Bạo lực bắt đầu bùng phát ở thủ đô Juba hôm 15-12 và nhanh chóng lan rộng ở đất nước 10,8 triệu dân này.
Phóng to |
Những người tị nạn vừa được đưa đến căn cứ Tomping của Liên Hiệp Quốc gần sân bay quốc tế Juba ngày 24-12. Nơi đây đang phải tiếp nhận đến 12.000 người thuộc sắc tộc Nuer Ảnh: Reuters |
Nghị quyết được đưa ra sau khi điều phối viên về nhân đạo tại Nam Sudan của LHQ Toby Lanzer cảnh báo số người chết trong mười ngày qua là khoảng vài ngàn người, trong khi trước đó chỉ mới đề cập con số vài trăm. Ông nói trên BBC: “Khi tôi đến bệnh viện ở các thị trấn chính và thủ đô, với mức độ thương vong thì đây không còn là vài trăm người mất mạng nữa”.
"Bất kể khác biệt là gì, không gì có thể biện minh cho hành vi bạo lực ở đất nước non trẻ này" Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki moon |
Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon đã kêu gọi việc tăng thêm quân cho phái đoàn UNMISS (tên của lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan) để đối phó với tình trạng bùng phát bạo lực. Ngoài lực lượng lính gìn giữ hoa bình, lực lượng cảnh sát dân sự cũng được tăng lên 1.323 người.
Cùng lúc, HĐBA cũng lên tiếng yêu cầu chấm dứt xung đột giữa lực lượng trung thành với Tổng thống Salva Kiir và lực lượng của phó tổng thống bị phế truất Riek Machar. Hầu hết các cuộc đụng độ cho tới nay là giữa các nhóm sắc tộc Dinka và Nuer trong quân đội nước này.
Tình trạng ở Nam Sudan đang dấy lên nỗi lo ngại về nạn thanh trừng sắc tộc ở quốc gia non trẻ này. Hiện có khoảng 45.000 dân thường đang trốn nhờ tại các căn cứ của LHQ. Nghị quyết của HĐBA bày tỏ “cảnh báo và lo ngại sâu sắc về tình trạng an ninh và khủng hoảng nhân đạo xấu đi nhanh” tại đây. Nghị quyết cũng cảnh báo những người phạm các tội ác chiến tranh sẽ phải chịu hậu quả. HĐBA cũng giao nhiệm vụ cho ông Ban Ki Moon phải báo cáo lại cho HĐBA sau 15 ngày về tình hình triển khai quân cũng như các yêu cầu thêm quân.
Nam Sudan tách ra từ Sudan năm 2011 theo một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt mấy chục năm nội chiến. Các nước phương Tây và các nước Đông Phi từng cố tránh tình trạng hỗn loạn ở quốc gia này nên cố kết nối đàm phán giữa Tổng thống Salva Kiir, một người tộc Dinka, và thủ lĩnh phe nổi dậy - phó tổng thống Riek Machar, một người Nuer. Ông Machar bị cách chức phó tổng thống hồi tháng 7.
Trong ngày 24-12, các quan chức LHQ cũng nói đang điều tra thông tin các vụ thảm sát có thể quy kết là “tội phạm chiến tranh và phạm tội chống nhân loại”. Trong nghị quyết, các thành viên HĐBA buộc tội tất cả bên tham chiến, các nhóm vũ trang cũng như lực lượng an ninh quốc gia. “Chúng tôi sẽ không thể bảo vệ mọi dân thường cần giúp đỡ ở Nam Sudan - ông Ban Ki Moon cảnh báo - Các bên đều có trách nhiệm chấm dứt cuộc xung đột. Đây là cuộc khủng hoảng chính trị cần một giải pháp chính trị hòa bình. Cần bắt đầu đối thoại”.
Các cuộc giao tranh trong thời gian qua cũng ảnh hưởng tới việc sản xuất dầu mỏ ở đất nước này, vốn chiếm tới 98% nguồn thu của chính phủ. Bộ trưởng dầu mỏ Stephen Dhieu Dau nói sản lượng đã giảm hơn 45.000 thùng/ngày do các mỏ phải ngưng sản xuất.
Trong lúc này, Lầu Năm Góc (Mỹ) nói đã chuyển khoảng 50 lính thủy đánh bộ tới Uganda (nước giáp biên giới) để chuẩn bị cho việc di tản công dân Mỹ ở Nam Sudan. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã ra tuyên bố kêu gọi các bên chấm dứt giao tranh. Tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNPC là nhà đầu tư chính tại Nam Sudan và giao tranh đã khiến tập đoàn này phải sơ tán một số công nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận