20/05/2019 06:00 GMT+7

Tăng chỉ tiêu, điểm chuẩn trường sư phạm sẽ giảm?

MINH GIẢNG thực hiện
MINH GIẢNG thực hiện

TTO - Năm 2018 Bộ GD-ĐT cắt giảm 38% chỉ tiêu nhóm ngành sư phạm so với năm 2017. Nhưng năm nay nhóm ngành sư phạm lại tăng đến 30,05% so với năm 2018.

Tăng chỉ tiêu, điểm chuẩn trường sư phạm sẽ giảm? - Ảnh 1.

Một buổi học của sinh viên năm 3 khoa tiếng Nhật trường ĐH Sư phạm TPHCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Vì sao lại tăng chỉ tiêu sư phạm trong khi nhiều sinh viên ngành này ra trường không tìm được việc làm?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - cho biết đào tạo sư phạm hay bất kỳ ngành nào cũng cần xuất phát và gắn với nhu cầu sử dụng trong thực tế.

Năm 2018, để đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên, hạn chế tình trạng thất nghiệp và dư thừa, Bộ GD-ĐT đã giảm chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm và áp dụng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.

Khó tuyển đủ chỉ tiêu

* Bà đánh giá thế nào về tình trạng thừa, thiếu giáo viên hiện nay? Nhiều ý kiến cho rằng sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm do chỉ tiêu đào tạo sư phạm quá nhiều, không căn cứ thực tế nhu cầu ở các địa phương?

- Việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ không phải câu chuyện mới. Năm 2016, Bộ GD-ĐT nghiên cứu, rà soát, đề xuất và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 732/QĐ-TTg về đào tạo nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Kết quả rà soát cho thấy cả nước thừa, thiếu cục bộ khoảng 43.000 giáo viên. Quyết định này chỉ rõ: trong giai đoạn từ 2016-2020 cần đào tạo thêm 190.000 giáo viên, tương đương mỗi năm khoảng 47.500 người. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay không năm nào tuyển được 47.500 sinh viên.

Năm 2017, bộ đã khảo sát nhu cầu đào tạo giáo viên của các tỉnh thành trong cả nước. Tổng hợp kết quả cho thấy: năm 2018, các tỉnh cần đào tạo 59.527 giáo viên.

Bộ đã giao cho các trường sư phạm 35.590 chỉ tiêu, bằng 60% nhu cầu; 40% còn lại để các tỉnh thu hút sinh viên sư phạm tốt nghiệp chưa có việc làm nhưng thực tế chỉ tuyển được hơn 26.000, chỉ đạt 44% nhu cầu đào tạo của năm do chính sách chất lượng, nâng cao điểm sàn sư phạm tối thiểu phải 17 điểm đối với trình độ ĐH.

* Và đó là lý do tăng chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm năm nay?

- Theo báo cáo từ các địa phương gửi về bộ, năm 2019 cả nước có 63.364 chỉ tiêu cần đào tạo. Việc xác định chỉ tiêu 2019 theo nguyên tắc căn cứ vào nhu cầu của các tỉnh, các vùng miền và năng lực đào tạo của các trường để giao chỉ tiêu.

Tổng chỉ tiêu năm 2019 đã xác định giao cho các cơ sở đào tạo giáo viên là 44.076, đạt 69,56% nhu cầu của các địa phương theo các ngành đào tạo.

Rút kinh nghiệm từ con số thực tuyển của năm 2018, năm 2019 Bộ GD-ĐT giao cho các trường 46.285 chỉ tiêu, tương đương 73% nhu cầu, tăng so với mức 69,56%. Tuy nhiên, năm nay, theo số liệu thống kê tính đến 14-5-2019, thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên còn ít hơn năm 2018 nên khó có khả năng tuyển đủ chỉ tiêu nêu trên.

Thực tế là toàn quốc đang thừa, thiếu giáo viên cục bộ, chứ không phải chỉ có tình trạng giáo viên đang dư thừa nhiều ở địa phương. Theo báo cáo cuối năm 2018 của các sở GD-ĐT địa phương, cả nước đang thiếu 75.989 giáo viên, chủ yếu là bậc mầm non và tiểu học. Trong đó các tỉnh thiếu giáo viên lớn nhất là Hải Dương 4.000, Hà Nội 4.000, Thái Bình 3.600..."

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng


Không hạ điểm sàn để lấy số lượng

* Chỉ tiêu đào tạo tăng, lượng thí sinh đăng ký giảm liệu có kéo theo điểm chuẩn vào các trường sư phạm thấp xuống?

- Nếu so với năm 2018 thì chỉ tiêu tuyển đầu vào sư phạm năm 2019 có tăng thêm hơn 10.000. Nhưng chúng ta cũng không vì chỉ tiêu tăng lên mà quá lo lắng việc điểm chuẩn đầu vào sư phạm thấp cũng như chất lượng đào tạo giáo viên.

Năm 2018, ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) cho khối ngành đào tạo sư phạm được xác định lần lượt là 17/15/13 đối với các trình độ ĐH, CĐ, trung cấp hoặc yêu cầu học bạ loại giỏi đối với ĐH, loại khá đối với CĐ và trung cấp nếu áp dụng phương án xét tuyển học bạ.

Trong thực tế, năm 2018 các ngành đào tạo giáo viên chỉ tuyển được 44% so với nhu cầu đào tạo nhưng bộ quyết tâm không hạ điểm sàn để đánh đổi lấy số lượng. Năm nay, chính sách này tiếp tục sẽ được bộ thực hiện để nâng cao chất lượng giáo viên.

* Chỉ tiêu tăng lên, giải pháp nào để kiểm soát số lượng và chất lượng tuyển sinh vào sư phạm năm nay, thưa bà?

- Thứ nhất là kiểm soát bằng chỉ tiêu tuyển sinh. Bộ chỉ giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường sư phạm bằng 73% nhu cầu đào tạo của các trường. Điều này nhằm khuyến khích các tỉnh cần tiếp tục thu hút sinh viên sư phạm tốt nghiệp chưa có việc làm còn thừa, thiếu cục bộ.

Thứ hai là kiểm soát chất lượng đầu vào bằng quy định sàn xét học bạ và điểm sàn để xét tuyển từ điểm thi.

Thứ ba, yêu cầu các trường nhập toàn bộ dữ liệu trúng tuyển, nhập học lên hệ thống chung để kiểm soát việc thực hiện chỉ tiêu và điểm sàn. Bộ cũng đồng thời yêu cầu các trường sư phạm minh bạch thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng, số lượng sinh viên ra trường làm đúng ngành nghề sau 1 năm để xã hội giám sát.

Nguyện vọng 1 thấp hơn chỉ tiêu

Năm 2019, chỉ tiêu nhóm ngành sư phạm là 46.285, tăng 30,05% so với 2018. Chỉ tiêu tăng lên hơn 10.000 nhưng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào nhóm ngành này lại giảm gần 10.000. Theo đó, chỉ có 115.311 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào nhóm ngành sư phạm. Riêng số nguyện vọng 1 đăng ký vào nhóm ngành này là 39.789, thấp hơn cả chỉ tiêu cần tuyển.

Nhiều giáo viên thất nghiệp, vì sao chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm tăng? Nhiều giáo viên thất nghiệp, vì sao chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm tăng?

TTO - Vì sao chỉ tiêu tuyển sinh tăng, đặc biệt là ngành sư phạm, trong khi tỉ lệ sinh viên thất nghiệp vẫn cao, giáo viên ở nhiều địa phương đang bị dư thừa?

MINH GIẢNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp