Chế độ ăn uống là nguyên nhân quan trọng góp phần thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của bệnh.
Phóng to |
Khách hàng chọn mua rau tại siêu thị Big C trên đường Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM để tăng chất xơ cho bữa cơm gia đình - Ảnh: Thanh Đạm |
Bệnh polyp đại tràng đặc trưng bởi hiện tượng tiêu ra máu kéo dài và thường được phát hiện thông qua nội soi đại tràng. Bệnh ảnh hưởng tất cả mọi lứa tuổi và một số trường hợp có tính di truyền. Mối quan tâm lớn nhất của bệnh polyp đại tràng là tỉ lệ hóa ác tính cao. Để phòng ngừa nguy cơ phát triển thêm polyp hoặc chuyển sang ác tính, người bệnh cần theo dõi đúng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, điều trị ngoại khoa (cắt bỏ polyp) khi có chỉ định, thay đổi lối sống và chế độ ăn phù hợp.
Trước tiên nên bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia ở mức không quá hai đơn vị cồn/ngày (một đơn vị cồn tương đương một lon bia, một ly rượu nho hay một chung rượu mạnh), không để thừa cân béo phì, duy trì BMI trong giới hạn 18.5-23 và hạn chế chất béo bão hòa (có trong thịt động vật, trừ mỡ cá và sữa nguyên kem).
Nhưng quan trọng nhất là lượng chất xơ trong khẩu phần. Chất xơ có nhiều trong rau củ quả. Các nghiên cứu tiền cứu theo dõi bệnh nhân mắc polyp đại tràng trong 26 năm cho thấy thực phẩm giàu chất xơ giảm được nguy cơ phát triển thêm polyp và phát triển thành ung thư bao gồm rau xanh nấu chín, các loại đậu hạt, trái cây khô và gạo lứt.
Người tiêu thụ rau xanh nấu chín ít nhất một lần/ngày giảm 24% nguy cơ phát triển thêm polyp so với người tiêu thụ rau xanh nấu chín dưới năm lần/tuần. Nguy cơ phát triển thêm polyp giảm 26% ở người tiêu thụ trái cây khô ít nhất ba lần/tuần so với người tiêu thụ trái cây khô dưới một lần/tuần. Nguy cơ phát triển thêm polyp giảm 40% ở người tiêu thụ gạo lứt (gạo nâu, gạo chà dối còn giữ lại lớp cám) ít nhất một lần/tuần so với người không bao giờ ăn. Nguy cơ phát triển thêm polyp giảm 33% ở người tiêu thụ các loại đậu hạt ít nhất ba lần/tuần so với người tiêu thụ đậu hạt dưới một lần/tháng. Các tác dụng có lợi của bốn loại chất trên tăng thêm nếu tiêu thụ nhiều hơn.
Trong rau xanh nấu chín chứa chất chlorophyll, glucosinolates và isothiocyanates có tác dụng giải độc tế bào, chống oxy hóa và ngăn ngừa ung thư. Các hoạt chất này phát huy tác dụng trong rau đã nấu chín hơn rau sống. Sử dụng rau xanh nấu chín qua hình thức canh rau và rau luộc các loại.
Đậu hạt cung cấp các chất xơ có khả năng lên men tại đại tràng sinh ra các axit béo chuỗi ngắn butyrate là nguồn năng lượng cho các tế bào ở đại tràng và được chứng minh có tác dụng kháng viêm và phòng chống ung thư. Ngoài ra đậu hạt còn có các chất có tác dụng chống ung thư khác như saponins, inositol hexaphosphate, gamma-tocopherol và phytosterols.
Cuối cùng đậu hạt có chỉ số đường huyết thấp cũng có lợi cho sức khỏe thông qua việc phòng chống đái tháo đường, béo phì cũng như cung cấp chất đạm thực vật cho cơ thể.
Có thể nấu các món có nhiều đậu hạt như gà nấu đậu, sườn nấu đậu, chè đậu các loại (sử dụng đường kiêng) và sử dụng các loại hạt cho bữa phụ như hạt dưa, hạt điều, đậu phộng...
Gạo lứt có tác dụng phòng ung thư do chứa nhiều chất, trong đó đặc biệt là phytates và protease inhibitors. Trái cây khô chứa nhiều chất xơ giúp kiểm soát đường huyết và tạo ra axit béo chuỗi ngắn có tác dụng giảm sản sinh tế bào ung thư qua các nghiên cứu.
Người Việt ngày càng ít ăn rau Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng quốc gia VN, người trưởng thành nên tiêu thụ 18-20 gam chất xơ/ngày, tương đương 300gam rau củ và 200gam trái cây mỗi ngày. Tuy nhiên đa số người dân nước ta đều không tiêu thụ đủ theo khuyến nghị. Điều tra dinh dưỡng toàn quốc qua các năm cho thấy lượng rau người VN tiêu thụ không đủ theo khuyến nghị và ngày càng giảm. Lượng rau tiêu thụ của người Việt giảm từ 214gam/người/ngày qua tổng điều tra dinh dưỡng năm 1985 xuống còn 199gam/người/ngày qua tổng điều tra dinh dưỡng năm 2010. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận