TP.HCM họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 - Ảnh: THẢO LÊ
Phát biểu tại họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch chiều 5-8, ông Phan Văn Mãi - phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - cho biết việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch có chuyển biến tốt.
Đến chiều 4-8, TP nhận thông tin từ Bộ Thông tin và truyền thông ghi nhận việc ra đường (từ 6h sáng đến 18h tối) của người dân TP chấp hành tốt. Việc tự quản, nỗ lực xây dựng "vùng xanh" ở các địa bàn được thực hiện tự giác và nỗ lực của người dân đang mang lại kết quả. Theo ông Mãi, hiện TP đang theo dõi, thúc đẩy người dân tham gia mở rộng vùng xanh, an toàn.
Các hoạt động điều trị, chăm lo đời sống người dân cũng dần đi vào nề nếp, vận hành bài bản, khắc phục dần các hạn chế.
Trong thời gian tới, ông Mãi cho biết có hai việc hiện nay Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP và các cấp trung ương, địa phương đang tập trung cao độ để xử lý.
Thứ nhất là về công tác tiếp nhận điều trị, hiện số người điều trị tại TP càng ngày càng tăng, số người chuyển nặng nhiều, trong khi năng lực tiếp nhận, đội ngũ, trang thiết bị hạn chế tạo ra áp lực lớn.
"TP phải tổ chức lại, cải tiến rút ngắn thời gian một số quy trình. Với tinh thần 5 tại chỗ, TP sẽ tập trung cao cho nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị", ông Mãi cho hay.
Thứ hai, sau thời gian dài giãn cách xã hội, các hoạt động sản xuất dừng lại, nhiều người 2 tháng nay không đi làm, không có thu nhập tạo sức ép đời sống người dân. TP đã huy động các nguồn lực, đồng thời rà soát để phát hiện đầy đủ bà con cần giúp đỡ để đưa nguồn lực đến.
"Phải kịp thời cập nhật, giúp đỡ cho người dân. TP cần nhanh nhạy, bao quát hơn mới đáp ứng được nhu cầu", ông Mãi nhấn mạnh.
Ông Mãi cho rằng với tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc đếm ca dương không còn ý nghĩa. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc TP không quan tâm đến việc truy tìm F0, ngăn ngừa ca mắc mới, và cần triệt để hơn trong việc áp dụng các biện pháp giãn cách, ngăn chặn nguồn lây.
Từ đây đến hết tháng 8, việc đảm bảo giãn cách và đảm bảo an toàn, bảo vệ vùng xanh là việc TP cần tập trung thực hiện quyết liệt.
Phó bí thư thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi - Ảnh: Trung tâm Báo chí
Liên quan đến công tác điều trị, ông Mãi cho biết trong 5 tầng điều trị, tầng 3, 4, 5 gần như đầy công suất. TP phải tập trung tổ chức lại quy trình điều trị, rút ngắn một số quy trình, sắp xếp lại không gian để có thể tiếp nhận người bệnh, nhất là sơ cấp cứu và cấp cứu, đồng thời cần đảm bảo sự liên thông giữa các tầng điều trị.
"Ví dụ như một số bệnh viện trước đây không điều trị bệnh nhân COVID-19 nếu có thể mở rộng không gian để điều trị COVID-19 sẽ làm như thế nào, đầu tư trang thiết bị ra sao. Nếu bệnh viện này không tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 thì tiếp nhận bệnh giúp các bệnh viện khác để các bệnh viện này chuyển đổi không gian thành điều trị COVID-19", ông Mãi nói.
TP cũng đang cố gắng mở rộng năng lực điều trị, trang bị oxy cho các tuyến bệnh viện quận để đáp ứng nhu cầu cấp cứu, đồng thời đang chuyển đổi công năng 3 bệnh viện thu dung lên tầng điều trị COVID-19.
Như vậy TP sẽ có 5 bệnh viện với tổng công suất 1.000 giường bệnh và đang thực hiện quyết liệt để cuối tuần này có thể đưa vào vận hành thêm 1.000 giường điều trị tại tầng 3.
Ngoài ra, bên cạnh 4 bệnh viện ở tầng 5, Bệnh viện hồi sức cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu đã đạt quy mô 500 giường. Ngành y tế đang khẩn trương mở rộng theo kế hoạch 1.000 giường.
"Đây là tầng đòi hỏi nhân lực và trang thiết bị chất lượng cao. TP đang vướng chỗ nhân lực cũng như thiết bị tại tầng 5 này. Do đó, TP đang tập trung nguồn lực trung ương cũng như nội tại để mở rộng tầng 5", ông Mãi nói.
Ông Mãi cho biết thêm hiện trung ương cũng đang chỉ đạo hình thành 4 trung tâm hồi sức cho Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Đại học Y dược.
Hiện Bệnh viện Đại học Y dược đã triển khai 50 giường hồi sức, các bệnh viện còn lại cũng đang khẩn trương để cuối tuần này có được cơ sở nhận bệnh đầu tiên và tiếp tục hoàn thiện với quy mô 2.000 giường. Như vậy, tại tầng 5 TP sẽ có 3.000 giường điều trị.
Phó bí thư thường trực TP cho rằng do số ca nhiễm tăng nhanh, việc tiếp nhận bệnh nhân có lúc có nơi chưa đáp ứng kịp. TP cũng đã tổ chức các trạm phản ứng nhanh như ở quận 10, Bình Thạnh… thành nơi tiếp nhận ban đầu để cấp cứu bệnh nhân.
"TP đang cố gắng tăng cường năng lực điều trị, tiếp nhận điều trị kịp thời, hạn chế chuyển nặng và tử vong", ông Mãi nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận