Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 - Ảnh: Tuổi trẻ
Đợt dịch thứ 4 bùng phát, ban đầu ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội rồi lan rộng ra nhiều địa phương khác, trong đó, TP.HCM là địa phương đang phải căng mình chống đỡ trước tình hình dịch được tiên lượng diễn biến rất phức tạp và kéo dài.
Một thành phố hơn 10 triệu dân, là trung tâm kinh tế phía Nam, cửa ngõ giao thương với nhiều địa phương nên khi dịch bùng phát đã gây ra không ít khó khăn cho công tác phòng chống.
Làm sao để hài hòa và cân bằng giữa chống dịch với phát triển kinh tế, làm sao để chống dịch hiệu quả nhưng ít ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp…?
Câu hỏi luôn nặng trĩu là bài toán khó đặt ra cho những người lãnh đạo cao nhất của thành phố. Mỗi quyết sách trước khi đưa ra đều phải nâng lên hạ xuống với nhiều trăn trở, sao cho hạn chế thấp nhất mức ảnh hưởng đến cuộc sống của dân nhưng vẫn đảm bảo việc phòng, chống dịch được ưu tiên hàng đầu.
Từ những ngày đầu đại dịch bùng phát đến nay, Thành phố đã linh hoạt áp dụng nhiều biện pháp để đảm bảo mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến kinh tế đất nước và cuộc sống của người dân.
Công tác phòng chống luôn được nâng cao, từ khuyến cáo người dân tuân thủ hướng dẫn 5k, giữ khoảng cách, đến áp dụng linh hoạt chỉ thị 15, chỉ thị 16, chỉ thị 10, chỉ thị 12 trên nhiều khu vực,… nhưng tình hình diễn biến dịch vẫn chưa được kiểm soát.
Cuộc sống sinh hoạt của người thành phố bị đảo lộn, mọi hoạt động thường nhật phải điều chỉnh để chung tay cùng thành phố phòng chống dịch.
Cuộc sống của người dân lao động tự do, không có tích lũy dự phòng, đã vượt quá sức chịu đựng khi vì dịch bệnh mà phải tiếp tục kéo dài tình trạng giãn cách xã hội.
Trước diễn biến phức tạp, số ca nhiễm ngày một tăng theo cấp số nhân thì điều đáng lo nhất là hệ thống y tế quá tải và lực lượng chuyên môn trong ngành y không đủ quân số để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Ứng phó với tình hình này, lãnh đạo thành phố đã gấp rút triển khai nhiều biện pháp cấp bách. Nguồn nhân lực y tế từ nhiều địa phương như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Nghệ An … được huy động để chi viện cho TP.HCM, các doanh nghiệp cũng sẵn sàng nhân lực và phương tiện cùng chung tay.
Các bệnh viện dã chiến ở Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ…được thiết lập để sẵn sàng đón nhận và điều trị tốt nhất cho bệnh nhân không may nhiễm COVID-19.
Khu hồi sức COVID-19 sẽ hỗ trợ các y bác sĩ rất nhiều trong công tác điều trị cho bệnh nhân
Ngày 30-7, Bộ Y tế ban hành quyết định thành lập Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế, tại TP.HCM (gọi tắt là Trung tâm hồi sức COVID-19 Trung ương Huế) và bệnh viện thu dung phòng chống dịch bệnh đặt tại số 2 đường Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú.
Bệnh viện Dã chiến số 2 (Khu chung cư tái định cư đường B, phường Tân Thời Nhất, Quận 12, TP HCM) cũng được thành lập và đi vào hoạt động từ đầu tháng 7-2021.
Bệnh viện có số giường thực kê 2.467 giường để thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ. Và ngày 1-8, Sở Y tế TP.HCM đã chính thức bàn giao và đưa vào vận hành khu hồi sức tại bệnh viện dã chiến này.
Trung tuần tháng 7-2021, khu căn hộ tái định cư Phường An Khánh, Quận 2 - công trình do Tập đoàn Novaland quản lý đã hoàn tất bàn giao để sử dụng thành Bệnh viện dã chiến số 10 nhằm tăng cường nguồn lực, cơ sở vật chất cho ngành Y tế phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh.
Bệnh viện dã chiến số 10 có sức chứa khoảng 3.000 giường bệnh, được tập đoàn đề xuất trưng dụng từ khu căn hộ của dự án để phục vụ chống dịch khẩn cấp cho TP HCM.
Tình người trong đại dịch tiếp tục lan tỏa rộng khắp, mang lại yêu thương ấm áp cho những người đang ở tuyến đầu chống dịch và thắp lên hy vọng cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn về một tương lai tươi sáng rằng dịch bệnh sẽ được kiểm soát và cuôc sống trở lại bình yên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận