Tuổi Trẻ trích ý kiến từ tài xế, doanh nghiệp vận tải trước thông tin này.
Ông Bùi Văn Quản (chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM):
Tăng phí, chất lượng dịch vụ phải tăng
Việc tăng phí kiểm định là do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, quyết định. Mức phí tăng hợp lý thì các doanh nghiệp vận tải cũng sẽ chấp hành ngay.
Tuy nhiên, phí kiểm định tăng thì kèm theo đó chất lượng dịch vụ cũng phải cải thiện. Suốt mấy tháng qua, doanh nghiệp vận tải rất khó khăn, xe không đăng kiểm được thì mọi hoạt động kinh doanh phải ngừng. Rất nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh phá sản vì không "gồng" mãi được, nhìn hàng xe xếp hàng nằm bãi ai cũng ngậm ngùi.
Điều mong muốn nhất của tất cả các doanh nghiệp chính là ngành đăng kiểm nhanh chóng khắc phục tình trạng quá tải, nâng cấp ứng dụng công nghệ để phục vụ kiểm định xe nhanh, ưu tiên xe vận tải. Tăng phí nhưng thủ tục nhanh, minh bạch, rõ ràng thì doanh nghiệp sẵn sàng ủng hộ.
Tôi cũng kiến nghị các cơ quan nhà nước xem xét tăng chu kỳ kiểm định đối với một số loại xe kinh doanh vận tải. Một số lỗi nhỏ của xe không ảnh hưởng tới an toàn cũng nên bỏ qua, không nên quá gắt gao.
Vừa qua, thông tư mới cho phép tự động giãn chu kỳ đăng kiểm với xe ô tô không kinh doanh dưới 9 chỗ ngồi. Đây cũng là một giải pháp giảm áp lực đăng kiểm, nhưng về lâu dài thì cần nhiều biện pháp hơn nữa. Đặc biệt phải có chính sách kịp thời hỗ trợ xe kinh doanh vận tải.
Anh Phan Văn Tâm (chủ một doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển phát nhanh):
Tập trung gỡ ách tắc đăng kiểm, rồi mới tăng phí
Tôi cho rằng việc tăng phí kiểm định trong thời điểm này chưa phù hợp. Hiện nay, ngành đăng kiểm đang quá tải, ách tắc gần nửa năm ảnh hưởng lớn tới việc đi lại, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp vận tải.
Hàng trăm doanh nghiệp nhỏ và vừa không đăng kiểm được đành để xe nằm bãi, chịu thiệt hại khủng khiếp về tiền bạc. Tôi có ba ô tô tải nhỏ, trong đó hai xe hết hạn từ tháng 4 vẫn chưa được đăng kiểm. Vất vả chờ đợi mới đặt được lịch hẹn online vào giữa tháng 6.
Theo tôi, các đơn vị tập trung giải quyết các khó khăn của ngành đăng kiểm giúp người dân và doanh nghiệp có thể hoạt động bình thường rồi tính tới chuyện tăng phí.
Ông Kiều Công Hoàn (chủ xe tải chở hàng TP.HCM - Tây Ninh):
Thu tăng và ưu tiên tăng thu nhập đăng kiểm viên
Tăng phí kiểm định cũng là hợp lý bởi thực tế, hiện nay ngành đăng kiểm cũng đang gặp khó khăn về nhiều mặt. Nhân lực đăng kiểm thiếu, nhiều đăng kiểm viên chán việc vì lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống.
Nếu tăng phí kiểm định, Cục Đăng kiểm Việt Nam nên ưu tiên sử dụng tiền vào ổn định cuộc sống đăng kiểm viên, nâng cấp hệ thống đăng kiểm, công nghệ online nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.
Dù vậy, các doanh nghiệp vận tải đang phải gánh rất nhiều chi phí để vận hành xe trên đường. Cho nên cần cân nhắc mức phí hợp lý tránh áp lực cho các doanh nghiệp có lượng xe lớn.
Không chỉ vậy, dịch vụ đăng kiểm phải thật tốt, đảm bảo phục vụ nhanh, thuận tiện cho người dân, không để xảy ra tiêu cực, vòi vĩnh như trước đây đã có.
Tăng phí, mong đăng kiểm sẽ hết tiêu cực
Đó là vấn đề mà nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online đặt ra trước đề xuất của Cục Đăng kiểm tăng giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
"Khủng hoảng đăng kiểm chưa giải quyết xong mà đề xuất tăng giá thì làm nhanh thế" - bạn đọc Khôi có ý kiến.
Bạn đọc Dang Tho yêu cầu: "Tăng phí thì kèm theo dịch vụ phải chất lượng. Tăng phí thì thủ tục phải nhanh gọn, dịch vụ minh bạch, chấm dứt triệt để nạn nhũng nhiễu, vòi vĩnh". Bạn đọc Sang Nguyễn bổ sung thêm: "Nhanh nhanh giúp cái cho dân nhờ, tính đủ tính đúng là được!".
Cùng quan điểm, bạn đọc Thanh Hải góp ý: "Tăng giá để nâng cao chất lượng dịch vụ, giá cao dịch vụ tốt. Tăng giá mà khách hàng vẫn phải chờ cả tuần, cả tháng chưa đăng kiểm xong thì không được".
Bạn đọc có địa chỉ email nguy****@gmail.com đề xuất "cần có các gói dịch vụ đăng kiểm khác nhau, có hóa đơn đầy đủ cho khách hàng lựa chọn. Chúng tôi cần tư vấn hướng dẫn để khắc phục nếu phương tiện chưa đạt kiểm định".
CÔNG DŨNG tổng hợp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận