23/03/2022 17:36 GMT+7

Tăng giờ làm thêm của người lao động: Không quá 60 giờ/tháng

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Theo nghị quyết mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, số giờ làm thêm của người lao động trong 1 tháng được nâng lên trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ.

Tăng giờ làm thêm của người lao động: Không quá 60 giờ/tháng - Ảnh 1.

Công nhân Công ty gạch Catalan (Yên Phong, Bắc Ninh) làm việc trong nhà máy - Ảnh: HÀ QUÂN

Chiều 23-3, với 100% thành viên tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động. Nghị quyết có hiệu lực bắt đầu từ 1-4-2022; quy định về thời giờ làm thêm trong 1 năm có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. 

Theo nghị quyết, về số giờ làm thêm trong 1 năm, trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm.

Trừ các trường hợp: Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; Người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi...

Về số giờ làm thêm trong 1 tháng, trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

Tăng giờ làm thêm của người lao động: Không quá 60 giờ/tháng - Ảnh 2.

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 23-3 - Ảnh: Q.H.

Trước đó, báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, về mức trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng, quá trình tiếp thu, chỉnh lý, có 2 loại ý kiến.

Một là việc nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng lên mức không quá 72 giờ là quá cao mà cơ quan soạn thảo chưa đưa ra căn cứ thuyết phục. Đề nghị chỉ nên nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 60 giờ, tương ứng với việc được áp dụng thời gian làm thêm tối đa trong 1 năm từ 200 giờ lên không quá 300 giờ (150%).

Hai là đồng tình nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ như tờ trình của Chính phủ và cho rằng đây là mức hợp lý trong bối cảnh hiện nay.

Thường trực Ủy ban Xã hội đã xin ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hai phương án. Kết quả 13/18 thành viên tán thành phương án 1 và 5/18 thành viên tán thành phương án 2.

Trên cơ sở đó, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị thể hiện điều này trong nghị quyết: Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

'Nới' giới hạn giờ làm thêm của người lao động lên tối đa 72 giờ/tháng là quá cao

TTO - Chính phủ đề xuất nâng số giờ làm thêm trong 1 tháng của người lao động từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho rằng mức tăng này quá cao, chưa có đầy đủ cơ sở khoa học.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp