộng
Trong bài trình bày của mình, ông Yusuke Yosoda, giám đốc phụ trách kế hoạch chiến lược của HILL ASEAN cho rằng tái định nghĩa về tầng lớp trung lưu là điều cần thiết cho mô hình “lối sống ước mơ” với quan điểm mới của tầng lớp trung lưu khu vực ASEAN.
Trước đây khái niệm trung lưu thường được xác định bằng thu nhập, nhưng nghiên cứu cho thấy một phân khúc lớn những người tự xác định mình thuộc tầng lớp trung lưu bất kể thu nhập thực tế của họ là bao nhiêu.
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, giám đốc phát triển kinh doanh công ty Kantar World Panel, thông thường các công ty nghiên cứu thị trường sẽ có những tiêu chí riêng đánh giá tầng lớp trung lưu, ngoài yếu tố thu nhập, một số công ty còn đánh giá dựa trên nhà cửa, đồ dùng gia đình, thói quen sinh hoạt…
Tất cả nhằm mục đích đánh giá sức mua, khả năng chi trả của người tiêu dùng tiềm năng. Nhưng điều quan trọng nhất sau những tiêu chí này là suy nghĩ của họ về cuộc sống của mình.
Với người này có thể đảm bảo một cuộc sống cho con ăn học, cơm ngày ba bữa đầy đủ được xem là trung lưu nhưng với người khác, phải có nhà lầu, xe hơi, đi du lịch nước ngoài mới được xem là trung lưu.
Ý thức của người trả lời
Cái ý thức (mindset) của người trả lời trong các khảo sát rất quan trọng.
“Có một điểm cũng cần lưu ý là người VN tính sĩ diện cũng khá cao. Họ không thích bị nhìn nhận là người cực khổ cho dù nếu khai thu nhập, thì ai cũng đưa ra con số khá thấp so với thực tế” - ông Hoàng cho biết.
Thông thường ở VN, tầng lớp được xem là trung lưu nếu một hộ gia đình có thu nhập 20 triệu đồng/tháng trở lên, nếu trên 40 triệu đồng/tháng thì được xem là thu nhập cao.
Người VN vốn linh hoạt, xoay sở cuộc sống nên mức thu nhập bình quân này được xem là cao, đặc biết khi GDP của VN năm 2015 cũng chỉ khoảng 45 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, được xem như là thế hệ tiêu dùng trẻ, chị Bùi Huyền My, 33 tuổi, Công ty Gumi Việt Nam, TP.HCM, có một bé trai, cho biết thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng chị đủ để chi tiêu dư dả nhưng lại chưa có nhiều để tiết kiệm.
“Quan điểm tiêu dùng của tôi là chia làm hai: nếu chi tiêu cho con cái có mắc một chút miễn là đồ tốt thì không nề hà gì. Còn cho bản thân và gia đình thì dành hẳn riêng một khoản cố định hàng tháng để chi tiêu.
Phân định rạch ròi vậy nên tôi không nghĩ mình quá cực khổ để gọi là cuộc sống hạ lưu nhưng cũng không hẳn sướng như cuộc sống trung lưu, chúng cứ lấp lửng chứ chưa xác định hẳn ở tầng lớp nào” - chị My chia sẻ.
Theo chị My, nói như vậy để thấy, kết quả khảo sát gần đây về con số 96% cho thấy bản thân người tham gia khảo sát cũng hẳn sẽ rơi vào trường hợp như của chị, ít người VN nào dám nhận mình là hạ lưu.
“Quan điểm cuộc sống của tôi cũng khá rõ ràng, thích cái gì thì phải làm và mua cho bằng được chứ không để mình thèm thuồng, nên tôi cũng ủng hộ các hình thức trả góp, hay tiêu dùng ứng trước”, chị My nhấn mạnh.
Nhóm khảo sát của HILL ASEAN cũng cho rằng những người tham gia khảo sát ở VN tự xem mình thuộc tầng lớp trung lưu chia sẻ họ thường tìm ra cách sống và cách kiếm thu nhập để sống theo lối sống mơ ước mà không bị ràng buộc bởi mức thu nhập hiện có.
Phần lớn trong số họ tìm cách cân bằng giữa thu nhập và chi tiêu, chủ yếu bằng các nguồn thu nhập từ thứ hai trở đi ngoài công việc toàn thời gian đang làm. Họ muốn đầu tư nhiều hơn và chấp nhận rủi ro.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận