Các nhà mạng cùng đua tăng dung lượng 3G-4G, không tăng giá. Trong ảnh: xem World Cup 2018 bằng điện thoại di động - Ảnh: Q.ĐỊNH
Quanh thời điểm diễn ra vòng chung kết World Cup 2018, các nhà mạng di động dù không công bố giảm giá nhưng đều tăng thêm dung lượng cho các gói cước 4G nhằm đáp ứng nhu cầu xem trực tiếp các trận bóng đá cũng như các video liên quan...
Tăng dung lượng thêm 5-6 lần
Nhà mạng MobiFone vừa thông báo áp dụng chính sách tăng dung lượng các gói cước Mobile Internet 3G/4G cơ bản, với mức điều chỉnh tăng dung lượng tối đa lên tới hơn 6 lần trong khi giữ nguyên giá các gói cước.
Tất cả thuê bao di động trả trước, trả sau của MobiFone khi đăng ký mới hoặc gia hạn thành công gói cước data cơ bản bất kỳ đều sẽ được hưởng chính sách mới này.
Đặc biệt, những thuê bao đang sử dụng gói cước trọn gói MIU - được khách hàng MobiFone sử dụng nhiều nhất - được hưởng lợi lớn nhất.
Với mức giá 70.000 đồng như hiện tại, thay vì chỉ nhận được 600MB dữ liệu như trước, thuê bao sẽ có 3,8GB data (tăng hơn 6 lần), sử dụng trong 30 ngày.
Các gói cước Mobile Internet 3G/4G cơ bản khác của MobiFone cũng được áp dụng mức tăng dung lượng, giá không đổi.
Tuy quy mô chưa lớn nhưng Vietnamobile cũng vừa cho ra mắt "Siêu thánh SIM", được cho là phiên bản nâng cấp của "Thánh SIM" trước đây, thêm nhiều ưu đãi như miễn phí thoại, nhắn tin nội mạng và giảm giá thoại ngoại mạng chỉ 550 đồng/phút.
Đặc biệt, "Siêu thánh SIM" được tích hợp các ưu đãi đã có của "Thánh SIM" là cung cấp miễn phí cho người dùng data tốc độ cao lên đến 4GB/ngày trong 30 ngày (tức 120GB/tháng, gấp hơn 30 lần so với các nhà mạng "đại gia").
Dù gặp phản ứng của một số cơ quan khi tung gói "Thánh SIM" nhưng bà Elizabete Fong, tổng giám đốc Vietnamobile, thẳng thắn: "Miễn phí data được người dùng hưởng ứng mạnh mẽ.
Tiếp nối Thánh SIM, nhận thấy ngoài nhu cầu sử dụng data, một lượng lớn người dùng Việt hiện nay vẫn có nhu cầu thoại và nhắn tin, vì thế Siêu thánh SIM ra đời".
Thực tế khởi phát cuộc đua tăng dung lượng 4G nhưng không tăng cước có thể nói là nhà mạng Viettel, khi họ công bố hồi tháng 5-2018 về việc điều chỉnh các gói data mới có lưu lượng tăng gấp 5 so với các gói data trước đó với mức giá cước tương đương.
Cụ thể, cùng mức giá 70.000 đồng của gói MIMAX cũ (600MB), giờ đây khách hàng có tới 3GB data tốc độ cao.
Tương tự, các gói MIMAX90, MIMAX125, MIMAX200 với mức giá 90.000 đồng, 125.000 đồng, 200.000 đồng cũng được điều chỉnh tăng lưu lượng gấp 4-5 lần, lần lượt là 5GB, 8GB và 15GB.
VinaPhone cũng thực hiện chính sách nâng dung lượng cho khách hàng của mình. Trong đó gói MAX70 với giá 70.000 đồng/tháng được tăng mạnh tới hơn 6 lần dung lượng, lên 3,8GB/tháng.
Tất cả các gói MAX đều không giới hạn vượt gói, người dùng vẫn truy cập được Internet cả khi hết dung lượng gói. Các nhà mạng đều cho biết về cơ bản, việc ưu đãi dung lượng kể trên sẽ không chấm dứt khi hết World Cup.
Tốc độ chưa ổn định
Theo thống kê của We Are Social (công ty toàn cầu chuyên thực hiện các thống kê và đánh giá kỹ thuật số) vào tháng 1-2018, tốc độ kết nối Internet di động trung bình tại Việt Nam là 20,33Mbps - một con số khá cao, nhưng theo phản ảnh của nhiều người dùng, tốc độ kết nối vẫn còn khá phập phù (nhất là khi xem trực tiếp các trận bóng đá) dù họ đã chọn mua gói cước 4G tốc độ cao dành riêng cho World Cup 2018.
Ông Nguyễn Văn Đô, giám đốc Công ty TechTimes Việt Nam, nhận xét: "Tốc độ 4G tại TP.HCM khá tốt.
Tuy nhiên, ở một số vị trí ngoại thành hoặc trong các tòa nhà cao tầng trong nội thành chất lượng sóng 4G kém, khiến đường truyền các trận đấu bị gián đoạn, giảm chất lượng hoặc ứng dụng yêu cầu kết nối lại".
Với kinh nghiệm nhiều năm tổ chức các tour du lịch, ông Nguyễn Duy Vĩ, giám đốc marketing Trung tâm lữ hành quốc tế Tugo, cho rằng khách du lịch khi đi đến nước nào cũng đều muốn có mạng Internet để sử dụng ngay, nên việc tăng dung lượng 4G của các nhà mạng là hoàn toàn hợp lý.
"Tuy nhiên, việc tăng dung lượng nhưng không tăng giá cước cũng không phải là quá hấp dẫn. Điều mà khách hàng quan tâm là tốc độ và sự ổn định vì du khách qua đây ngoài việc xem phim giải trí còn có nhu cầu livestream, gửi hình ảnh về cho người thân, tra Google map..." - ông Vĩ nhận định.
Theo ông Vĩ: "Tốc độ mạng di động hiện nay thật sự là điều đáng lo ngại vì không ổn định. Các số liệu của nhà mạng công bố là rất tốt, tuy nhiên khi sử dụng thử thì không trơn tru lắm.
Qua Campuchia, tôi có mua sim 4G tại sân bay, chạy rất tốt dù chia sẻ cho hai máy dùng chung. Còn 4G ở Việt Nam lúc rất tốt, lúc lại chập chờn dù ở cùng khu vực".
"Hiện tại, có thể nói mức giá 4G theo tháng của Việt Nam là khá hấp dẫn nếu so với các nước khác và đây là một lợi thế rất lớn để thu hút người dùng. Tuy nhiên, cần cải thiện sự ổn định để có được một sản phẩm ở mức hoàn thiện cao nhất" - ông Vĩ đề xuất.
Nhu cầu nhắn tin, điện thoại giảm
Khi nhận định về thị trường hiện nay, đại diện MobiFone cho biết nhu cầu sử dụng các phương thức liên lạc truyền thống như thoại, SMS đang có xu hướng giảm.
Trong khi đó, hàng loạt phương thức liên lạc mới như các ứng dụng OTT, mạng xã hội... để gọi điện, nhắn tin đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng thu hút đông đảo người dùng. Vì vậy, nhu cầu kết nối Internet mọi lúc mọi nơi ở Việt Nam đang ngày càng tăng.
Giá cao, người Việt dùng data ít hơn nhiều nước
Theo thống kê của nhà mạng Viettel, lưu lượng sử dụng data trung bình trong tháng của người dùng Việt Nam hiện nay là 1,9GB, thấp hơn các nước lân cận như Lào (8,5GB), Campuchia (8,3GB), Thái Lan (6,7GB), Singapore (4,7GB).
Đại diện Viettel công nhận có nhóm khách hàng thường xuyên phải dùng data "dè sẻn", thậm chí "nhịn" sử dụng trong khi di chuyển, hoặc khi đang ở nơi không tìm được mạng WiFi nhằm tiết kiệm tối đa chi phí.
"Nguyên nhân được cho là giá cước data tại Việt Nam vẫn đang ở mức tương đối cao so với thu nhập của người dân. Mặt khác, người dùng trong nước cũng đang sử dụng WiFi khá phổ biến" - đại diện Viettel nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận