Các đại biểu Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 sáng 20-5 - Ảnh: Quochoi.vn
Đánh giá về tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn rủi ro và ảnh hưởng bất lợi đến ổn định và tăng trưởng, như việc tăng giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế…
Đó là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến lạm phát, khiến tăng trưởng chậm lại trong lĩnh vực sản xuất...
Vì vậy, Ủy ban Kinh tế yêu cầu Chính phủ tiếp tục quan tâm tăng cường công tác dự báo và phân tích các diễn biến, thường xuyên đánh giá đầy đủ các rủi ro bên ngoài, các hạn chế nội tại của nền kinh tế, từ đó cảnh báo và đưa ra các phương án dự phòng để điều chỉnh phù hợp, linh hoạt, tránh gây bất ổn cho nền kinh tế.
Hơn 27.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh năm 2018
Con số này tăng 25,1% so với năm 2017, theo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đối với báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khi trình bày thẩm tra này tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV sáng nay 20-5, đã nhận định số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, hoạt động hoặc giải thể tăng cao, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và lớn (quy mô vốn 50-100 tỉ và trên 100 tỉ đồng) và doanh nghiệp ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn.
Cùng với đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2018 cũng tăng cao, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn và doanh nghiệp ở vùng trung du và miền núi phía Bắc và vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Thủ tục hành chính còn phiền hà
Về môi trường kinh doanh năm 2018, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế tiếp tục lưu ý phản ánh của doanh nghiệp rằng những cải cách của bộ, ngành, địa phương đi vào cuộc sống còn chậm, không đều trên các lĩnh vực, có cải cách chưa mang lại hiệu quả thực chất, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đồng thời còn nhiều quan ngại về chi phí không chính thức tuy giảm nhưng còn ở mức cao; việc gia nhập thị trường vẫn còn nhiều khó khăn; thủ tục hành chính về đất đai, thuế, quản lý thị trường, giao thông vận tải… còn phiền hà; tính minh bạch thông tin của chính quyền ít được cải thiện.
Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục giảm bớt thủ tục hành chính một cách thực chất, mạnh mẽ hơn trong tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đầu tư, xây dựng, giao thông và giáo dục.
Cũng như công khai, minh bạch quy trình, thủ tục hành chính và xử lý nghiêm các sai phạm để loại bỏ các chi phí không chính thức cho người dân và doanh nghiệp, khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân trong đầu tư, xây dựng các dự án quan trọng quốc gia.
Bên cạnh đó là rà soát, đồng bộ hóa các giải pháp để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đặc biệt phát triển thị trường khoa học công nghệ một cách ổn định để bảo đảm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học.
Khoảng 131.000 doanh nghiệp thành lập mới
Cũng tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết năm 2018 ghi nhận mức gia tăng đáng kể cả về số lượng và quy mô vốn bình quân của doanh nghiệp thành lập mới: khoảng 131.000 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký hơn 1.478,1 nghìn tỉ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận