Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Ngọ Duy Hiểu
Người lao động cần được nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, con cái, hưởng thụ các giá trị văn hóa, thể dục thể thao, hầu hết lao động trẻ họ còn cần thời gian để tìm bạn đời
Ông NGỌ DUY HIỂU
Ngày 29-5, Chính phủ trình Quốc hội dự án Bộ luật lao động (sửa đổi) với nhiều quy định mới, trong đó có hai nội dung ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động, đó là tăng tuổi nghỉ hưu và tăng thời .
Theo đó, Chính phủ đề nghị mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.
Đối với giờ làm thêm, người sử dụng lao động sẽ phải trả lương cao hơn và đãi ngộ hợp lý cho người lao động (tiền lương làm thêm giờ phải cao hơn tiền lương giờ làm việc tiêu chuẩn, ít nhất bằng 150% nếu làm thêm giờ vào ngày thường, 200% nếu làm việc vào ngày nghỉ hằng tuần và 300% nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, tết).
Phải trả tiền công lũy tiến
"Từ góc độ công đoàn, chúng tôi đồng ý nới khung giờ làm thêm lên 400 giờ, nhưng như tôi đã nói là chúng tôi đồng ý trong tâm trạng buồn, nghẹn ngào.
Có một thực tế là thu nhập của người lao động chúng ta rất thấp, hiện nay luật quy định làm thêm tối đa 300 giờ/năm nhưng có những nơi huy động lên 500 - 600 giờ/năm. Người lao động phải bán sức thêm giờ để đảm bảo cuộc sống gia đình của họ" - ông Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại tổ đại biểu Quốc hội Hà Nội.
Theo ông Hiểu, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, đề nghị luật quy định tiền công làm thêm giờ phải tăng lũy tiến.
"Ví dụ một ngày làm thêm 4 giờ thì 2 giờ đầu một mức, 1 giờ tiếp theo phải tăng lên và giờ cuối cùng phải tăng cao nhất. Bởi người lao động làm thêm đến giờ thứ 4 thì họ phải bỏ sức lực rất lớn, chi phí tái tạo sức lao động cũng lớn và nguy cơ bị tai nạn lao động cũng cao hơn. Trả lương lũy tiến cũng ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp lạm dụng lao động" - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ.
Tại tổ đại biểu Quốc hội Đồng Nai, chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, bà Nguyễn Thị Như Ý nói: phần lớn người lao động không muốn phải đi làm thêm, nhưng vì điều kiện khó khăn nên phải chấp nhận.
Thực tế hiện nay khi chưa luật hóa thì nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày, sản xuất chế biến gỗ... người lao động cũng đã làm việc lên tới 500 - 600 giờ, gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, gia đình.
Đồng ý khung giờ làm thêm tối đa là 400 giờ/năm theo đề nghị của Chính phủ, bà Ý nói thêm: "Việc để người lao động và doanh nghiệp tự thỏa thuận là rất mong manh bởi người lao động ít có khả năng đàm phán, do vậy thường nhận phần thua thiệt.
Luật cần quy định rõ mức lũy tiến, giờ làm thêm đầu tiên thì trả gấp đôi so với bình thường và qua giờ thứ hai, thứ ba trở đi thì theo bậc lũy tiến cao hơn".
"Làm thêm giờ chỉ tập trung một số ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, có tính thời vụ. Có nghĩa là Chính phủ cần phải có danh mục và chỉ những ngành nghề đó được làm thêm để quản lý chặt chẽ hơn. Việc tính tiền lương với làm thêm giờ theo bậc lũy tiến thì hai bên phải thương lượng để thực hiện cho phù hợp" - Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi bày tỏ.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung
Ai muốn tăng tuổi hưu?
Đại biểu Nguyễn Đức Sáu (TP.HCM) cho rằng hiện ngoài một nhóm lao động công chức, viên chức có ý kiến tăng tuổi hưu thì đa số muốn giữ nguyên độ tuổi lao động.
Mặt khác, hiện mỗi năm lực lượng sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ra trường rất đông, trong khi lượng công việc bố trí đáp ứng không đủ. Nếu tăng tuổi hưu, tình trạng thất nghiệp của người trẻ có nguy cơ nhiều hơn.
Đại biểu Nguyễn Phi Long (Bình Định) cho rằng hiện nay có rất nhiều tiêu cực từ đời sống xã hội nảy sinh như thanh niên thất nghiệp, phạm pháp.
Hơn thành phần nào hết, thanh niên ở độ tuổi lao động cần có việc làm để có thu nhập, ổn định cuộc sống. Một khi Bộ luật lao động (sửa đổi) có hiệu lực trong đó có quy định tăng tuổi hưu thì chắc chắn sẽ có tác động tới tầng lớp này.
"Tôi không nói rằng chúng ta tăng tuổi hưu, tăng giờ làm thêm thì sẽ lấy đi cơ hội việc làm của người trẻ nhưng chắc chắn sẽ có tác động, thậm chí là rất lớn. Chúng ta mới chỉ xét ở yếu tố kinh tế mà chưa đề cập đến vấn đề xã hội. Tôi đề nghị Chính phủ phải có đánh giá hết góc độ này" - ông Long nêu.
Theo ông Bùi Sĩ Lợi, tăng tuổi hưu là xu hướng chung của thế giới, nhiều nước đã áp dụng. Trong khi thực tế nước ta có tỉ lệ lớn người lao động khi nghỉ hưu vẫn tham gia thị trường lao động, lý do là với mức lương hưu bình quân rất thấp chỉ trên 3 triệu, nên phải tiếp tục lao động để tăng thu nhập.
Kéo dài thêm thời gian làm việc cũng sẽ kéo dài thêm thời gian tích lũy quỹ hưu trí, để khi người lao động về hưu sẽ có tiền lương hưu cao hơn.
"Ngoài ra, theo các tính toán thì đến năm 2039 nguồn nhân lực của Việt Nam bắt đầu đến giai đoạn già hóa và đến năm 2049 có thể sẽ giống như tình trạng dân số già của Nhật Bản hiện nay, 1 người gánh 3 người, nên chính sách tuổi hưu cần phải đi trước đón đầu để tiếp cận quá trình già hóa dân số" - ông Lợi phân tích.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) đồng tình tăng tuổi hưu có lộ trình, tuy nhiên bà cũng băn khoăn và không đồng ý với báo cáo thuyết minh về dự án Bộ luật lao động (sửa đổi), trong đó có lý do là tăng tuổi hưu để tránh vỡ quỹ bảo hiểm xã hội.
Theo bà Phong Lan, nếu với cách quản lý như hiện nay thì có tăng tuổi hưu cũng có thể vỡ quỹ bảo hiểm xã hội.
"Tôi chưa thấy được những quyết tâm đột phá của ngành bảo hiểm thay đổi để quản lý hiệu quả hơn. Nếu lấy lý do này để tăng tuổi nghỉ hưu, sau đó tăng rồi quỹ bảo hiểm vẫn bị vỡ thì khó nói với người dân lắm" - bà Lan bình luận.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đã phân tích từng hoàn cảnh cụ thể và khẳng định việc tăng tuổi hưu là không thể trì hoãn nhằm chuẩn bị cho tương lai.
Việc tăng này cũng không đường đột, không ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của người trẻ, tăng có chọn lọc theo nhóm ngành nghề và cũng không có chuyện quan chức cán bộ muốn "giữ ghế" mà đề xuất tăng tuổi hưu.
Ông Dung cũng khẳng định sẽ xây dựng danh mục ngành nghề được nghỉ hưu sớm, trong đó tập trung là các ngành lao động hầm lò, nặng nhọc, độc hại, giáo viên mầm non... Trong đó dự kiến riêng lĩnh vực khai thác than đã có danh mục 24 ngành nghề giảm tuổi hưu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận