Khu vực đổ nát do sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 - Ảnh: NHẬT LINH
Ngày 19-10, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã cùng đoàn tìm kiếm cứu nạn theo đường thủy lên thủy điện Rào Trăng 3. Những công nhân ở đây cho biết tại khu vực này vẫn tiếp tục bị sạt lở, đặc biệt là dọc tuyến đường 71 từ thủy điện Rào Trăng 4 lên Rào Trăng 3.
Hiện từ đường 71 còn khoảng 1km lực lượng tìm kiếm cứu nạn mới có thể tiếp cận thủy điện Rào Trăng 4. Thế nhưng tại khu vực này còn 3 ngầm tràn rất lớn (rộng khoảng 50m), thời tiết mưa nhiều trong mấy ngày qua làm nhiều đoạn của đường 71 mới được khôi phục tiếp tục sạt lở. Do đó việc thi công bằng cơ giới gặp nhiều khó khăn. Từ thủy điện Rào Trăng 4 đến Rào Trăng 3 bằng đường bộ còn khoảng 10km với nhiều điểm sạt lở, trong đó có 9 điểm sạt lở rất lớn.
Lực lượng công binh triển khai tìm kiếm người mất tích khi vừa tiếp cận hiện trường vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 - Ảnh: NHẬT LINH
Trên chiếc thuyền vào thủy điện Rào Trăng 3 hôm nay còn có thêm những người thợ lái máy xúc, máy ủi vào tăng viện. Trên khu vực thủy điện Rào Trăng 4 còn 2 máy xúc, 1 máy ủi. Những người thợ này sẽ lái máy thi công xuyên đêm nay, cố gắng thông tuyến đường từ Rào Trăng 4 lên Rào Trăng 3 trong ngày 20-10 nếu thời tiết cho phép.
Tại khu vực hiện trường sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3, khối lượng đất đá bị sạt lở rất lớn, gấp nhiều so với điểm sạt lở tại Trạm quản lý, bảo vệ rừng 67. Các điểm sạt lở ở đây rất rộng, được phân làm 3 tầng với bề dày mỗi tầng 3-4m. Đất đá tràn xuống với khối lượng lớn ở các khu vực này nên rất khó nếu làm thủ công.
Hiện ở thủy điện Rào Trăng 3 còn một máy múc. Tuy nhiên 4 công nhân lái máy xúc ở thủy điện này đang mất tích nên chiếc máy này không có người lái.
Khi đến hiện trường, lực lượng tìm kiếm cứu nạn ngay lập tức triển khai tìm kiếm người mất tích. Tuy nhiên việc tìm kiếm này vẫn không có kết quả vì khối lượng đất đá vùi lấp quá lớn. Qua khảo sát, lực lượng cứu hộ cơ bản đã nắm được 2 vị trí nghi vùi lấp 15 người còn mất tích.
Thiếu tướng Hà Thọ Bình, phó tư lệnh, tham mưu trưởng Quân khu 4, cho biết lực lượng cứu hộ sẽ tìm mọi cách để thông đường 71, đưa thêm máy móc lên thủy điện Rào Trăng 3. Dự kiến trong ngày mai, lực lượng công binh và lực lượng tìm kiếm cứu nạn của quân đội sẽ được tăng viện thêm lên thủy điện Rào Trăng 3 bằng đường thủy.
Lập sở chỉ huy tiền phương ở thủy điện Rào Trăng 4
Hiện nay khu vực thủy điện Rào Trăng 4 đã khôi phục sóng điện thoại. Trong ngày 19-10, lực lượng thông tin liên lạc cũng đã được đưa lên khu vực thủy điện Rào Trăng 4 để lập thêm một sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn tại đây.
Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn đặt tại UBND xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) trước đó vẫn tiếp tục hoạt động và là đầu mối chính trong việc chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn ở thủy điện Rào Trăng 3.
Sau khi lắp đặt thiết bị, thiếu tướng Hà Thọ Bình đã gọi điện truyền hình trực tiếp qua sóng vệ tinh từ thủy điện Rào Trăng 4 về Bộ Quốc phòng. Lực lượng thông tin của quân đội cũng sẽ được huy động thiết lập đường dây liên lạc từ thủy điện Rào Trăng 3 về sở chỉ huy này để phục vụ việc chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn.
Một số hình ảnh được Tuổi Trẻ Online ghi lại tại hiện trường vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3:
Lực lượng tìm kiếm cứu nạn bằng đường thủy tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3 - Ảnh: NHẬT LINH
Thiếu tướng Hà Thọ Bình (phải), phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Quân khu 4, thăm hỏi động viên một công nhân đang ở lại thủy điện Rào Trăng 3 - Ảnh: NHẬT LINH
Máy móc nằm chỏng chơ tại hiện trường vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 - Ảnh: NHẬT LINH
Con đường lên khu vực sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 lấm bùn đất và đá - Ảnh: NHẬT LINH
2 máy xúc từ khu vực thủy điện Rào Trăng 4 tiến lên thủy điện Rào Trăng 3. Dự kiến 2 máy này sẽ làm xuyên đêm để cố gắng thông tuyến đường 71 từ Rào Trăng 4 lên Rào Trăng 3 đang bị sạt lở nghiêm trọng - Ảnh: NHẬT LINH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận