12/06/2019 19:20 GMT+7

Tăng giờ làm thêm là đi ngược sự tiến bộ của xã hội?

NGỌC AN - LÊ KIÊN
NGỌC AN - LÊ KIÊN

TTO - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng tăng số giờ làm thêm cần theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện thu nhập, thay vì để vắt kiệt sức lao động, ảnh hưởng sức khoẻ và chất lượng sống của người lao động.

Tăng giờ làm thêm là đi ngược sự tiến bộ của xã hội? - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM): Người lao động hiện nay có nhu cầu làm thêm giờ là do thu nhập của họ quá thấp - Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 12-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Bộ luật lao động sửa đổi. Phát biểu đầu tiên, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đề nghị cân nhắc việc tăng số giờ làm thêm (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm - PV) vì đây là vấn đề có tính hai mặt, cần đảm bảo hài hoà lợi ích người sử dụng lao động và người lao động.

Tăng giờ làm đi ngược lại sự tiến bộ, quyền con người?

"Việc làm thêm giờ cần xuất phát từ nhu cầu gì?", bà Quyết Tâm đặt câu hỏi khi cho rằng nếu chỉ là tạo thuận lợi cho người lao động tăng thêm thu nhập, cho người sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất, thì "có vẻ như đang đi ngược lại sự tiến bộ của xã hội".

Theo đại biểu TP.HCM, người lao động hiện nay có nhu cầu làm thêm giờ thay vì các nhu cầu khác như con cái, gia đình và nghỉ ngơi, giải trí là do thu nhập của họ quá thấp, không đủ trang trải, cuộc sống eo hẹp và thiếu thốn.

"Công nhân có nhu cầu làm thêm, nhưng làm quần quật mười mấy tiếng mà không nghỉ ngơi thì không phù hợp. Nhu cầu làm thêm ở đây là bức thiết chứ không phải tự thân, tự giác", bà Quyết Tâm đề nghị sửa đổi chính sách theo hướng người công nhân làm thêm ít hơn nhưng tiền lương, thu nhập phải cao hơn, đồng thời phải được nghỉ ngơi, có thời gian cho gia đình.

"Có nhiều công nhân hàng chục năm không về thăm con cái được, có gì xót xa hơn khi cha mẹ không trực tiếp nuôi con mà phải đưa về cho ông bà nuôi, cắt đứt đi tình cảm trong chừng mực nhất định".

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) tranh luận lại: Nhu cầu làm thêm đã được quy định trong luật và không bắt buộc với người lao động.

"Con người sinh ra là bình đẳng, ai cũng có nhu cầu hạnh phúc, dù hạnh phúc không phải bằng tiền nhưng tiền lại rất quan trọng để mang lại hạnh phúc. Do đó, người lao động nào cũng có quyền làm thêm giờ, có thêm tiền tăng thu nhập cho gia đình", đại biểu Hà Nội nói.

Tuy vậy, ông Tuấn cho rằng cần quy định rõ ràng với một số nghề tiềm ẩn nguy hiểm như lái xe đường dài, xe bus, máy bay… thì không tăng số giờ làm thêm, thậm chí phải bắt buộc nghỉ ngơi.

Tăng giờ làm thêm là đi ngược sự tiến bộ của xã hội? - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội): Có những người không muốn làm thêm giờ nhưng phải làm - Ảnh: Quochoi.vn

Ông Tuấn cũng dẫn ra tình trạng có những người không muốn làm thêm giờ nhưng phải làm, điển hình là 400.000 cán bộ y tế: Trung bình mỗi cán bộ y tế trong 1 tháng làm thêm đến 16 giờ, 1 năm làm thêm 1.000 giờ. Nếu là đơn vị tư nhân thì còn nhiều hơn, 1.500-2.000 giờ.

"Nguyên nhân là do tiền trực quá thấp, chỉ 115.000 đồng ở đơn vị y tế cấp 1, 95.000 đồng ở đơn vị y tế cấp 2, không đủ tái tạo sức lao động, nên nhân viên y tế ngày đêm khám chữa bệnh song rất mệt mỏi, thiếu thốn vì tiền phụ cấp quá ít", ông Nguyễn Quang Tuấn - giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội - nói.

Đại biểu Trương Phi Hùng (Long An) đồng ý tăng giờ làm thêm tối đa nhưng đề nghị quy định việc trả tiền công lũy tiến: 2 giờ đầu là 150%, 1 giờ tiếp theo 250% và 1 giờ tiếp theo là 30% để hạn chế người sử dụng lao động bắt ép người lao động làm thêm. Với ngày nghỉ lễ tết, tiền công làm thêm cần tăng ít nhất 300-400% tiền lương.

Xem xét tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp từng đối tượng

Về tăng tuổi nghỉ hưu, ông Hùng cho rằng cần cân nhắc các đối tượng công nhân, lao động đặc thù, nặng nhọc, có lộ trình tăng tránh gây sốc cho người lao động. Với nhóm lao động ngoài nhà nước, ông Hùng cho rằng nên giữ như hiện hành.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang) thì nhận định việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu như dự thảo là phù hợp và cần thiết. Bởi tuổi nghỉ hưu hiện tại đã được quy định cách đây 60 năm, đến nay tuổi thọ và sức khoẻ người Việt đã được nâng cao, việc tăng nghỉ hưu là chín muồi.

"Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tăng thêm bảo hiểm và lương hưu cho người lao động, tăng thêm cơ hội trong đào tạo, bổ nhiệm, bồi dưỡng và công tác cán bộ cho cán bộ nữ. Thực tế thời gian qua, phụ nữ chịu thiệt thòi trên con đường thăng tiến do giới hạn độ tuổi", bà Hà nói.

Đại biểu phản đối, Chính phủ rút "ngày nghỉ 27-7"

Đại biểu Cần Thị Mẫn (Thanh Hoá) đồng ý lấy ngày 27-7 làm ngày nghỉ lễ, vừa giúp người lao động có thêm một ngày nghỉ, vừa giáo dục đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn, bao quát được các đối tượng người có công. Bà Mẫn đề nghị gọi là Ngày tri ân.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) tranh luận: Ngày 27-7 là ngày đặc biệt, gắn với các cuộc chiến tranh, là ngày tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công, đã được thực hiện thường xuyên trong nhiều năm. Lấy làm ngày nghỉ có thể "động chạm cảm xúc và sự trắc ẩn của rất nhiều người", tác động đến tư tưởng, tình cảm của người dân và khối đại đoàn kết dân tộc.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng cho rằng lấy ngày 27-7 làm Ngày tri ân "nghe thì hay nhưng thực hiện sẽ không ổn": "Mấy chục năm qua, ngày này có ý nghĩa tri ân thương binh, liệt sĩ, người có công. Nay mở rộng ra tri ân với nhiều đối tượng khác thì ý nghĩa lịch sử của ngày này sẽ nhạt nhòa, thậm chí có thể bị lợi dụng để thực hiện sai đối tượng, chệch ý nghĩa đang có".

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) đồng tình: "Ngày 27-7 là ngày thiêng liêng, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ, phải làm những việc ý nghĩa, xứng đáng, chứ không thể là ngày nghỉ để vui chơi, thư giãn, nô đùa".

Đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhiều người là anh hùng, liệt sĩ, nhưng có nhiều mất mát, đau thương của cả những người thuộc chiến tuyến bên kia. Với tinh thần đại đoàn kết, hoà giải dân tộc, không nên khơi gợi lại đau thương. Nếu cần thêm ngày nghỉ thì lấy ngày 1-6, để dành tất cả những gì tốt đẹp cho trẻ em.

Đại biểu Vũ Trọng Kim

Sau khi có nhiều ý kiến đại biểu liên quan đến đề xuất nghỉ lễ ngày 27-7, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đứng lên giải trình: "Mặc dù dự thảo nêu rõ ý nghĩa và tính nhân văn, nhưng qua ý kiến của các đại biểu, Chính phủ chính thức xin rút nội dung này".

Tăng giờ làm thêm: Cần nhìn ở góc độ chất lượng cuộc sống

TTO - Quốc hội đang bàn về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động. Tăng giờ làm thêm (từ 200-300 giờ hiện nay lên 400 giờ/năm) đã hợp lý chưa là một trong những nội dung đang có nhiều ý kiến trái chiều.

NGỌC AN - LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp