Phóng to |
Trường ĐH Sài Gòn dự kiến tăng thêm đến 530 chỉ tiêu cho khối ngành kinh tế. Trong ảnh: học sinh tìm hiểu thông tin trường này trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2011 tại Cần Thơ - Ảnh: H.T.V. |
Theo đề xuất của các trường ĐH, CĐ, trong kỳ tuyển sinh năm nay rất nhiều trường tiếp tục đề nghị Bộ GD-ĐT cho tăng chỉ tiêu so với năm 2010. Nhiều trường ĐH vừa được nâng cấp (từ CĐ), thành lập mới cũng đề xuất xin tăng thêm chỉ tiêu 7-10% so với năm học trước. Việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh đồng nghĩa với việc thí sinh sẽ có thêm cơ hội học ĐH, CĐ.
Đua nhau tăng kinh tế
Trong số các trường ĐH, CĐ tại TP.HCM, ĐH Công nghiệp là trường có chỉ tiêu dự kiến tăng nhiều nhất với 2.000 chỉ tiêu (trường có năm chuyên ngành về kinh tế ở cả hai bậc ĐH, CĐ). Trường ĐH Sài Gòn dự kiến thêm 1.550 chỉ tiêu (trong đó chỉ tính riêng các chuyên ngành về kinh tế ở bậc ĐH tăng thêm 530 chỉ tiêu và tăng 250 chỉ tiêu bậc CĐ). Trường ĐH Tài chính - marketing tăng 1.200 chỉ tiêu (bậc ĐH tăng 1.000 chỉ tiêu, bậc CĐ tăng 200 chỉ tiêu). Trường ĐH Kinh tế tăng 500 chỉ tiêu, Trường ĐH Ngân hàng tăng 440 chỉ tiêu, Trường ĐH Mở tăng 200 chỉ tiêu (có đến sáu chuyên ngành về kinh tế)... ĐHQG TP.HCM có sáu trường thành viên đề xuất tăng chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2011, trong đó tăng chỉ tiêu nhiều nhất là Trường ĐH Kinh tế - luật với 110 chỉ tiêu...
Trong khi đó, các trường ĐH vùng khác như ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Thái Nguyên, ĐH Cần Thơ, ĐH Tây nguyên cũng đồng loạt tăng chỉ tiêu với mức tăng 5-10%, trong đó nhóm ngành kinh tế chiếm đến hơn 70%. ĐH Huế dự kiến tuyển trên 11.000 chỉ tiêu, tăng khoảng 1.260 chỉ tiêu so với năm 2010. Các trường thành viên có mức tăng từ 70-300 chỉ tiêu. Trong số các trường, ngành của ĐH Huế có chỉ tiêu tăng, nhóm ngành kinh tế vẫn chiếm số lượng nhiều nhất. Riêng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Huế) tuyển 1.470, tăng 240 chỉ tiêu. ĐH Đà Nẵng dự kiến tăng 1.100 chỉ tiêu trong mùa tuyển sinh năm 2011. Trong đó, Trường ĐH Kinh tế dự kiến tuyển 2.250 chỉ tiêu (tăng 410 chỉ tiêu so với năm 2010) là trường có chỉ tiêu dự kiến tăng thêm nhiều nhất trong các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng. Năm nay Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) dự kiến mở thêm chuyên ngành mới là luật kinh tế với 60 chỉ tiêu.
Trong tổng số hơn 480 cơ sở đào tạo ĐH, CĐ cả nước, có đến hơn 360 trường có đào tạo nhóm ngành kinh tế (quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính - ngân hàng...) Bên cạnh đó, hàng loạt trường ĐH, CĐ ngoài công lập đều dự kiến tăng hàng ngàn chỉ tiêu tuyển sinh trong năm nay, và nhóm ngành kinh tế vẫn luôn chiếm tỉ lệ nhiều nhất trong các ngành đào tạo ở các trường này.
Các trường thực tế hơn?
Trong khi các trường ĐH, CĐ và TCCN đua nhau mở ngành kinh tế thì những ngành thuộc khối nông - lâm - ngư, cơ khí và một số ngành khoa học xã hội... là những ngành thuộc dạng khó tuyển trong mấy mùa tuyển sinh gần đây nhưng dường như rất ít trường quan tâm đầu tư để thu hút thí sinh. Thậm chí không ít trường năm nay chấp nhận dứt bỏ những ngành khó tuyển và hạn chế thấp nhất những ngành ít thu hút thí sinh, chuyển toàn bộ số chỉ tiêu của những ngành này tập trung cho các ngành đang được thí sinh ưa chuộng.
Từ năm 2011, Trường ĐH Văn Hiến TP.HCM sẽ ngưng tuyển hai ngành: văn hóa học và VN học. Theo ông Nguyễn Quốc Hợp, trưởng phòng đào tạo nhà trường, sở dĩ trường không tuyển sinh hai ngành học trên vì liên tục ba năm nay chỉ có chưa tới 20 thí sinh đăng ký học. Năm nay, trong số các trường thành viên ĐH Đà Nẵng chỉ có Trường ĐH Sư phạm đề xuất giảm chỉ tiêu (50 chỉ tiêu), và nhà trường sẽ ngừng tuyển sinh ngành sư phạm giáo dục đặc biệt (chuyên ngành giáo dục hòa nhập bậc tiểu học) và sư phạm giáo dục thể chất - giáo dục quốc phòng. Trường ĐH Ngoại ngữ giảm 60 chỉ tiêu của ngành cử nhân tiếng Trung. Trường ĐH An Giang sẽ không tuyển các ngành: sư phạm kỹ thuật công nghiệp, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp.
Trong mùa tuyển sinh năm 2010, một số trường ĐH ngoài công lập cũng đã chuyển chỉ tiêu còn thừa của những ngành khó tuyển (công nghệ thông tin, công nghệ sau thu hoạch, xây dựng cầu đường, kỹ thuật nhiệt lạnh, văn hóa học, VN học...) sang các ngành về kinh tế, tài chính... Kết quả tuyển sinh năm 2010, nhóm ngành kinh tế đã chiếm tới trên 27% trong tổng số thí sinh trúng tuyển vào các trường. Trong khi số sinh viên đăng ký theo học nhóm ngành khoa học cơ bản hiện nay chưa đến 3%. Điều này là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự mất cân đối trong tuyển sinh, làm chênh lệch về ngành nghề đào tạo lẫn nguồn nhân lực cho xã hội trong tương lai.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 121/2007/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020, các ngành, nghề ưu tiên: một số ngành trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn; công nghệ thông tin; công nghệ cơ điện tử và tự động hóa; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới; một số ngành, nghề kỹ thuật và công nghệ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa; đào tạo giáo viên và chuyên gia trình độ cao trong lĩnh vực dịch vụ. Điều chỉnh cơ cấu số lượng sinh viên được đào tạo theo nhóm các ngành, nghề để đến năm 2020 đạt tỉ lệ như sau: khoa học cơ bản 9%, sư phạm 12%, công nghệ - kỹ thuật 35%, nông - lâm - ngư 9%, y tế 6%, kinh tế - luật 20% và các ngành khác 9%. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận